Cụ bà hơn 30 năm cưu mang sinh viên nghèo

GD&TĐ - Với lòng bao dung, rộng lượng, cụ bà Huỳnh Thị Diệp hơn 30 năm cho sinh viên nghèo xa quê đến ở miễn phí trong căn nhà của mình.

Cụ bà Huỳnh Thị Diệp và các sinh viên ở tại nhà cụ.
Cụ bà Huỳnh Thị Diệp và các sinh viên ở tại nhà cụ.

“Người mẹ” của hàng trăm sinh viên xa quê

Nhà cụ bà Huỳnh Thị Diệp (SN 1933) nằm sâu trong con hẻm của đường Kim Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhắc đến cụ Diệp, người dân ở đây đều tỏ tường. Tỏ tường bởi hơn 30 năm qua, cụ là người đã cưu mang hàng trăm sinh viên xa quê khi đến theo học tại Huế.

Vừa tới trước nhà cụ, một anh hàng xóm liền hỏi tôi: “Em đến xin ở à?, nhà mệ Diệp (cách gọi người lớn tuổi ở Huế) ngay trước đó. Em cứ vào đi, có mệ ở trong nhà đó”. Một sinh viên ra mở cửa và dẫn tôi vào nhà. Em là Phan Minh Chiều (24 tuổi, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), từng học Trường Đại học Luật Huế. Chiều đã ra trường được 2 năm, tuy nhiên do cần học thêm một vài thứ nên tiếp tục xin ở lại nhà cụ Diệp.

Nghe có người đến, cụ Diệp từ phía sau nhà bước ra. Trước mặt tôi là một cụ bà với thân hình nhỏ bé, mặt hiền hậu, tóc bạc, đôi mắt dường như không nhìn thấy rõ, hai bàn tay bám vào bờ tường cùng với bước đi tập tễnh.

Cụ Diệp kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình. Cụ sinh ra trong 1 gia đình nhà nông, từ nhỏ đã phải vất vả làm việc để phụ giúp gia đình. Năm 17 tuổi, cụ đi chằm nón lá. Năm 24 tuổi cụ theo cậu đến giáo xứ để phục vụ, làm phụ việc bếp cho các linh mục. Đến năm 28 tuổi, một tai nạn đã khiến mắt trái của cụ bị mù vĩnh viễn. Từ đó đến nay cụ ở vậy và không lập gia đình.

Cụ Diệp và sinh viên Phan Minh Chiều cùng kỷ niệm chương “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng”.

Cụ Diệp và sinh viên Phan Minh Chiều cùng kỷ niệm chương “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng”.

Tai kém, mắt mờ, không thấy được nhiều, nhưng cụ Diệp vẫn còn rất minh mẫn và nhớ rõ khi nhắc về những lứa sinh viên từng sống tại nhà cụ. Cụ cho biết, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cứ đến mùa thi đại học là cụ lại thấy hình ảnh những người cha, người mẹ cùng nhiều hành lý dẫn các con đến Huế thi đại học. Giữa cái nắng như thiêu của mùa Hè Huế, mọi người cứ lang thang tìm nhà trọ để nghỉ ngơi. Có những gia đình phải bán nhiều tài sản để có tiền cho con đến Huế theo học. Nhìn cảnh đó, cụ không kìm được lòng và đã quyết định dùng căn nhà nhỏ của mình để cho các sinh viên vào ở miễn phí phục vụ cho việc học.

“Nhìn mấy đứa sinh viên khổ quá, tôi xem chúng như con cháu của mình vậy. Tôi cho mấy đứa ở đây để đỡ tiền cho gia đình, ở đây có gì thì ăn nấy. Mấy bà cháu cứ vậy mà đùm bọc lẫn nhau”, cụ Diệp móm mém tâm sự.

Lúc đầu, căn nhà của cụ có 7 sinh viên đến ở, cho đến nay đã có hàng trăm sinh viên từ khắp các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,... về ở khi đến Huế theo học. Con trai thì ở gác lửng phía trên, con gái thì có phòng riêng, có chỗ sinh hoạt, học tập, nấu ăn chung.

“Tôi sắp xếp cho nam ở gác trên, nữ thì ở phòng cạnh tui. Mấy đứa hàng ngày đi chợ, nấu ăn, ở đây đều có chỗ học tập cho mấy đứa. Tôi coi mấy đứa như con cháu trong nhà mình vậy”, cụ Diệp chia sẻ.

