Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Thâu tóm kiến thức theo dạng câu hỏi

GD&TĐ - Trong giai đoạn nước rút, hệ thống lại kiến thức môn Ngữ văn theo từng dạng câu hỏi để ôn tập và rèn kĩ năng viết bài là điều vô cùng cần thiết. Điều này khiến việc học ôn trở nên nhẹ nhàng hơn và hiệu quả hơn.

Học sinh nắm vững kiến thức để tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh nắm vững kiến thức để tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chiến thuật lấy điểm ở phần đọc hiểu

Phần đọc hiểu trong cấu trúc bài thi thường có ngữ liệu là những đoạn văn, đoạn thơ ngắn có nội dung là những vấn đề gần gũi với cuộc sống hoặc đề cập những vấn đề thời sự, cập nhật.

Câu hỏi cho phần đọc hiểu thường là câu hỏi ngắn được sắp xếp theo thứ tự tăng dần về độ tư duy cho học sinh: từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Các câu hỏi hướng đến kiểm tra các kiến thức và kĩ năng về: đặc điểm của văn bản (thể loại; phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, phương thức biểu đạt....) hoặc về nội dung văn bản (nội dung chính, chủ đề; quan điểm của tác giả về một khía cạnh nhỏ được đề cập đến trong văn bản; cách hiểu một số câu thơ, câu văn trong văn bản); các biện pháp nghệ thuật (chỉ ra một biện pháp nghệ thuật và nêu tác dụng trong một câu, một đoạn văn bản); sự kết nối, liên hệ từ văn bản đến các vấn đề của cuộc sống, đến bản thân người đọc (chỉ ra thông điệp, bài học từ văn bản; em có đồng tình với quan điểm của tác giả trong văn bản không?)...

Ôn tập thành hệ thống các kiến thức lí thuyết để thực hành trong phần đọc hiểu, học sinh có thể vẽ bảng biểu, sơ đồ để hệ thống hóa các kiến thức cần nắm chắc - công cụ quan trọng trong chiến thuật lấy điểm ở phần đọc hiểu. Các kiến thức cần hệ thống là kiến thức tiếng Việt, làm văn liên quan đến đặc điểm văn bản như: phong cách ngôn ngữ, thể loại, phương thức biểu đạt; thao tác lập luận; các biện pháp nghệ thuật (dấu hiệu nhận biết và tác dụng)...

Các em cũng cần rèn kỹ năng làm phần đọc hiểu nhiều lần trong giới hạn thời gian từ 25 đến 30 phút. Trong khi làm, đọc kĩ câu hỏi, xác định một cách chính xác vấn đề được hỏi. Từ đó, chú ý cách viết câu trả lời: ngắn gọn, trúng vấn đề, hỏi gì trả lời nấy, không rườm rà, lan man, mất trọng tâm.

Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Thâu tóm kiến thức theo dạng câu hỏi ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Với đoạn nghị luận xã hội, yếu tố quyết định bài làm được bao nhiêu điểm trong tổng số 2 điểm của câu hỏi nghị luận xã hội là: đúng, trúng, rõ vấn đề nghị luận (đây là yếu tố quan trọng nhất với việc tạo lập một đoạn văn bản); sáng tạo, thông minh trong cách lập luận, diễn đạt.

Để viết đúng, trúng,  làm rõ vấn đề nghị luận, trong quá trình làm bài, các em cần lưu ý:

Đọc kĩ để hiểu sâu vấn đề được nêu ra trong phần đọc hiểu. Việc đọc kĩ, hiểu sâu vấn đề của đoạn văn bản trong phần đọc hiểu sẽ giúp các em có những lí lẽ sắc bén và phong phú hơn trong bài nghị luận xã hội của mình.

Xác định chính xác vấn đề nghị luận được nêu lên trong đề bài. Thường sẽ có một số từ ngữ trong đề bài giúp các em xác định một cách chính xác yêu cầu của đề, ví dụ như: Vai trò...; sức mạnh của ....; từ bỏ thói....; làm thế nào để.....

Lập một dàn ý thật nhanh về cách triển khai vấn đề với các bước: đặt vấn đề ở những câu văn đầu của đoạn văn bản; giải thích một số từ ngữ để chốt về vấn đề nghị luận được nêu ra một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất (nếu cấn thiết); phân tích, bàn luận vấn đề bằng hệ thống các lí lẽ rõ ràng, đa chiều (bước trọng tâm); mở rộng, bổ sung hoặc phản biện vấn đề; rút ra thông điệp và bài học từ vấn đề nghị luận.

Cô Triệu Thanh Hương hướng dẫn học sinh học bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm.
Cô Triệu Thanh Hương hướng dẫn học sinh học bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm.

Bên cạnh việc xác định đúng và làm rõ vấn đề nghị luận, các em hãy tư duy về một bài văn sáng tạo, thông minh trong cách lập luận, diễn đạt. Sáng tạo, thông minh nhưng vẫn tự nhiên, nhẹ nhàng, văn không bị “gồng”, không khiên cưỡng.

