Ông lão bị câm, điếc 10 năm đột nhiên khỏi bệnh đúng ngày miền Nam giải phóng

Từ một người khỏe mạnh bình thường, chỉ sau một giấc ngủ, ông Tắc bỗng nhiên bị câm, điếc một cách khó hiểu. Gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi để lo chữa trị cho ông nhưng các bác sỹ đều lắc đầu.

Ngôi nhà của người đàn ông bỗng khỏi câm, điếc sau 10 năm.
Ngôi nhà của người đàn ông bỗng khỏi câm, điếc sau 10 năm.

Khi cả gia đình rơi vào tuyệt vọng thì chuyện kỳ lạ lại bất ngờ xảy ra một lần nữa. Năm 1975, khi nghe tin đất nước thống nhất, ông Tắc bỗng hét to: “Độc lập rồi, tự do rồi, đất nước mình thống nhất rồi bà con ơi”. Chứng kiến cảnh tượng ông Tắc “câm” biết nói, ai cũng ngỡ ngàng.

Thành người khuyết tật sau giấc ngủ

Dù đã 40 năm trôi qua kể từ khi bỗng nhiên khỏi câm điếc, ông Phạm Văn Tắc (81 tuổi, trú tại ấp Trường Khương, xã Trường Long, Phong Điền, TP Cần Thơ) vẫn không sao quên được cái ngày định mệnh ấy. 

Ông lão luôn coi đó là một mốc quan trọng trong cuộc đời, cũng là sự động viên để ông thấy rằng trong cuộc sống vẫn có những điều kỳ diệu. 

Hiện nay, tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Tắc vẫn tự làm được mọi việc. Đặc biệt với đôi tai nhạy bén, ông nghe rõ mồn một cho dù ai có lý nhí cách xa cả mấy thước. 

Từng lời nói cũng được thốt ra một cách rành mạch khiến cho nhiều người không thể tin rằng ông lão đã từng có quãng thời gian gần 10 năm câm điếc đến mức bom có nổ ngay bên cạnh cũng không hay biết.

Ngồi bên hiên nhà, ông Tắc hớp ngụm trà nóng hồi tưởng về việc tự nhiên bị câm, điếc. Nó bắt nguồn từ quãng thời gian mà ông phải trải qua bao đau đớn, buồn thương. 

“Từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, tôi hoàn toàn bình thường. Gia đình làm nông nên tôi cũng chỉ theo nghề cha mẹ, lớn lên rồi lấy vợ, sinh con trong cảnh chiến tranh loạn lạc. 

Em trai tôi hoạt động Cách mạng, khoảng đầu năm 1967 chẳng may bị địch bắt rồi xử bắn. Ngày trả thi thể em tôi về cho gia đình cũng là ngày chúng bắt tôi đi để điều tra vì nghi ngờ là đồng phạm” - Ông Tắc nhớ lại. 

Cũng theo ông lão, những ngày trong trại giam dù không phải chịu những màn tra tấn thể xác nhưng địch sử dụng chiến thuật tâm lý chiến khiến ông sống còn không bằng chết. 

Ông nhớ lại: “Chúng nhốt tôi vào căn buồng tối thui, bên dưới toàn là phân gà bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhốt trong buồng tối chán chúng lại đưa sang khu buồng ánh sáng trắng 24/24 giờ khiến tôi không cảm nhận được ngày hay đêm, xung quanh chỉ một màu trắng lóa. 

Chúng còn lấy sự an toàn của vợ con, bố mẹ tôi ra đe dọa. Tuy vậy, tôi vẫn không khai báo gì. Chẳng làm cách nào được nên chỉ vài ngày sau bọn chúng đành phải thả tôi về với gia đình”.

Ngày ông Tắc được thả, cả gia đình hết sức vui mừng. Hàng xóm biết tin cũng sang hỏi thăm bởi những người bị địch bắt đi đều không tránh khỏi những đòn tra tấn tàn độc, vậy mà ông Tắc vẫn trở về lành lặn. 

Nhưng niềm vui đó chẳng được bao lâu thì tai họa bất ngờ ập xuống khiến cho ai nấy đều bất ngờ. Trải qua một đêm ngủ, sáng hôm sau, ông Tắc tỉnh dậy thì bị á khẩu, ú ớ mà chẳng thể nói nên lời. Người thân thấy sự lạ liền chạy tới hỏi han nhưng ông chỉ lắc đầu rồi chỉ vào hai tai của mình ra hiệu rằng không nghe thấy gì.

