Không nhà cửa, không vợ con, niềm vui của ông là chở đồ, vá xe miễn phí cho sinh viên.
Những chuyến ba gác đường dài miễn phí
Lướt chiếc iPad để vào YouTube xem tin tức, ông Nguyễn Văn Minh khẽ châm điếu thuốc, hút một hơi thật sâu. Đó là thú vui hiếm hoi của người đàn ông trên 60 tuổi sau một ngày làm việc.
Nơi ở của ông là khu vỉa hè ở ngã tư Quốc Phòng, thuộc Khu đô thị ĐHQG TPHCM (người dân thường gọi là làng Đại học), nằm giáp ranh giữa TP Thủ Đức, TPHCM và TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. “Mái nhà” chính là những tán cây xanh, ánh sáng thì lấy từ những bóng đèn đường.
Ông Minh nói: “Nếu mình không chở thì mấy đứa sinh viên phải thuê xe ba gác bên ngoài, chạy từ đây lên Gò Vấp hay Tân Bình, bèo lắm cũng 500 - 600 ngàn đồng. Tụi nó nghèo, lấy đâu ra tiền”.
“Hôm qua, tôi vừa chạy một chuyến lên tận Bù Gia Mập, Bình Phước để chở đồ cho 4 đứa sinh viên. Đi từ tờ mờ sáng mà tới khuya mới về lại đây”, ông Minh khoe về chuyến đi mới nhất dài hơn 300km “khứ hồi” vào một ngày đầu tháng 7/2023. Đó là 4 sinh viên năm cuối, gần ra trường nên muốn chuyển bớt đồ đạc, sách vở về quê. Họ cùng tìm đến ông Minh để nhờ ông chở giúp. Thù lao cho chuyến đi là chút tiền xăng xe và một bữa cơm trưa tại nhà của sinh viên.
Nhưng đó chưa phải là chuyến chở đồ miễn phí cho sinh viên xa nhất ông từng đi qua. “Có bận tôi về tận Cần Thơ, hơn 200km, cũng đi về trong ngày”, ông Minh nhớ lại. Các tỉnh ở khu vực Tây Nam Bộ khác như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Long An hay những tỉnh giáp ranh TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, ông Minh đều từng đi qua.
Khoảng 1 - 2 tuần, ông mới có chuyến đi ở tỉnh ngoài. Còn hằng ngày, ông chở đồ cho sinh viên loanh quanh khu vực làng Đại học, hoặc từ các khu ký túc xá đến nhà trọ ở Quận 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình… Ít thì 1 - 2 chuyến, nhiều thì 4 - 5 chuyến, gần như ngày nào ông cũng có việc.
Dọc con đường từ Xa lộ Hà Nội đến Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh, ĐHQG TPHCM, hầu hết sinh viên, người dân địa phương đều biết đến “thương hiệu” xe ba gác của ông Minh.
Phía trước và sau xe có dòng chữ lớn “Chuyển đồ cho sinh viên miễn phí” kèm số điện thoại di động. Bất kể sớm hôm, trời nắng hay mưa, hễ sinh viên hay người nghèo khó cần là ông có mặt.
“Hơn 60” hoặc “gần 70” là cách trả lời của ông Nguyễn Văn Minh khi được ai đó hỏi về tuổi của mình. Khi ai gặng hỏi chính xác chuyện tuổi tác, ông chép miệng: “Tôi không giấy tờ, không khai sinh, không rõ quê quán thì sao biết được chính xác. Áng chừng vậy thôi”.
Ông Minh không nhớ nổi quê cha, đất tổ, gốc gác của mình. Ông chỉ nhớ mang máng, quê ông ở Long An, Tiền Giang, hay một tỉnh miền Tây nào đó. Thời còn chiến tranh, ông bị lạc gia đình rồi đi lang thang khắp nơi. Sau đó, ông được một gia đình nhận nuôi.
