Nguyễn Thi đã ngã xuống con phố mang tên mình

GD&TĐ - Nhà văn Nguyễn Thi trở thành liệt sĩ ngày 9-5-1968, khi theo một cánh quân tiến vào Sài Gòn trong đợt hai của cuộc nổi dậy Mậu Thân. Con phố mà ông cầm cự ngoan cường và hy sinh, nay đã được đặt tên đường Nguyễn Thi. Hài cốt của Nguyễn Thi vẫn chưa tìm thấy, nhưng những trang văn ông để lại đã hiển hiện số phận một con người tài năng và cao đẹp!

Nguyễn Thi đã ngã xuống con phố mang tên mình

1.

Đường Nguyễn Thi bây giờ ở TPHCM chỉ dài mấy trăm mét, từ Bưu điện Quận 5 đến đại lộ Võ Văn Kiệt. Lúc sinh thời, bà Thành Thị Du – thân mẫu của nhà văn Nguyễn Thi, mỗi lần nhớ đứa con trai có tên thật Nguyễn Hoàng Ca mà bà đứt ruột đẻ ra ở vùng biển Hải Hậu, lại lặn lội hơn ngàn cây số từ Nam Định vào TPHCM, và ôm một bó hoa huệ đỏ đi từng bước chầm chậm dọc theo con đường này.

Bà Thành Thị Du không biết vị trí nào Nguyễn Thi đã anh dũng ngã xuống, nhưng bà luôn tin mỗi bóng cây rợp mát, mỗi viên gạch vỉa hè, mỗi mái nhà nhấp nhô vẫn gìn giữ bóng dáng và khí tiết của con trai mình!

Hơn 10 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Hoàng Ca đã rời quê nhà vào Sài Gòn lăn lộn mưu sinh. Năm 17 tuổi, Nguyễn Hoàng Ca tham gia cách mạng và bắt đầu sáng tác văn học với bút danh Nguyễn Ngọc Tấn.

Khởi nghiệp, Nguyễn Ngọc Tấn làm thơ và đoạt được giải thưởng Cửu Long với tập “Hương đồng nội”. Những câu thơ giăng mắc thuở thanh xuân của Nguyễn Ngọc Tấn đã báo hiệu một trái tim nhiều trắc ẩn: “Những mối tình bằng nước mắt/ Có bao giờ phai nhạt em ơi/ Hái tất cả mùa xuân trên mặt đất/ Anh làm thơ yêu tặng một con người”.

Thế nhưng, vần điệu trữ tình không phải điều mà Nguyễn Ngọc Tấn hướng đến. Nguyễn Ngọc Tấn ý thức về trách nhiệm cầm bút của mình bằng sự sốt ruột trong trang nhật ký viết ngày 30-12-1950: “Đời tôi, từ lòng thương mẹ, trình độ học thức, ngày vui sướng, cuộc tình duyên, cho tới sự nghiệp cách mạng và tương lai ngày mai văn nghệ, tất cả đều là lận đận và lở dở”.

Sau khi chia tay người vợ miền Nam đang mang thai để tập kết ra Bắc năm 1953, Nguyễn Ngọc Tấn chuyển sang lấy văn xuôi làm sở trường và ghi được nhiều dấu ấn trên văn đàn.

Hy sinh lúc vừa tròn 40 tuổi, di cảo của Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi có tiểu thuyết “Ở xã Trung Nghĩa” chỉ mới viết được 3 chương. Dù tác phẩm ấy “lở dở” như chính ông âu lo tiên liệu, nhưng những nhân vật Hai Khê, Ba Sồi, Tư Trầm, Bảy Kiệt… vẫn đủ sức chứng minh một tài năng đang độ chín muồi.

Nếu ông còn sống sau Mậu Thân, chắc chắn “Ở xã Trung Nghĩa” sẽ được bồi đắp thành một tiểu tuyết tầm vóc. Tuy nhiên, sự “lở dở” của Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi cũng kịp hình thành một gương mặt nhà văn đáng để đồng nghiệp và bạn đọc trân trọng!

2.

Sở dĩ phải gọi bút danh kép Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi vì ông có hai giai đoạn sáng tác nổi bật, giai đoạn 1954-1962 ở miền Bắc với bút danh Nguyễn Ngọc Tấn và giai đoạn 1962-1968 ở miền Nam với bút danh Nguyễn Thi. Mỗi giai đoạn đều có sắc thái riêng và có thành tựu riêng.

Sau khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Ngọc Tấn tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Hai tập truyện “Trăng sáng” và “Đôi bạn” của Nguyễn Ngọc Tấn chủ yếu viết về những người tập kết mang theo nỗi nhớ quê hương miền Nam. Văn chương Nguyễn Ngọc Tấn không dừng lại ở những câu chuyện tỉ tê, mà tập trung khai thác tâm lý nhân vật, mổ xẻ những góc khuất số phận.

