Ông Putin đặt ra ưu tiên cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga

GD&TĐ - Theo ông Putin, tập đoàn Rostec cần dùng kinh nghiệm thực chiến trong cuộc đọ sức với vũ khí phương Tây để cải thiện vũ khí nội địa.

Tổng thống Vladimir Putin
Tổng thống Vladimir Putin

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ Rostec đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo “chủ quyền công nghệ” của Nga, nhưng cần sử dụng kinh nghiệm thực chiến trong việc chống lại vũ khí phương Tây ở Ukraine để cải thiện một số hệ thống nội địa, Tổng thống Vladimir Putin cho biết tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm 15 năm thành lập tập đoàn này.

Rostec chịu trách nhiệm phát triển, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, không chỉ cho quân đội mà còn cho mục đích dân sự - ông Putin nhấn mạnh.

Theo ông Putin, kinh nghiệm có được trong quá trình tiến hành chiến dịch đặc biệt (ở Ukraine) và chống lại các mẫu thiết bị quân sự hiện đại của phương Tây là rất quý. Nó cần được sử dụng để nâng cao chất lượng, độ tin cậy và tính năng chiến đấu của một số loại vũ khí sản xuất trong nước.

Ông Putin cho biết nhiệm vụ số một lúc này là làm mọi cách để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của quân đội, đặc biệt là “mọi đại đội và trung đội được triển khai trong chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Ông Putin cho rằng quyết định thành lập một “đầu tàu công nghiệp hùng mạnh” năm 2007 là hoàn toàn hợp lý. Rostec hiện bao gồm khoảng 700 công ty con, sử dụng hơn 450.000 người.

Đáp lại tuyên bố của một số nhà phân tích rằng Nga đang cạn kiệt vũ khí và đạn dược, cựu Tổng thống và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev tháng trước nói rằng phương Tây “không nên nín thở”. Ông nói thêm, các nhà máy đang làm việc suốt ngày đêm để sản xuất xe tăng, súng, tên lửa và máy bay không người lái.

Trong khi đó, Kiev chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp từ Mỹ và các đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov tháng trước mô tả đất nước ông là một nơi để các nước phương Tây có thể xem loại vũ khí nào của họ hoạt động tốt nhất so với quân đội Nga, giống như một cuộc thi.

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg thừa nhận với CNN vào tháng 9 rằng các thành viên của khối đã làm cạn kiệt đáng kể kho dự trữ vũ khí của chính họ bằng cách gửi vũ khí và đạn dược tới Ukraine, đồng thời kêu gọi tăng cường sản xuất quân sự.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