Người cộng sản kiên trung
Năm 19 tuổi, khi còn là thợ dệt làm thuê ở Hà Nội, người thanh niên quê xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã sớm giác ngộ cách mạng.
Từ đó, Văn Tiến Dũng đã tham gia đấu tranh và hoạt động rất hăng hái trong phong trào dân chủ do Đảng ta phát động, trước hết để chống thực dân Pháp và đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống người lao động.
Từ năm 1939 đến 1945, ông bị thực dân Pháp bắt giam 3 lần. Đặc biệt trong lần thứ 3, tại xà lim sở mật thám Hà Nội, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Văn Tiến Dũng bị địch tra tấn dã man trong thời gian dài, thành nhiều đợt, có đợt kéo dài hơn 40 ngày, đến mức thương tích toàn thân và liệt cánh tay trái.
Không dụ dỗ, khai thác và khuất phục được ông, địch chuyển ông về giam tại nhà lao Bắc Ninh chờ mở phiên tòa xét xử. Tại đây, với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, sự mưu trí và được các chi bộ, cơ sở giúp đỡ, ông vượt ngục thành công để trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Giữa 3 lần bị bắt giam ấy, ông phải trải qua 2 năm mất liên lạc với tổ chức. Vừa phải trốn tránh địch, làm mọi nghề để kiếm sống, ông vừa tìm mọi cách bắt liên lạc với tổ chức. Khi làm thợ mộc, khi giả làm nhà sư, ông đã phải hoạt động hết sức gian nan và vượt qua biết bao nguy hiểm.
Cộng với những năm tháng bị giam cầm, tra tấn, đây là khoảng thời gian thử thách cực kỳ khổ ải, nhưng Lê Hoài (bí danh của Đại tướng Văn Tiến Dũng) đã tỏ rõ là người chiến sĩ cộng sản trung kiên ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ.
Phẩm chất quý báu đó đã đặt nền móng giúp ông vượt qua những thử thách gay go với nhiều cương vị công tác quan trọng, trở thành một danh tướng tài ba của QĐND Việt Nam, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quân đội.
Đánh giá về công lao đóng góp và tài thao lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng, trong cuốn sách Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng (NXB Chính trị Quốc gia, năm 2014), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định:
“Đại tướng Văn Tiến Dũng - một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất - đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đoàn đại biểu Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Quốc phòng - dẫn đầu đến dâng hương tưởng niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), sáng 25/4.
Vị tướng song toàn
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, càng trải qua khó khăn, gian khổ với những thử thách gay go, ác liệt, tài năng quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng càng được bộc lộ rõ nét.
Nếu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài thao lược của ông thể hiện ở tài cầm quân xông pha nơi trận mạc trong lòng địch hậu (nhất là thời kỳ ông làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320) thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tên tuổi của ông gắn với những chiến dịch lớn mang tầm chiến lược.
Điển hình là Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971). Tính quyết liệt của chiến dịch này thể hiện ở sự đối đầu giữa hai khối chủ lực mạnh của hai bên. Vì thế, việc bày binh bố trận, tổ chức cơ động lực lượng và tổ chức các trận then chốt có ý nghĩa quyết định sự thành bại của chiến dịch.
Bằng tài thao lược của mình, ông cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch đã buộc địch từ thế tiến công chủ động ban đầu thành thế bị động, bất ngờ; tập trung lực lượng bẻ gãy hoàn toàn cánh quân bảo vệ sườn Bắc, đẩy lùi mũi tiến công và đánh thiệt hại cánh quân bảo vệ sườn Nam, gây tổn thất lớn cánh quân ở khu vực phía Đông, lần lượt đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn ở khu vực phía Tây, tiến tới công kích địch trên toàn tuyến, tiêu diệt quân địch rút chạy.
Trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (1975), với đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột nằm ngoài dự kiến của cả Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa và Mỹ, ta đã làm cho địch choáng váng, rối loạn, cả hệ thống phòng ngự của chúng ở Tây Nguyên bị rung chuyển. Về cách sử dụng lực lượng trong đòn “điểm huyệt” này, trong hồi ký của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng viết:
“Tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, ta lấy lực lượng mạnh gấp nhiều lần hơn địch, tổ chức các đội đột kích binh chủng hợp thành mạnh kết hợp với các tiểu đoàn đặc công và bộ binh bí mật triển khai trước, đánh thẳng ngay vào trung tâm thị xã, chiếm hai sân bay, nhanh chóng tiêu diệt đầu não chỉ huy của địch rồi mới phát triển trở ra tiêu diệt địch bên ngoài thị xã”.
Với cách đánh táo bạo đó, ta tiến công dũng mãnh làm cho địch hoảng loạn, dẫn tới sai lầm chiến lược rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên, đưa cuộc chiến tranh chuyển sang bước ngoặt có lợi cho ta.
Với vai trò là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đánh chiếm Sài Gòn nhanh gọn nhưng phải đảm bảo cho thành phố ít bị tàn phá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.
Sau nhiều đêm thức trắng, Đại tướng đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch đi tới nhất trí về cách đánh của chiến dịch là: “Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành”…
Bên cạnh những chiến công vang dội ấy, trong gần 25 năm làm Tổng Tham mưu trưởng, ông luôn dành nhiều tâm sức, trí tuệ xây dựng Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu các cấp trong quân đội từ nền nếp, tác phong công tác đến trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ.
Trên cương vị là Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng Quân ủy T.Ư, lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng và Nhà nước từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện.
Đồng thời ông, có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiếp tục phát huy bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ Quốc phòng vừa phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nội”.
Với gần 100 tham luận công phu có hàm lượng khoa học cao của các nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhiều ban ngành, địa phương, hội thảo tập trung làm rõ vai trò chỉ huy, tham mưu chiến lược xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đức độ, tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam; quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của Đại tướng Văn Tiến Dũng với quê hương Hà Nội, với cách mạng và QĐND Việt Nam…