Tiêu biểu nhất phải kể đến truyện ngắn “Im lặng” được in lần đầu tiên trên Văn Nghệ Quân Đội tháng 12-1957. Thật kỳ lạ, khi văn chương đang phải đảm đương sứ mệnh của tin tức chiến sự thì Nguyễn Ngọc Tấn lại có một tác phẩm len lỏi vào tính cách con người với từng chi tiết đắt giá.

Truyện ngắn “Im lặng” viết về Hải - một người đàn ông quê Lái Thiêu mạnh mẽ và hào sảng nhập cuộc kháng chiến. Thế nhưng, Hải phải vào quân y viện vì bị tâm thần sau cú sốc gia đình.

Vợ của Hải cũng là liên lạc viên, nhưng bị tên Lộc – một đồng đội phản phúc của Hải, rình mò hãm hiếp. Trong cái đêm khủng khiếp đầu tiên, vợ của Hải đã im lặng, không phải đồng lõa với tên Lộc mà vì không muốn lực lượng cách mạng mất đi một trinh sát giỏi “bao nhiêu lô cốt khó khăn nguy hiểm nó đều mò vào đặt mìn được, ban chỉ huy tiểu đoàn coi nó như con cưng, nhân dân tôn sùng nó như đấng thánh thần”.

Hải không thấu hiểu và không chia sẻ được với nỗi im lặng của vợ. Hải đã tát vợ và bảo “em hãy bảo vệ tình yêu như bảo vệ sinh mạng của mình, thà chết còn hơn chịu nhục”. Khi Hải đi tập kết, tên Lộc đã trở cờ vẫn tiếp tục truy đuổi vợ của Hải với âm mưu đê hèn. Vợ của Hải gửi con về ngoại, cạo đầu vào chùa để trốn tránh, và cũng không thoát được. Giữ lời thề với chồng, vợ của Hải đã tố cáo tên Lộc và tự tử.

Nghĩ mình đã trực tiếp gây ra thương đau cho vợ, Hải phát điên. Và ở quân y viện, Hải được cô hộ lý Vân chăm sóc tận tụy. Vân khi ở quê nhà Hưng Yên cũng từng có người yêu chiến sĩ tên Hải, nên cảm giác gần gũi giữa hai người càng tăng thêm, “có những lần Hải lên cơn, nắm chặt tay Vân, gọi tên vợ ở miền Nam luôn miệng”.

Khi Hải điều trị dứt triệu chứng tâm thần thì không thấy hộ lý Vân nữa. Hải dò hỏi Vân khắp nơi, mà không biết rằng cái đêm anh lên cơn nhảy xuống sông giữa khuya, Vân đã nhào theo cứu anh và nước đã cuốn Vân đi, “con sông ấy nó chảy về Hưng Yên, quê nhà Vân đấy”.

Cái độc đáo của truyện ngắn “Im lặng” không chỉ nằm ở sự mất mát của những con người lương thiện và trong sáng trong chiến tranh, mà còn nằm ở cấu trúc tác phẩm khéo léo và văn phong thuyết phục của Nguyễn Ngọc Tấn. Đặt trong bối cảnh văn chương lúc ấy, “Im lặng” thực sự là truyện ngắn nổi trội bởi những ưu tư khó tìm thấy ở những tác phẩm cùng thời, “cuộc đời, xin thú thật, nó thu gọn chỉ trong một người đàn bà”.

Trong nỗi “Im lặng” của Nguyễn Ngọc Tấn, thấy cả dân tộc gắng sức vượt qua đau thương để hướng đến sự nghiệp chung thống nhất đất nước. Và hôm nay, sau 60 năm đọc lại, thì “Im lặng” vẫn còn nguyên rung động sâu xa, bởi những câu văn quyến rũ của người kể chuyện.

“Chưa bao giờ tôi gặp ở miền Bắc có những chiều hè dai dẳng, nặng nề như thế. Không khí oi oi không gợn gió, mây phủ hết lớp này đến lớp khác như một tấm mền bông xám ngoét muốn úp lấy thân người, rơi xuống đầu người. Mây che mất ánh sang và gói tròn không khí lại. Dưới cái mền bông khổng lồ ấy, những con người ngơ ngác nhìn nhau, lo ngại đến một ngày giông bão, đổ vỡ. Tôi đứng lại bờ sông như phải đội cả khoảng trời nặng nề ấy trên đầu”.