Lo lắng quá, người nhà đưa ông lên bệnh viện Cần Thơ khám nhưng không ra bệnh. Tiếp tục đưa ông lên TP. HCM nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ các y bác sĩ. 

Ông lão nhớ lại: “Chính bản thân tôi cũng không thể lý giải được tại sao tự nhiên mình lại bị như vậy. Muốn nói với mọi người mà không thể cất lời, cũng không thể nghe thấy ai nói gì. 

Vợ tôi thì khóc suốt, chồng đang bình thường tự nhiên biến thành khuyết tật, ai mà không đau lòng. Mẹ tôi cũng vậy, bà suy sụp hẳn khi một đứa con trai hy sinh, một đứa thì lâm vào bệnh tật một cách kỳ lạ”.

Điều kỳ diệu trong giờ phút lịch sử

Hồi đó, chuyện kỳ lạ của ông Tắc mau chóng được lan truyền khắp nơi khiến quân địch thêm phần nghi ngờ, dù rằng ông đã có giấy chứng nhận của bệnh viện. Không tin có sự lạ đời ấy nên chúng liên tục tìm các biện pháp để thử. 

Ông Tắc cho biết: “Nghi ngờ tôi giả vờ câm điếc để hoạt động cách mạng, quân địch đã bí mật đặt máy ghi âm dưới gầm giường của vợ chồng tôi, xem chúng tôi có nói chuyện với nhau không. 

Nhưng chúng nghe hoài không thấy động tĩnh gì, chỉ thấy lòi thêm ra… 2 đứa con. Tức quá, chúng đến gỡ máy mang về. Mãi hôm chúng đến lấy máy, tôi mới biết mình bị theo dõi đấy chứ”.

Không chỉ quân địch nghi ngờ, những người bạn cũng chẳng tin về căn bệnh “từ trên trời rơi xuống” của ông nên cũng bày trò để thử xem việc đó có thật hay không. 

Một buổi chiều nọ khi ông Tắc đi ngang qua đám bạn đang ngồi nhậu bên vệ đường, một người trong nhóm gọi to có ý mời tới nhậu cùng nhưng ông cứ một mạch đi thẳng. 

Chẳng biết tức quá hay nghĩ ra trò đùa nghịch ngợm mà nhóm bạn hò nhau chạy tới đè ông ra rồi bắt con cua càng xanh cho kẹp vào “của quý”. 

“Lúc ấy đau lắm nhưng tôi bị câm mà chẳng thốt lên được, chỉ ú ớ kêu như người hết hơi. Từ đó đi đâu, tôi cũng phải mang theo cái bảng gỗ với vài ba viên phấn bên mình để viết thay cho nói. Ở nhà tôi chỗ nào cũng đầy phấn và bảng để tôi có thể giao tiếp bất cứ lúc nào” - Ông lão chia sẻ.

Ông Tắc hồi tưởng những biến cố kỳ lạ trong cuộc đời mình.

Ông Tắc hồi tưởng những biến cố kỳ lạ trong cuộc đời mình.

Một năm, hai năm… rồi đến hết năm thứ chín, chứng câm điếc vẫn đeo bám cuộc sống của ông Tắc. Nhiều lúc ngồi một mình, ông tủi thân tới phát khóc vì tồn tại mà như không liên quan đến thế giới này. 

Nhờ sự động viên của mọi người, ông cố gạt nỗi khổ để tiếp tục sống, cùng vợ nuôi con. Khi người đàn ông bất hạnh đã chấp nhận “sống chung với lũ” thì điều kỳ lạ lại tiếp tục xảy ra. 

Buổi trưa ngày 30/4/1975, quân giải phóng tiến vào địa phương ông tiếp quản căn cứ, đồn giặc. Ông lão cũng dũng cảm theo chân du kích xã xông vào đồn Cây Cẩm và đồn Xẻo Lá ở gần nhà. 

“Riêng mình tôi hôm đó thu được 6 khẩu súng và một số vũ khí khác đem giao nộp cho chính quyền. Ngày toàn dân giải phóng, tôi cũng hòa vào dòng người mít tinh, tươi cười rộn rã mừng cho đất nước độc lập” - Ông nhớ lại vẻ tự hào.