Sáng tạo trong cách đặt vấn đề (các em có thể dẫn một danh ngôn, từ danh ngôn hướng đến vấn đề nghị luận, có thể gợi nhắc một câu chuyện, một nhân vật để gợi mở vấn đề...)

Sáng tạo, thông minh trong cách giải thích vấn đề, nếu cần thiết có bước giải thích (sử dụng phép liệt kê, phép điệp để nêu lên những cách hiểu hoặc nêu lên nhiều khía cạnh của vấn đề, rồi từ đó, chốt lại vấn đề một cách rõ ràng với câu văn có cấu trúc: A là B)

Trong khâu bàn luận, mở rộng, em hãy tự đặt và trả lời các câu hỏi: “Vấn đề nghị luận có cần bổ sung gì không?”;  “Để quan điểm trong bài nghị luận đúng đắn nhất hoặc gần gũi với cuộc sống nhất thì cần thêm điều kiện gì?” hoặc “Có cần phân biệt khái niệm, quan điểm trong vấn đề nghị luận với một khái niệm nào khác để tránh hiểu lầm không?”....

Với phần kết đoạn, các em hãy nghĩ tới một bài học mang tính cá nhân, thiết thực, sâu sắc chứ không nên là một bài học theo kiểu công thức, chung chung theo lối mòn (ví như: Là học sinh ngồi trên ghế nhà trường....). Phần kết nên đọng lại dưới dạng một thông điệp, súc tích mà vẫn thiết thực, gần gũi.

Mở rộng, nâng cao vấn đề khi viết nghị luận văn học

Với nội dung nghị luận văn học: Đây là dạng bài nghị luận về các vấn đề, nhân vật văn học trong các tác phẩm chủ yếu nằm trong chương trình Ngữ văn 12. Để có thể làm tốt dạng bài này, các em cần lưu ý các kiến thức và kĩ năng sau:

Nắm chắc kiến thức cơ bản về các tác phẩm: từ hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại, phong cách nghệ thuật của tác giả... đến các vấn đề nội dung và nghệ thuật của tác phẩm (chủ đề, cảm hứng sáng tác, giá trị nhân đạo và hiện thực; hình tượng nhân vật; tình huống truyện; ngôn ngữ...).

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Để nắm chắc kiến thức của từng tác phẩm, các em có thể ôn tập theo các bước: Đọc thật kĩ văn bản, hãy suy ngẫm về từ ngữ, câu văn được tác giả sử dụng để thấy được cái hay, cái đẹp trong tầng ngôn từ. Trên cơ sở các kiến thức kĩ năng đã được thầy cô định hướng trong các giờ học, giờ ôn tập, em hãy vẽ sơ đồ tư duy về các vấn đề nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, sử dụng những từ khóa để chốt kiến thức.

Đặt sơ đồ tư duy về các tác phẩm ở cạnh nhau để thấy được nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của từng tác giả, thấy được nét riêng biệt vẻ đẹp của hình tượng thơ, nhân vật truyện trong một cái nhìn đối sánh.

Khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản, hãy tư duy về cấu trúc của đề văn nghị luận văn học. Theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT năm 2021, định hướng của câu hỏi nghị luận văn học gồm 2 yêu cầu: Cảm nhận, phân tích một vấn đề trong một đoạn văn bản cho sẵn được trích từ các tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 12. Từ việc cảm nhận, phân tích đó, yêu cầu học sinh rút ra những nhận xét, bình luận về một số nhận định, đánh giá hoặc một khía cạnh nào đó có tính khái quát về tác phẩm, tác giả.

Để làm tốt cả 2 yêu cầu của dạng bài này, học sinh cần chia tách luận điểm thật rõ ràng và xác định mức độ kĩ càng cho từng luận điểm (có luận điểm sẽ viết kĩ, có luận điểm sẽ phải thật ngắn gọn). Lưu ý, yêu cầu số 1 (cảm nhận) bao giờ cũng được xử lí kĩ càng hơn.

Khi thực hành viết nghị luận văn học, các em cũng cần xác định đúng vấn đề nghị luận trong khi viết. Ví dụ, “cảm nhận về hình tượng người lính trong khổ 1 của bài thơ Tây Tiến” sẽ khác với “cảm nhận về vẻ đẹp của khổ thơ thứ nhất trong bài thơ Tây Tiến”. Nắm chắc vấn đề nghị luận sẽ giúp các em có định hướng lập luận đúng, đủ.

Để bài viết có độ sâu, rộng về kiến thức, các em nhớ liên hệ, mở rộng, nâng cao vấn đề trong khi viết. Chẳng hạn, về khát vọng tình yêu trong khổ 9 của bài thơ “Sóng”, cần bình luận nâng cao: “Với Xuân Quỳnh, yêu cũng là một cách sống. Yêu hết mình để sống hết mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.