Ông đồ xứ Nghệ dạy chữ trong vùng địch

GD&TĐ - Hơn nửa thế kỷ đã đi qua nhưng cứ vào dịp kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4), thầy Chu Cấp - nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo khu 8 Tây Nam bộ lại bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày tháng rời xứ Nghệ lên đường theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt và trở thành nhà giáo dạy chữ trong vùng địch.

Nhà giáo Chu Cấp (phải) với học viên sau 50 năm gặp lại tại Long An 2015. Ảnh: TG
Nhà giáo Chu Cấp (phải) với học viên sau 50 năm gặp lại tại Long An 2015. Ảnh: TG

Thầy hiệu trưởng ra trận

Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống hiếu học ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ước mơ trở thành thầy giáo trường làng được nuôi dưỡng bằng củ khoai củ sắn đã toại nguyện khi Chu Cấp vào học Trường Trung cấp Sư phạm tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp năm 1960 khi tròn 20 tuổi, thay vì về xã nhà ông được điều động ngược ra Ninh Bình, làm thầy giáo một trường cấp 2 bên núi Cánh Diều của cố đô Hoa Lư.

Nhiệt tình, giỏi nghiệp vụ nên chỉ vài năm ông đã trở thành hiệu trưởng khi tuổi đời mới ngoài 20. Ngày Hiệu trưởng Chu Cấp lên đường đi kháng chiến, ngôi trường cấp 2 Ninh Giang như thiếu vắng một đầu tàu gương mẫu mà chưa kịp có người tiếp nối. Lời hiệu triệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã thúc giục bước chân những chàng trai trẻ khắp mọi miền quê lên đường không một chút phân vân.

Được điều động vào chiến trường Tây Nam bộ dẫu khó khăn, song ông vẫn lên đường với một tinh thần rực lửa: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Với cương vị là Phó Ty Giáo dục Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), nhà giáo Chu Thành Nghệ (tên hoạt động bí mật của ông) gánh trên vai những trách nhiệm nặng nề hơn. Không chỉ đưa ra những hoạch định mang tính chiến lược cho ngành, thầy Cấp còn đến tận cơ sở GD nằm sâu trong lòng địch, nhiều ngày “ăn cơm vắt, uống nước chai, ngủ hầm” gieo những mầm xanh cách mạng trên quê hương Ấp Bắc.

Ông rơi vào tay giặc khi đang trú ẩn tại căm hầm bí mật ở xã Mỹ Thành, Cai Lậy, Tiền Giang vào năm 1970 lúc vừa tròn 30 tuổi. Thấy ông phi tang tài liệu chúng lôi ông ra khỏi miệng hầm. Bọn chúng đánh ông ói mật xanh, mật vàng buộc ông nhả tài liệu và khai ra bí mật của Đảng bộ Mỹ Tho. Quanh đi quẩn lại chỉ ông có một lời khai: “Tôi là GV dạy toán biết gì bí mật chính trị mà khai”.

Bị địch tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, ông vẫn không khai bất cứ điều gì. Nhiều bạn tù chứng kiến ông bị địch tra tấn bằng cách dùng nước xà bông xịt ngược vào mũi, vào miệng đến khi không thở được. Cả tới lúc bị gãy mấy cái xương sườn, phơi nắng cả ngày nằm thoi thóp trên sân, ông vẫn không khai lấy nửa lời.

Bất lực, địch đưa ông từ Nhà tù Mỹ Tho lên Trại giam Chí Hòa và sau đó lưu đày ra Côn Đảo với cái mác: “Trí thức cách mạng” nguy hiểm và biết nhiều bí mật quan trọng của tổ chức Đảng. Nhà tù lúc này lại được ông biến thành trường học để đấu tranh với kẻ thù. Ông càng hăng hái hơn khi được anh em bạn tù giao phụ trách các đội xung kích chống đàn áp, đội phát thanh đấu tranh, phụ trách văn nghệ và sức khỏe, phòng chống biệt giam cầm cố, chống khổ sai, chống nội quy của địch.

Nhà giáo Chu Cấp cùng đồng nghiệp GD khu 8 tại Tiền Giang 2019. Ảnh: TG
  • Nhà giáo Chu Cấp cùng đồng nghiệp GD khu 8 tại Tiền Giang 2019. Ảnh: TG

“Đôi cánh” tự do người cộng sản

Hiệp định Paris đã mở ra một chương mới cho cách mạng Việt Nam, đó cũng là chiếc chìa khóa tự do phá bỏ cánh cổng tù đày để thầy Chu Cấp cùng anh em bạn tù được trao trả vào đất liền, đúng vào dịp miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tinh thần lạc quan cách mạng của các nhà giáo - chiến sĩ đã góp phần làm nên những nụ cười chiến thắng của mùa xuân năm 1975.

Nhà giáo Chu Cấp được giao “giữ chốt” tại Phòng GD&ĐT Q.1, TPHCM với chức vụ trưởng phòng. Thương người thầy giáo thương binh trở về từ chiến trường khốc liệt, cô giáo thôn quê xinh đẹp Phan Thị Thảo đã đem lòng yêu mến. Chưa sống trọn yêu thương với người vợ trẻ, 4 năm sau ông lại nghe theo tiếng gọi tổng động viên vác ba lô sang chiến trường

Campuchia làm chuyên gia cho nước bạn. Khoảng cách với vợ con ở quê vốn đã xa nay càng xa diệu vợi. Thư đi, từ lại vẫn không nguôi ngoai tình cảm vợ chồng ở 2 đầu biên giới.

Cũng vì tình cảm quê nhà và trách nhiệm với mẹ già, con nhỏ, năm 1982, thầy giáo Chu Cấp trở về quê Yên Thành tiếp tục sự nghiệp trồng người khi đất nước đã im tiếng súng. Vài năm sau vì cha già, mẹ yếu và muốn có một mái nhà riêng, ông xin chuyển về quê công tác. Trường THPT công lập Phan Thúc Trực, sau đó là Trường THPT dân lập Lê Doãn Nhã (Nghệ An) trở thành đơn vị GD có nhiều thành tích trong dạy và học trước hết phải kể đến công đầu “người nhạc trưởng” Chu Cấp giỏi quản lý, điều hành.

Dù cách xa ngàn cây số nhưng hàng năm thầy giáo Chu Cấp vẫn tranh thủ thời gian để thăm lại chiến trường xưa từ Long An đến An Giang. Ngắm nhìn những ngôi trường mái mới trên mảnh đất bom cày, đạn xới năm xưa mà lòng ông thấy hân hoan. Ở quê, chiếc xe đạp là người bạn đồng hành cùng ông đi thăm hỏi những cụ già, em nhỏ với những món quà giản dị như hộp sữa, cân đường từ đồng lương ít ỏi của mình. Tinh thần “chia lửa” những tháng ngày trong lao tù và giữa đạn bom vẫn sáng mãi nơi “ông đồ” Nghệ đến khi tuổi xế chiều. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.