Cụ Diệp được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên – Huế vinh danh là một trong 10 người tấm gương “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng”.

Cụ Diệp được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên – Huế vinh danh là một trong 10 người tấm gương “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng”.

Căn nhà nhỏ chắp cánh cho những ước mơ

Với hơn 30 năm cho sinh viên ở miễn phí, đã có hàng trăm lứa sinh viên đến học và ra trường. Nhiều sinh viên đã thành đạt và quay trở lại thăm cụ Diệp. Cụ Diệp kể, lúc trước có anh Trần Văn Dung, hiện nay là Giám đốc Trung tâm Âm nhạc Melody Huế từng ở với cụ thời sinh viên, mỗi lần có dịp là anh lại về thăm cụ.

“Hoàn cảnh nhà Dung cũng vất vả, bởi vậy tôi thấy thương nên kêu về đây ở cho đỡ tốn kém. Giờ Dung cũng thành đạt, tôi nghe tin như vậy rất mừng. Nay cứ mỗi dịp nghỉ là Dung lại về thăm tôi và các em sinh viên”, cụ Diệp nói.

Ngoài anh Dung, đã có rất nhiều người trưởng thành từ căn nhà của cụ Diệp. Hiện nay nhiều người đã làm ở nhiều ngành nghề khác nhau như luật sư, bác sĩ, giảng viên, thạc sĩ,... tất cả đã trưởng thành từ căn nhà nhỏ của cụ Diệp. Chia sẻ với chúng tôi, Chiều cho biết, tình yêu thương của cụ Diệp đối với mình cũng như nhiều sinh viên khác là vô cùng to lớn. Là “anh cả” hiện tại trong nhà cụ Diệp, Chiều thường căn dặn các em sinh viên phải cố gắng, phấn đấu học tập thật tốt để không phụ lòng gia đình và cụ Diệp.

“Anh em chúng em xem O Diệp như là người bà, người mẹ thân thương của mình. O đã giúp chúng em rất nhiều. Vì vậy chúng em phải cố gắng học tập thật tốt như các anh, các chị khóa trước, để sau này đạt được thành công, không phụ lòng cao cả của O Diệp”, Chiều tâm sự.

Chiều kể rằng, trước đây khi cụ Diệp còn khỏe thì cụ thường cùng mấy anh, chị, em sinh viên nấu ăn. Những lúc như thế cả nhà ăn uống quây quần bên nhau rất vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng nay vì tuổi cao, sức yếu, cụ Diệp đi lại khó khăn. Gần đây nhất, vào một đêm cụ không may bị ngã, mấy anh em thay nhau chăm sóc. May mắn là cụ đã mạnh khỏe trở lại, từ đó đến nay mọi người thay nhau trông coi, chăm sóc cho cụ.

“Tối đó, O Diệp vấp ngã, chúng em rất lo lắng, từ đó chúng em chia nhau ngủ cạnh giường O, có gì O sẽ gọi tên chúng em khi cần. Giờ O cũng lớn tuổi, đi lại khó khăn nên tụi em luôn tự ý thức và có trách nhiệm phải ở bên để giúp đỡ O trong sinh hoạt”, Chiều tâm sự.

Hiện nay, mỗi tháng cụ Diệp được Nhà nước hỗ trợ hơn 1 triệu đồng tiền trợ cấp neo đơn. Số tiền này cụ đưa cho sinh viên để mua đồ ăn uống trong nhà và chăm sóc cho cụ lúc ốm đau, bệnh tật. Chia tay cụ Diệp trong ánh nắng chiều đầu hạ, tôi ghé tai cụ hỏi: Giờ mong muốn lớn nhất của cụ là gì?, cụ Diệp với nụ cười móm mém, hiền từ nói: “Mệ là người công giáo, hàng ngày mệ nằm nghe kinh thánh và cầu nguyện cho mấy đứa ở với mệ học giỏi, thành đạt. Giờ chỉ mong Chúa cho mệ sống được lâu hơn, để có nhiều sinh viên đến đây ở với mệ nữa”.

Tuổi lớn rồi, mệ có muốn nhận thêm người vào ở nữa không?. “Có chứ, mệ còn sống là mệ còn nhận”, khuôn mặt cụ Diệp toát lên vẻ phúc hậu.

Tháng 10/2022, cụ Huỳnh Thị Diệp đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế vinh danh là một trong 10 tấm gương Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.