Ông Putin nêu 'trung tâm quyền lực mới'

GD&TĐ - Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi ở St.Petersburg, ông Putin tuyên bố kỷ nguyên bá quyền của một hoặc vài quốc gia đang lùi vào dĩ vãng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ hai ở St.Petersburg. (Ảnh: Ria Novosti).
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ hai ở St.Petersburg. (Ảnh: Ria Novosti).

“Trước mắt chúng ta, lục địa châu Phi đang trở thành một trung tâm quyền lực mới. Vai trò chính trị và kinh tế của nó đang tăng lên theo cấp số nhân. Mọi người sẽ phải tính đến thực tế khách quan này” - Tổng thống Nga nói.

Ông Putin nhấn mạnh “một số biểu hiện của chủ nghĩa thực dân vẫn chưa bị loại bỏ cho đến ngày nay và vẫn được thực hiện bởi một số cường quốc trước đây là đế quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thông tin và nhân đạo”.

Tuy nhiên, ông khẳng định kỷ nguyên bá quyền của một hoặc một số quốc gia đang đang lụi tàn, bất chấp sự phản đối của những người tìm cách duy trì sự độc quyền trong các vấn đề thế giới.

Tổng thống Putin cũng cam kết rằng Nga sẽ tiếp tục mở rộng tương tác với các nước châu Phi và gọi đó là một quá trình tự nhiên. Ông lưu ý, bất chấp những điều kiện khó khăn trên thị trường toàn cầu, thương mại giữa Nga và lục địa này vẫn tiếp tục phát triển và còn lâu mới đạt đến giới hạn.

Trong khi đó, theo ông Putin, trong chính trị quốc tế, lập trường của Nga và các quốc gia châu Phi trong nhiều vấn đề chính rất gần gũi hoặc hoàn toàn trùng khớp. Ông nêu rõ rằng tất cả các bên đều muốn xây dựng một cấu trúc công bằng hơn cho trật tự toàn cầu và cùng nhau tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tổng thống nhấn mạnh, Nga và các quốc gia châu Phi phản đối việc sử dụng các biện pháp “trừng phạt” để vũ trang mạnh cho các nước khác.

“Chúng tôi phản đối việc sử dụng các vấn đề khí hậu, bảo vệ nhân quyền và cái gọi là chương trình nghị sự về giới cho các mục đích chính trị không phù hợp” - ông Putin nói.

Theo ông, các hành vi bất hợp pháp như “trừng phạt đơn phương và các biện pháp hạn chế, trên thực tế là trừng phạt, gây tổn hại cho các quốc gia theo đuổi con đường độc lập, là không thể chấp nhận được và tạo ra các vấn đề kinh tế trên quy mô toàn cầu, cản trở sự phát triển”.

Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đã bước sang ngày thứ 2 tại St.Petersburg, với 49 phái đoàn châu Phi tham dự, trong đó có 17 nguyên thủ quốc gia. Một trong những mục tiêu chính của sự kiện là tăng cường hợp tác giữa Moscow và lục địa châu Phi vì các mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