Đến năm 10 tuổi, một sự cố xảy ra khiến ông một lần nữa rơi vào cảnh “không gia đình”, lang thang kiếm sống. Trạc tuổi thanh niên, ông Minh về khu đất ở TP Thủ Đức (trước đây thuộc Quận 9), làm đủ nghề, từ nhặt ve chai, phụ hồ, làm thuê để kiếm sống.
Ở khu vườn chuối nơi ông ở khi đó có nhiều người nghiện hút, buôn bán ma túy. Nhờ lang thang nhặt ve chai, tối về đó ngủ nên ông rành rọt tung tích của kẻ xấu và báo cho công an.
Sau đó, ông lại dạt qua khu vực làng Đại học thuộc phường Đông Hòa, TP Dĩ An mưu sinh cho đến tận bây giờ. Hồi đó, trước khi ĐHQG TPHCM được thành lập năm 1995, khu vực này hoang vắng, toàn bụi rậm, cánh đồng. Ông Minh cũng đi lang thang, làm thuê khắp nơi.
Ban ngày ông vá xe, ban đêm mắc võng trong những bụi cây để ngủ. Không nhà cửa, không vợ con, không giấy tờ tùy thân và cả không biết chữ. Nhưng người dân ở làng Đại học ai cũng biết đến ông. Họ gọi ông là Minh “cô đơn”, một số ít người khác gọi ông là Minh “lang thang”.
Ông Minh 'cô đơn' và chiếc xe ba gác được mua bằng số tiền ủng hộ của nhà hảo tâm, cuối năm 2020. Ảnh: Hoàng An |
Những lần bắt cướp
Về làng Đại học, ông Minh sắm được chiếc xe máy cà tàng rồi chạy xe ôm. Ban ngày đi làm, chiều thì tắm giặt ở hồ Đá kế bên, đêm xuống cột võng ở gốc cây ngủ. Có máu “hiệp sĩ” trong người nên mỗi khi nghe ở đâu xảy ra trộm cướp, ông đều cố gắng truy lùng bằng được thủ phạm để giúp người dân.
Ông kể, một buổi tối mùng 6 Tết khoảng năm 2014 hoặc 2015, ở ngay hồ Đá có xảy ra vụ dàn cảnh cướp của. Lúc đó, các ngả đường vào làng Đại học vắng tanh khi sinh viên đang ở quê, người dân cũng đóng cửa không buôn bán.
Đang ở “nhà” nhìn ra đường, ông thấy 2 thanh niên trên một chiếc xe máy chạy lởn vởn qua lại tuyến đường ở hồ Đá. Sau đó, 2 người này xông vào một cặp tình nhân đang ngồi trên ghế đá dọc đường, đánh họ tới tấp.
Biết là cướp dàn cảnh để cướp của, ông liền cầm khúc cây lao vào chống trả, cứu người. Đánh nhau với 2 tên cướp một hồi, ông cũng tóm được một tên giao cho công an, tên còn lại cũng bị sa lưới pháp luật sau đó.
Một lần khác, khi đang chạy đến phía trước Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đón khách, ông gặp một nhóm thanh niên “loi choi” phóng xe rất nhanh vượt qua. Nhóm này đỗ trước một quán tạp hóa, sau đó một tên nhanh lẹ chạy vào bẻ khóa chiếc xe máy đang dựng trước cửa.
Nhận ra đó là nhóm trộm xe, ông liền lao xe máy tông thẳng vào trước khi kẻ gian kịp nổ máy tẩu thoát. “Tụi nó xông vào đánh tôi tới tấp rồi chạy mất. Nhưng dù sao mình cũng giữ được chiếc xe mới cho bé sinh viên”, ông nhớ lại. Một lần khác, ông cùng dân phòng rượt theo 5 - 6 tên cướp thì bị nhóm này đánh túi bụi.
Sau mỗi lần ra tay nghĩa hiệp, ông Minh lại rước vào mình những vết thương, khi thì người bầm tím, lúc thân thể rướm máu và không ít “kẻ thù”.
