Được phát triển bởi sự hợp tác của các nhà nghiên cứu Đại học Bristol cùng Telecomm ParisTech và Đại học Sorbonne, Skin-On bao gồm một lớp dây đồng có thể co giãn ở giữa hai lớp silicon khác nhau. Các vật liệu được sản xuất hàng loạt và những người tạo ra Skin-On tuyên bố rằng chi phí cho một phiên bản thương mại của nó sẽ rơi vào khoảng 6,5 đô la Mỹ.
Trưởng nhóm dự án Marc Teyssier thừa nhận rằng việc tìm kiếm vật liệu phù hợp để tạo ra thứ cơ bản là da nhân tạo là một thách thức, chưa kể vỏ ốp điện thoại này phải có cả khả năng cảm ứng.
Nhưng tại sao lại phải tốn tâm huyết làm một chiếc ốp điện thoại thông minh mà mọi người đều đồng ý là “mới chỉ trông thôi đã rùng rợn”? PGS., TS. ngành tương tác giữa người và máy tính, Anne Roudaut, giải thích:
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội thêm da vào các thiết bị tương tác của mình. Ý tưởng có lẽ hơi đáng kinh ngạc, nhưng da là một giao diện mà chúng ta rất quen thuộc, vậy tại sao không sử dụng nó và sự phong phú của nó với các thiết bị chúng ta sử dụng hàng ngày?”.
Skin-On không chỉ cho cảm giác tự nhiên hơn so với vỏ điện thoại thông minh cứng nhắc, mà còn có thể phát hiện một số cử chỉ nhất định, khiến nó trở nên “rùng rợn” hơn nhiều.
Theo một báo cáo được xuất bản bởi nhóm nghiên cứu và chế tạo, về cơ bản, vỏ ốp này cho phép các thiết bị cảm nhận được cảm xúc của người dùng, cũng như các cử chỉ khác nhau, như cù lét, véo hoặc vuốt ve.
“Nhóm đã triển khai một ứng dụng nhắn tin trong đó người dùng có thể thể hiện các cảm xúc xúc giác phong phú trên da nhân tạo. Lực chạm sẽ điều khiển kích thước của biểu tượng cảm xúc. Nắm chặt truyền tải sự tức giận trong khi cù vào ốp da sẽ hiển thị biểu tượng cảm xúc đang cười và gõ vào sẽ tạo ra một biểu tượng cảm xúc bất ngờ”, Marc Marc Teyssier diễn giải.