Bên cạnh bảo đảm yêu cầu chung, nhiều nơi có cách làm riêng, phù hợp với thực tế địa phương, hướng tới nâng cao kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Xếp lớp theo định hướng thi
Năm 2021, Vĩnh Long dự kiến có gần 11 nghìn thí sinh đăng kí dự thi. Trong đó, khoảng 33% thí sinh đăng kí bài thi Khoa học tự nhiên, khoảng 66% đăng kí bài Khoa học xã hội, gần 1% thí sinh đã tốt nghiệp THPT đăng kí dự thi một số môn thi/bài thi để xét tuyển đại học.
Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho biết: Tổ chức ôn tập năm nay có lợi thế hơn năm trước vì thời gian từ kết thúc năm học đến khi thi dài hơn (năm 2020, từ khi kết thúc năm học đến kỳ thi chỉ hơn 3 tuần). Bên cạnh đó, học sinh không phải vừa học, vừa lo phòng chống dịch nên tâm lý thoải mái hơn.
Tuy nhiên, một khó khăn phải lưu ý là mục tiêu học tập của học sinh rất khác nhau. “Những năm gần đây, gần 30% học sinh tỉnh Vĩnh Long chỉ đăng kí dự thi để xét công nhận tốt nghiệp, số còn lại dự thi vừa để công nhận tốt nghiệp, vừa dùng kết quả thi để đăng kí tuyển sinh. Nhưng do nhu cầu học đại học của các em khác nhau, nên điểm tuyển sẽ khác và mục tiêu học tập cũng khác. Điều đó đòi hỏi các trường phải nắm chắc nhu cầu, năng lực và tổ chức lớp/nhóm lớp ôn tập khoa học, hợp lí với điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực của đơn vị”, ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.
Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngay từ đầu năm học, sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường, trung tâm khảo sát nhu cầu và xếp lớp theo định hướng thi. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng sắp xếp lại nội dung dạy học theo dạng chủ đề/chuyên đề, tiết kiệm thời gian dạy các đơn vị kiến thức trùng lặp nhưng vẫn bảo đảm nội dung chương trình từng môn học. Phấn đấu đến cuối tháng 4 sẽ hoàn thành chương trình và bắt đầu ôn tập thi tốt nghiệp THPT.
Chia sẻ thông tin này, ông Trịnh Văn Ngoãn cho biết: Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo, Hội đồng bộ môn các môn học thực hiện phân tích, đánh giá đề; đồng thời tiến hành xây dựng ma trận kiến thức và hệ thống các đề tham khảo được phát triển từ đề minh họa. Bảo đảm mỗi câu trong đề minh họa được phát triển thành vài chục câu có nội dung và độ tin cậy tương tự, từng bước củng cố ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT (trừ môn Ngữ văn).
Đặc biệt, quá trình tập huấn cũng được cải tiến, có phân vai (các thành viên hội đồng bộ môn và tổ nhóm giáo viên của các trường đều có sản phẩm). Sản phẩm của buổi tập huấn (khung kế hoạch ôn tập và đề cương ôn tập) là thành quả lao động chung, các trường tinh chỉnh và sử dụng cho phù hợp với điều kiện, năng lực học tập của từng học sinh.
Sau tập huấn, các trường sẽ xây dựng kế hoạch ôn tập tổng thể và kế hoạch của từng bộ môn. Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, nhìn chung thời lượng ôn tập của các trường trên địa bàn tỉnh sẽ dao động từ 8 - 10 tuần. Trong đó, chú trọng phân chia học sinh theo năng lực, mục tiêu (nguyện vọng đăng kí thi), từ đó giảng dạy theo hướng phân hóa. Khi cần thiết có thể cá thể hóa từng học sinh để đạt mục tiêu đơn (tốt nghiệp THPT) hay mục tiêu kép (vừa tốt nghiệp vừa đỗ đại học) hoặc mục tiêu cao (đỗ đại học nhóm ngành và trường tốp đầu).
“Các trường sẽ tổ chức lớp ôn thi phù hợp. Việc này không khó vì lãnh đạo các đơn vị đã có kinh nghiệm từ nhiều năm nay. Việc phụ đạo cho học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp hoặc cần trợ giúp được quan tâm trong quá trình ôn tập. Đồng thời, phân công các đoàn thể trong nhà trường nhận đỡ đầu học sinh gặp khó khăn trong học tập và thực hiện phong trào tiếp sức mùa thi theo hình thức xã hội hóa như những năm qua. Điển hình như UBND huyện Tam Bình luôn hỗ trợ học phí và một phần kinh phí phục vụ đợt ôn tập cho 7/7 đơn vị có học sinh thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn huyện.
Vĩnh Long cũng tổ chức thi/kiểm tra thử để học sinh làm quen với quy trình tổ chức thi, phát hiện lỗ hổng kiến thức của học sinh để bổ trợ kịp thời. Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn các trường và trung tâm tổ chức ôn tập hiệu quả, ghi nhận cống hiến, nỗ lực của thầy cô để khen thưởng, động viên, khích lệ cá nhân tích cực và đơn vị tổ chức ôn tập hiệu quả cao” – ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.