Khoảng 23 giờ một ngày đầu tháng 1/2020, khi đang ngủ trong lều, ông Minh nhận được cuộc gọi của một cô gái nhờ sửa xe giúp giữa một con đường trong khu làng Đại học. Do cô gái có vẻ khẩn thiết, lại cầu cứu giữa đêm khuya, ông lấy xe máy ra chỗ hẹn. Đến nơi, ông thấy một đôi nam nữ ở đó với chiếc xe tay ga.
Do không biết sửa xe tay ga, ông ngỏ ý sẽ đẩy xe giúp họ đến gửi nhờ ở đâu đó, sáng mai mang ra tiệm sửa. Vừa dứt lời, ở trong bụi rậm có một nhóm thanh niên, tay cầm gậy gộc, mã tấu xông ra đuổi đánh ông. Ông chạy qua rừng cây đối diện thoát thân. Không bắt được ông, nhóm người đó đốt trụi chiếc xe máy rồi trở về lều, đốt sạch nơi ông ở.
Trong phút chốc, ông Minh “cô đơn” không còn một chút tài sản dính bên người. Những tấm giấy khen về thành tích trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự của công an địa phương, Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu đô thị ĐHQG TPHCM - được xem là những “giấy tờ tùy thân” của ông - cũng cháy rụi.
Ông Minh 'cô đơn' thời còn dựng lều, sống trong bụi rậm, chạy xe ôm và vá xe miễn phí cho sinh viên, năm 2016. Ảnh: Mạnh Tùng |
Hiệp sĩ của sinh viên
Nghe tin ông Minh cô đơn gặp nạn, nhiều mạnh thường quân đến tặng tiền, giúp ông dựng lại chòi mới. Ông dùng số tiền này mua một chiếc xe ba gác để chuyển đồ miễn phí cho sinh viên.
Số dư còn lại, ông mua xe máy tặng cho 2 sinh viên, một người chạy xe ôm và một người bán vé số ngoài giờ học. Chưa hết tiền, ông mua hơn 200 bộ săm xe máy để thay cho những người có xe hỏng giữa đường hoặc sinh viên nghèo không có tiền thay săm lốp.
Nhưng sự xui rủi với ông chưa dừng ở đó. Sắm được chiếc ba gác hồi đầu năm 2020 thì đến cuối năm, ông bị kẻ trộm lấy mất. Ông tiếc hùi hụi, bởi xem chiếc xe như là con cưng. “Đó là tình cảm của sinh viên, các nhà hảo tâm với tôi. Nhờ có chiếc xe đó mà tôi giúp được bao nhiêu cháu sinh viên”, ông nhớ lại.
Sau đó, ông lại được các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, mua lại một chiếc ba gác mới và một chiếc iPad để ông giải trí cho đỡ buồn. Và cũng như lần trước, ông dành toàn bộ số tiền còn dư mua 3 chiếc xe máy tặng sinh viên khó khăn.
Nhận được chiếc xe từ tay ông Minh, Hoài Linh, khi đó đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM xúc động: “Trước đây chú vẫn hay hỏi thăm khi thấy em đi học và đi làm về trễ bằng xe buýt. Nay được chú được tặng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình phần nào. Em thật sự biết ơn chú”.
Những chiếc xe máy được ông Minh tặng cho sinh viên khó khăn, cuối năm 2020. Ảnh: Hoàng An |
Hơn 25 năm ở làng Đại học, ông Minh mưu sinh bằng việc chạy xe ôm, vá xe. Với sinh viên, ông miễn phí hoàn toàn. Đến khi có xe ba gác, ông chuyển sang nghề mới. Không chạy xe ôm nữa nhưng ông vẫn dựng một “trạm” vá xe ở ngã tư Quốc Phòng cho sinh viên và người đi đường. “Đến lúc này, tôi cũng bỏ việc rình bắt cướp. Không phải mình sợ gì tụi nó, nhưng bây giờ cũng già, có tuổi, yếu hơn xưa rồi, nên dành sức chạy xe thôi”, ông tâm sự.
