Bản anh hùng ca của dân tộc

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, sáng 25/7, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Hành trình “Mỗi nén hương một tấm lòng”… đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”.

Bản anh hùng ca của dân tộc

Nguồn sử liệu độc đáo về lịch sử chiến tranh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Những bức thư vốn là giao tiếp rất bình thường giữa con người với con người rất riêng tư, nhưng để nó trở thành ký ức chung của xã hội và có sức mạnh truyền trao cho các thế hệ là trách nhiệm của những con người làm lịch sử, làm công tác bảo tồn, đó cũng là mong muốn của xã hội chúng ta.

Vì thế tổ chức hội thảo này để tiếp cận với một góc nhìn cũng là di sản chiến tranh. Thời gian là phương thuốc hiện hình, làm cho chúng ta thấy giá trị to lớn của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấm thía sự hi sinh to lớn của nhiều thế hệ.

Vì thế việc chúng ta bảo tồn và phát huy giá trị những bức thư trong thời chiến chính là góp phần vào nhận thức bảo tồn di sản to lớn của dân tộc, làm cho những bài học về chiến tranh trở thành sức mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam giữ gìn và bảo vệ đất nước.

Những trang giấy nhẹ nhưng có sức truyền tải rất lớn. Đối với thế hệ sau trải qua chiến tranh đây là sự chia sẻ. Đối với thế hệ trẻ là sự trao truyền. Các bạn trẻ không có ký ức về chiến tranh nhưng có trách nhiệm trong việc bảo vệ Tổ quốc”.

ThS Nguyễn Kim Thành, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, “Những bức thư thời chiến Việt Nam” không chỉ là kỷ vật của mỗi gia đình cá nhân, mà nó còn là di sản của thời đại dưới góc độ văn hóa và lịch sử.

Tại thời điểm viết lá thư, sứ mệnh của nó chỉ đơn thuần là kết nối, truyền tin. Nhưng qua thử thách của thời gian và lịch sử, giá trị của bức thư càng khẳng định được sức sống mãnh liệt của nó, truyền tải thông điệp của thế hệ đi trước bằng ngôn ngữ giàu cảm xúc và gửi gắm ước mơ, lý tưởng sống đến thế hệ mai sau. Tầm di sản của những lá thư được thể hiện rõ ràng từ chính điều mộc mạc, giản dị đó.

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

ThS NguyễnThị Hòa, khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: “Những bức thư thời chiến Việt Nam là một tư liệu lịch sử quý, có giá trị trong giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Nội dung những lá thư cho phép khẳng định lại tính chính xác của các sự kiện lịch sử dân tộc.

Hơn thế, qua các lá thư, bức tranh lịch sử mới được mở ra không phải cảnh cầm súng chiến đấu hay cảnh hậu phương tăng gia sản xuất, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường…

Đó là những bức tranh về đời sống tâm hồn những người lính trong những ngày tháng rèn luyện, chiến đấu, khi ở vùng an toàn, khi ẩn náu ngay trong lòng địch. Chúng được nối với nhau thành một thước phim về một thế hệ con người Việt Nam, làm sống dậy một giai đoạn hào hùng của dân tộc”.

Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ: Những lá thư sẽ giúp chúng ta hiểu được cha ông ta đã chiến thắng hai cuộc kháng chiến vĩ đại để bảo vệ dân tộc như thế nào; một thời hào hùng, trần trụi trong khói lửa, đạn bom mà chính các cuốn sách lịch sử khác chưa nói đến.

Chúng ta có thể dễ dàng tìm ra được những góc khuất tinh thần của mỗi con người mà chưa có một nguồn tài liệu nào có thể mô tả một cách chân thực hơn. Để từ những gian nan vất vả của người chiến sỹ đã ngã xuống, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu, sẽ nhận được những kỷ niệm, những yêu thương, những đau đớn mà cha ông ta đã trải qua thông qua những bức thư đó.

Có những dòng thư viết vội, có những trang thư ướt nhòe nước mắt và cũng có cả những bức thư đang dang dở chưa kịp gửi đi. Đó chính là điều mà thế hệ trẻ cần phải biết để chúng ta sống tốt hơn, biết ơn những người đã ngã xuống, bảo vệ quê hương và đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