Và những quan sát tinh tế dành cho cô hộ lý Vân “Đôi mắt long lanh ươn ướt hình như vừa có ngấn nước. Trên gò má cao cao, nó càng sâu thẳm như đọng ở đấy nhiều đêm nghĩ ngợi. Tóc chị xoã xuống nửa vừng trán, tôi nhìn thấy rõ một vết sẹo dài nằm ngang thái dương. Mái tóc chị càng làm tôi ngạc nhiên, chưa che hết gáy. Chị cử động nhanh nhẹn, hơi thở mạnh từng giây đứt đoạn, mệt mỏi. Tất cả đã nói với tôi về một con người chịu đựng và đang buồn. Thấy tôi nhìn, chị khẽ khép tà áo đứt chiếc cúc dưới lại. Tôi biết ý quay đi, hiểu thêm một sự chín chắn nữa trong con người chị”.

3.

Năm 1962, Nguyễn Ngọc Tấn trở lại chiến trường miền Nam, làm báo Văn Nghệ Giải Phóng ở căn cứ Tây Ninh. Đây là giai đoạn Nguyễn Ngọc Tấn lấy tên đứa con trai Nguyễn Thi với người vợ đất Bắc, để làm bút danh. Nguyễn Thi có mặt tại tất cả điểm nóng như Ấp Bắc, Củ Chi, Đồng Xoài, Bến Tre… với sứ mệnh một nhà văn đi, ghi chép, ngẫm ngợi và viết.

Trong các gương mặt dự Đại hội Anh hùng toàn miền Nam, Nguyễn Thi đã chọn nhân vật Nguyễn Thị Út để viết truyện ký “Người mẹ cầm súng”. Ra đời cùng với những tác phẩm “Lá cờ Hê-ron” của Võ Trần Nhã viết về Nguyễn Minh Tua, “Đánh trong lòng địch” của Thanh Giang viết về Hồ Văn Bé, “Giữ đất” của Lê Anh Xuân viết về Nguyễn Văn Tư…,

“Người mẹ cầm súng” đã vượt qua những yếu tố về số liệu trận đánh và về thành tích cá nhân, để đưa hình tượng anh hùng lên tầm khái quát cao hơn. Từ truyện ký “Người mẹ cầm súng”, nhân vật Út Tịch trở thành một điển hình đặc sắc cho phụ nữ Nam bộ trong kháng chiến, với câu nói đã phổ cập sâu rộng vào đời sống “còn cái lai quần cũng đánh”.

Rất khiêm tốn và rất tự trọng, Nguyễn Thi nói về “Người mẹ cầm súng” nhận được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 1965: “Tôi biết người ta khen là khen chị Út Tịch, chứ không phải khen gì mình. Nhưng trong hoàn cảnh thế này, thì hãy bằng lòng như vậy đã. Còn tôi dự định mỗi tiêu đề là một chương tiểu thuyết…”. Quả nhiên, từ chất liệu truyện ký “Người mẹ cầm súng”, Nguyễn Thi đã viết được truyện ngắn xuất sắc “Mẹ vắng nhà”.

Năm đứa con của chị Út Tịch trong thực tế của vùng đất Tam Ngãi, Cầu Kè, Trà Vinh đã được Nguyễn Thi chưng cất cô đọng và sinh động thành tác phẩm văn học “Mẹ vắng nhà”.

Được Nguyễn Thi viết vào tháng 6-1966, “Mẹ vắng nhà” có thể xem như một trong vài truyện ngắn hiếm hoi trên thế giới viết về chiến tranh mà không có cảnh bom rơi, đạn bay, máu đổ và nước mắt. Chiến tranh được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, càng hồn nhiên thì càng khốc liệt.

Con Bé – đứa lớn nhất trong năm đứa trẻ, đã dỗ dành đàn em theo cách riêng của nó. Con Bé leo lên đọt dừa để ngóng mẹ, trong nỗi hồi hộp của lũ trẻ “Má sắp về heng chị Hai?”, “Thấy má rồi heng chị Hai?”. Và khi con Bé tuột xuống thì “Đàn em tưởng như chị nó mang luôn cả má xuống theo. Nhưng khi con chị đã tuột xuống tới đất mà không thấy má, lũ em lại dòm ngược lên. Dường như má cùng với trận chiến đấu hồi nãy đã biến mất vào trong những trái dừa xanh biếc đó”.

Nhà văn Nguyễn Thi đã ra đi cùng mùa xuân Mậu Thân cách đây nửa thế kỷ, nhưng tinh thần của ông vẫn khiến thế hệ sau tôn kính: “Trước khi trở thành nhà văn, tôi đã là người lính, nếu gặp lúc gay go tôi có thể cho cây bút vào túi áo, tay cầm súng và bóp cò. Tôi cần cái không khí của chiến dịch, những cái mà mắt tôi nhìn được, tai tôi nghe được. Trước sự kiện lịch sử trọng đại, nhà văn không thể đứng ngoài mà ngó…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