Chia sẻ gánh nặng với sinh viên nghèo

GD&TĐ - Với những trường đại học công lập thực hiện tự chủ tài chính, học phí là một nguồn thu đáng kể khi không còn nhận được kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Chính sách hỗ trợ học bổng của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng được thiết kế để những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đều có cơ hội được tiếp cận.
Chính sách hỗ trợ học bổng của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng được thiết kế để những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đều có cơ hội được tiếp cận.

Để những sinh viên nghèo có cơ hội học tập, ngoài vận động học bổng từ các doanh nghiệp, một số trường đã hợp tác với ngân hàng chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn và trả lãi thay cho sinh viên.

Bớt gánh nặng đường xa

Tống Thị Thanh Tuyền – sinh viên L44K03.4, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) - nhẩm tính, số tiền mà nhà trường hỗ trợ cho mình trả lãi suất vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong 4 năm học xấp xỉ khoảng 15 triệu đồng.

Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ của Tuyền lại có tật ở chân, không thể lao động nặng được. Mọi chi dùng trong gia đình em chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập ít ỏi từ công việc nhận sửa chữa quần áo và may gia công đồng phục học sinh của mẹ.

“Trúng tuyển đại học, em lo hơn là mừng. So với thu nhập của gia đình em, khoản tiền đóng học phí hàng năm thực sự là một gánh nặng. Mẹ em quyết định làm thủ tục vay vốn học tập cho sinh viên của ngân hàng chính sách ngay từ khi em học năm thứ nhất. Mỗi năm học em đều vay hai đợt để đóng học phí” – Thanh Tuyền kể.

Ngoài thời gian học, Tuyền thu xếp để đi làm thêm, nhận dạy kèm… Nhưng hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Tuyền không nhận nhiều suất dạy thêm như trước. Công việc của mẹ em thì gần như ngưng lại.

“Rất may là những khó khăn về kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ học tập của em. Em được nhà trường hỗ trợ trả lãi suất cho khoản vay vốn hỗ trợ sinh viên hàng tháng. Dù mỗi tháng, số tiền trả lãi chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng cộng lại cả năm, đó là một khoản tiền không nhỏ”, Tuyền thông tin.

Với điểm trung bình học tập ở mức giỏi, Tuyền còn nhận được suất học bổng bán phần tương đương với một nửa mức học phí dành cho sinh viên hộ nghèo. Khoản tiền này, em dành để mua thêm sách vở, tài liệu nghiên cứu phục vụ cho việc học tập.

Tuyền đang trong kỳ thực tập cuối để kết thúc 4 năm học đại học. Cô sinh viên năm thứ 4 bắt đầu tính đến chuyện tìm việc sau khi ra trường, bắt đầu gánh vác việc trả nợ cho khoản vay trong những năm học đại học. 

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng được hỗ trợ trả lãi vốn vay tại các chi nhánh của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng được hỗ trợ trả lãi vốn vay tại các chi nhánh của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam.

Không để sinh viên bỏ học

Theo thống kê của Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế, tính từ năm 2017 đến nay, nhà trường đã hỗ trợ trả lãi suất vay vốn học tập cho sinh viên với 353 lượt sinh viên như trường hợp của Tống Thị Thanh Tuyền được thụ hưởng. Tổng số tiền chi trả cho khoản này là gần 400 triệu đồng. 

Thầy Trần Quốc Hùng – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng - chia sẻ: “Phòng chúng tôi được Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu tham mưu một số chính sách hỗ trợ cho những sinh viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mục tiêu của chính sách này là không để sinh viên nào thiếu tiền đóng học phí mà phải bỏ học. Nếu muốn như vậy thì chính sách phải có sự dài hơi chứ không chỉ tập trung vào đầu mùa tuyển sinh”.

Từ những trăn trở này, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng có 2 gói hỗ trợ cho những sinh viên thuộc diện hộ nghèo: Trả lãi vay của khoản vay vốn hỗ trợ học tập cho sinh viên trong 4 năm học tập tại trường; học bổng với 2 mức gồm một nửa và 1/4 mức học phí. Thế nhưng, muốn triển khai dự án hỗ trợ trả lãi suất cho những sinh viên thuộc diện hộ nghèo vay vốn hỗ trợ học tập không hề đơn giản.

“Sinh viên của nhà trường đến từ nhiều tỉnh, thành, các em vay vốn từ ngân hàng chính sách nơi mình cư trú. Chính vì vậy, nhà trường phải kết nối với Ngân hàng chính sách Việt Nam để thuyết minh mới có thể triển khai chính sách hỗ trợ này được.

Chúng tôi biết, với việc hợp tác này, bộ phận phụ trách khoản vay vốn học tập cho sinh viên sẽ thêm nhiều công đoạn trong quản lý. Nhưng vì đây là một chính sách nhân văn, đầu tư cho giáo dục nên ngân hàng chi nhánh ở các địa phương đã phối hợp với nhà trường rất nhịp nhàng”, thầy Hùng cho biết.

Với biên bản thỏa thuận được ký kết với Ngân hàng Ngân hàng Chính sách Xã hội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã trở thành trường đại học đầu tiên trên cả nước trả lãi vốn vay và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn giúp sinh viên cho đến khi ra trường.

Năm 2017, năm đầu tiên triển khai chính sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho sinh viên, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng chỉ hỗ trợ những sinh viên có gia đình thuộc hộ nghèo, mồ côi cả bố lẫn mẹ.

Sau một năm triển khai, nhà trường mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng chính sách này, bao gồm cả sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo, sinh viên mồ côi bố hoặc mồ côi mẹ.

Em Lê Thị Hồng Hậu – sinh viên L44K22.3, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng - chia sẻ: “Những hỗ trợ thiết thực của nhà trường đã giúp cho đường đến trường của chúng em bớt đi nhiều gập ghềnh, thấy rằng mình được khích lệ, được đồng hành trong suốt cả quá trình học tập”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.