Đến thời điểm này, ông chỉ chuyên tâm chạy xe ba gác bởi “không có thời gian đi vá, sửa xe nữa”. Dù làm nghề nào, ông luôn tâm niệm, sẽ luôn làm hết sức mình giúp sinh viên nghèo. Khi được hỏi, làm không công như vậy, lấy tiền đâu để chi tiêu, sinh sống, ông Minh cô đơn đáp: “Tôi đâu có mua sắm gì mà cần nhiều tiền. Ngày chỉ cần ba bữa cơm, trưa một ly cà phê, lúc rảnh thì hút mấy điếu thuốc”.
Thời còn chạy xe ôm, ngoài việc giúp sinh viên, mỗi ngày ông vẫn kiếm được mấy chục nghìn đồng từ khách. Nay chạy xe ba gác, thỉnh thoảng ông được sinh viên, người dân hỗ trợ tiền xăng, cơm trưa.
“Sau mỗi lần chạy ba gác miễn phí, cũng có người giúp chút tiền, có người không, nhưng tôi không bao giờ đòi hỏi. Giúp được người ta là mừng rồi. Mà người ta có nghèo khó mới tìm đến mình”, ông Minh nói. Cũng chính suy nghĩ này khiến ông đặt ra nguyên tắc: Không tùy tiện nhận lời chạy xe ba gác miễn phí.
Anh Ngô Thành, 28 tuổi, ngụ phường Đông Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương quen thuộc với hình ảnh ông Minh cô đơn giúp sinh viên suốt 10 năm nay. Khi anh Thành còn là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, anh nhiều lần chứng kiến bạn bè được ông Minh giúp đỡ, khi thì chở ra trạm chờ xe buýt, lúc thì vá xe, thay săm miễn phí.
Sau này, mỗi lần đi làm về, anh thường thấy ông Minh ngồi ở góc ngã tư, chờ sinh viên gọi giúp đỡ. “Mấy lần trời mưa gió, chạy đi ăn, đến ngã tư lại thấy chú Minh ngồi một mình, tội lắm. Mà cứ hễ thấy chú lên xe ba gác là biết chú sắp chuyển đồ giúp em sinh viên nào đó”, anh Thành kể.
Từ sau vụ mất xe ba gác đến nay, ông không dám rời mắt khỏi xe quá lâu. Đêm đến, ông mắc võng, một đầu là thùng xe, một đầu là cây ven đường để ngủ. Trong cơn mưa lất phất giữa buổi tối tháng 7, ông Minh “cô đơn” ngồi trầm ngâm, ánh mắt xa xăm hướng ra phía hồ Đá.
Ông thú thật, đôi khi mình cũng cảm thấy cô đơn, nhất là khi tuổi già. Ở nơi hàng mấy chục nghìn sinh viên sinh sống, người và xe lúc nào cũng đông như mắc cửi. Thế nhưng mỗi khi Tết đến, sinh viên về quê, nơi đây như trở thành “vương quốc” riêng của ông với sự cô độc. Đôi khi người đàn ông “trên 60” này cũng thèm cảm giác có một gia đình ấm cúng, sum vầy.
“Nghĩ thì nghĩ vậy, buồn thì có buồn nhưng chỉ thoáng qua thôi. Còn lại thì tôi thấy vui. Vì sinh viên ở đây hay ghé qua thăm tôi, coi tôi như cha chú. Tôi thì coi tụi nhỏ như con cái vậy đó”, ông nói.
Mình chỉ giúp những người thực sự cần được giúp thôi, như mấy cháu sinh viên hay người dân nghèo. Người nào khá giả, có điều kiện thì họ đi thuê người khác chạy. Tôi cũng không nhận chạy dịch vụ lấy tiền. Ông Nguyễn Văn Minh