Cùng ngày hôm đó, khi nghe thấy lãnh đạo đọc tuyên bố hai miền Nam – Bắc từ đây thống nhất thành một nhà, ông Tắc đứng lẫn trong dòng người đang chen chúc nhau bỗng dưng nhảy cẫng lên hô lớn: “Độc lập rồi, tự do rồi, đất nước mình giải phóng rồi bà con ơi”. 

Lời hô của ông khiến mọi người xung quanh sững sờ. Hàng trăm con mắt không nhìn về phía khán đài nữa mà hướng về phía ông Tắc đang hô vang. 

Lúc này, ông mới đứng sựng người, mặt ngơ ngác như vừa nhận ra điều gì đó. Không khí xung quanh im bặt hẳn đi, ông vui mừng hô lớn hơn: “Tôi hết bệnh câm điếc thật rồi bà con ơi”. 

Ông hồi tưởng: “Lúc ấy, tôi cũng không biết tại sao mình có thể bật lên nói được. Tôi chỉ biết rằng khi nghe thông tin nước nhà giải phóng thì lòng vui sướng lắm. 

Sẽ không còn tiếng bom, tiếng súng, gia đình có thể yên tâm ngồi quây quần bên nhau ăn bữa cơm chiều mà không nơm nớp lo sợ. Những ngày Tết đến không phải kìm hãi sự sung sướng để đốt pháo, đốt lửa, hát hò nhảy múa… 

Nghĩ tới những điều ấy mà trong lòng tôi dâng lên cảm xúc ấm cúng. Cứ thế, tôi bật ra thành tiếng lúc nào không hay”.

Với gia đình ông Tắc thì ngày đất nước giải phóng, ngoài niềm vui chung với dân tộc còn có niềm vui riêng là người thân vượt qua được tai họa oan nghiệt tưởng chừng sẽ đeo bám suốt cả cuộc đời. 

“Niềm vui đó chẳng khác nào được nhân đôi. Lúc bấy giờ, ai trong gia đình tôi cũng ứa nước mắt, có người còn khóc lên nức nở vì vui mừng” - Ông bồi hồi nhớ lại. 

Nhớ lại ngày đó, người con trai cả của ông Tắc rưng rưng kể: “Ngày ấy, gia đình tôi vui tới mức quyết định mổ lợn ăn mừng. Vừa là mừng ngày độc lập, vừa là mừng cho cha tôi tai qua nạn khỏi. 

Khách mời đến chật kín cả sân, cười nói rôm rả suốt ngày hôm đó, mãi tới tận khuya vẫn còn nhiều người lưu lại hát hò, nhảy múa rồi qua trò chuyện cùng với bố tôi vì họ sợ ông lại bất chợt câm, điếc như trước. Nhưng thật may mắn, bố tôi vẫn khỏe mạnh từ đó đến giờ, ông nói vanh vách, đôi tai cũng hết sức nhạy bén”.

Có thể do tâm lý

Giải thích về việc ông Phạm Văn Tắc bỗng nhiên bị câm, điếc rồi lại trở nên bình thường một cách kỳ lạ, PGS.TS Nguyễn Tài Thu – Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - nhận định: 

“Có thể lúc bị bắt, ông Tắc bị địch dùng những biện pháp tra tấn về tinh thần nên ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý, từ đó tác động đến các dây thần kinh ở đầu, ở cổ dẫn tới câm, điếc. 

Hoặc cũng có thể ông bị trúng phong trong khi ngủ dẫn tới cấm khẩu và mất thính lực. Trong Đông y đã ghi nhận nhiều trường hợp bị câm, điếc do trúng phong. 

Tùy vào từng thể nặng nhẹ mà việc chữa trị từ khó tới dễ. Tuy nhiên, việc chỉ vì vui quá mà khỏi cả câm, điếc như ông Tắc là rất hiếm gặp. Trong trường hợp này, tôi nghiêng nhiều về khả năng ông Tắc bị câm, điếc do nguyên nhân tâm lý. 

Suốt 10 năm, ông sống trong nỗi ám ảnh về chiến tranh, về những đòn tra tấn của địch. Vì vậy khi biết tin chiến tranh đã kết thúc, hòa bình lập lại, ông quá đỗi vui mừng và tác động tới các dây thần kinh trong cơ thể. Các dây thần kinh lúc này giống như đang ngủ được tác động làm thức tỉnh, hoạt động trở lại bình thường”.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.