Liên kết trường để tăng hiệu quả ôn tập
Thông tin từ ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã quán triệt đến các trường THPT về công tác tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh khối 12 thi tốt nghiệp THPT. Các trường THPT đã và đang tích cực triển khai những hướng dẫn ôn tập của sở phù hợp với tình hình thực tế. Từ tổ chức dạy học với nội dung bảo đảm trọng tâm, nâng cao chất lượng học tập để có kết quả học tập lớp 12 tốt, kiểm tra, đánh giá chính xác để nắm bắt năng lực của từng học sinh với từng bộ môn.
Qua đó, có kế hoạch ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng học sinh. Các trường đồng thời nghiên cứu, biên soạn và tổ chức thi thử theo định dạng đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT của Bộ nhằm giúp học sinh làm quen với hình thức tổ chức, thời gian thi và mức độ, nội dung đề thi.
“Sở GD&ĐT đặc biệt lưu ý các trường, phải đánh giá đúng học sinh, từ có có kế hoạch ôn tập, phụ đạo phù hợp, hiệu quả. Gắn trách nhiệm phụ đạo cho học sinh yếu, kém với giáo viên bộ môn. Nhà trường được yêu cầu tổ chức sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu đề tham khảo của Bộ; từ đó tự biên soạn đề tương ứng để sở tổng hợp, thẩm định và có kế hoạch để các nhà trường sử dụng đồng bộ trên toàn tỉnh.
Điểm nhấn của Đắk Lắk là đẩy mạnh hoạt động chuyên môn thông qua cụm chuyên môn; triển khai hình thức trường giúp trường (nhất là các trường vùng sâu, vùng khó khăn cần được hỗ trợ). Phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán (đồng nghiệp hỗ trợ nhau) trong tổ chức chức ôn tập cho học sinh, liên kết các trường THPT trong cùng một địa phương để ôn tập. Đây là cách làm được địa phương triển khai rất hiệu quả” – ông Đỗ Tường Hiệp cho biết.
Để công tác tổ chức ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt kết quả tốt, theo ông Đỗ Tường Hiệp, các trường phải thực hiện tốt nội dung mà sở đã chỉ đạo, triển khai ngay từ đầu năm học. Phải huy động sự tham gia của gia đình, nhà trường và học sinh trong việc theo dõi, đôn đốc, tổ chức ôn tập cho học sinh. Phát huy vai trò, hỗ trợ, động viên kịp thời và gắn trách nhiệm của giáo viên bộ môn trong việc theo dõi, hỗ trợ kiến thức cho từng học sinh, nhất là em yếu kém. Hoạt động ôn tập trực tuyến cũng cần được đẩy mạnh.
Biên soạn tài liệu ôn thi tốt nghiệp
Từ năm 2020, Sở GD&ĐT Phú Thọ chủ trì phát hành bộ tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT. Tham gia biên soạn là thầy cô có trình độ chuyên môn vững vàng, chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, ra đề thi. Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho hay: Bộ tài liệu gồm 3 quyển. Quyển 1 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Quyển 2 gồm các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học (dành cho học sinh thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên). Quyển 3 gồm các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân (dành cho học sinh thi bài tổ hợp Khoa học xã hội).
Tài liệu tập trung phân tích cấu trúc đề tham khảo; nhận xét, đánh giá chi tiết về đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT; hướng dẫn giải đề thi nhanh và bằng nhiều cách; gợi ý ôn tập ở mỗi nội dung, đơn vị kiến thức. Cuối mỗi phần của các môn thi có đề luyện tập được xây dựng theo định hướng thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để học sinh tự ôn tập. “Thực tế năm 2020 cho thấy, bộ tài liệu đã hỗ trợ học sinh, giáo viên hiệu quả trong công tác ôn tập” – ông Phùng Quốc Lập thông tin.
Cùng cách làm riêng nói trên, ông Phùng Quốc Lập trao đổi: Sở GD&ĐT Phú Thọ đã chỉ đạo các trường thường xuyên cập nhật văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, sở về Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tổ chức học tập quy chế thi tốt nghiệp THPT, quán triệt, tuyên truyền về những điểm mới, quan trọng để giáo viên, học sinh, phụ huynh biết, thực hiện. Chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn nghiên cứu, thảo luận đề tham khảo/minh họa do Bộ GD&ĐT công bố; làm rõ cấu trúc, tỷ lệ phần trăm, mức độ yêu cầu của từng nội dung, đơn vị kiến thức trong chương trình; xây dựng ma trận đề tham khảo và kế hoạch dạy ôn tập cho học sinh phù hợp với điều kiện thực tế.
Các trường cũng được yêu cầu tăng cường công tác quản lý dạy học chính khóa và dạy ôn tập, đảm bảo kỷ cương, nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Tổ chức dạy ôn thi tốt nghiệp THPT phân hóa, phù hợp với từng đối tượng. Chú ý quan tâm đối tượng học sinh yếu, kém; xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung ôn tập phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh. Phân công giáo viên phụ trách từng nhóm học sinh, thường xuyên phối hợp với phụ huynh theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ học sinh trong quá trình ôn tập.