Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, việc phát hiện và giải tỏa cảm xúc cho HS trong thời điểm nhạy cảm này là điều cha mẹ, thầy cô cần quan tâm.
Những vấn đề gặp phải
PGS nhận diện như thế nào về những vấn đề tâm lý HS có thể gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh như năm nay, nhất là đối tượng HS cuối cấp, HS thuộc diện phải cách ly vì Covid-19?
- Việc phải tạm dừng đến trường trong bối cảnh dịch bệnh dẫn đến sự gián đoạn đột ngột lịch sinh hoạt, làm HS mất đi các tiếp cận xã hội với bạn bè, các thú vui ngoài trời như thông lệ. Nhiều em chịu ảnh hưởng tâm lý do chứng kiến cãi vã hoặc bạo lực trong gia đình do áp lực kinh tế và nguy cơ nhiễm virus khi cha mẹ đi làm.
Với HS cuối cấp, giãn cách đúng giai đoạn ôn thi khiến áp lực kỳ thi dường như nhiều hơn, kỳ thi trở nên bất định và không ai biết sẽ có những thay đổi gì vào phút chót.
Tất cả những áp lực này diễn ra trong thời gian dài đẩy các em rơi vào giai đoạn kiệt sức. Lúc này, cơ thể và não bộ trở nên kiệt quệ với các biểu hiện rối loạn nội tiết, hệ thống limpho, giảm sức đề kháng, mất năng lượng, mệt mỏi, lo lắng, trầm nhược. Đó là thời điểm các em rơi vào trầm cảm, xuất hiện những hành động tự gây hại thậm chí có suy nghĩ tự tử.
- Theo như nhận định ở trên, nếu không có sự quan tâm kịp thời thì vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra. Vậy làm thế nào để nhận diện được vấn đề HS gặp phải để có sự đồng hành, giúp đỡ kịp thời?
- Chúng ta có thể nhận ra các biểu hiện tổn thương sức khỏe tâm thần của các em thông qua những hành vi, cảm xúc, nhận thức hàng ngày.
Hành vi ứng xử của cá nhân bỗng trở nên dễ cáu gắt, giận dữ, mất tính kiên trì, thay đổi lịch ăn ngủ (cuồng ăn; thèm ăn; ngủ vô độ), cùn mòn cảm xúc (trở nên trơ/ thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh). Có em thu mình lại, né tránh các tiếp xúc xã hội, trở nên lo lắng quá mức khi bị chia tách với người thân, sử dụng các chất kích thích và các hoạt động chức năng (như học tập) bị giảm sút nặng nề.
Về cảm xúc, quá nhiều stress kéo dài dẫn đến cảm xúc đau khổ, sợ hãi, ám ảnh, lo lắng về mọi thứ; thậm chí cảm thấy tê liệt mọi cảm giác, mất hứng thú với mọi điều trước đây mình vẫn thích.
Về nhận thức, trí nhớ ngắn hạn của các em giảm sút, đọc trước quên sau. Não bộ bị ức chế dẫn đến việc không biết cân nhắc ra quyết định giải quyết tối ưu. Xuất hiện những suy nghĩ, dự báo về các sự kiện tương lai rất tiêu cực.
Trong trạng thái như vậy, sẽ xuất hiện nhiều niềm tin sai lệch mang tính chất trầm trọng hóa vấn đề về kỳ thi làm tăng thêm áp lực, rối loạn tâm lý. Những suy nghĩ xuất hiện như “thời điểm này mà còn muốn nghỉ ngơi thư giãn thì thật xấu hổ”; “vẫn ngủ 6 giờ/ngày thì sẽ thi trượt thôi”, hay “mọi người sẽ coi thường mình nếu kết quả không như kỳ vọng”, “nếu ngay cả kỳ thi này cũng chẳng thể vượt qua thì mình là kẻ vô dụng…”.
Thực tế, bản thân kỳ thi vốn không quá căng thẳng như thế. Một chút áp lực của kỳ thi là điều tốt để tạo động lực cho các em thức dậy sớm mỗi ngày tập trung ôn bài. Còn điều làm HS lo lắng, stress quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và kết quả thi là do những suy nghĩ, diễn giải thảm họa hóa vấn đề như trên. Chỉ ra, loại bỏ những niềm tin không chính xác này cũng là một cách giải tỏa tâm lý hiệu quả cho HS trước mỗi mùa thi rồi.
Trong bối cảnh đó, cha mẹ, thầy cô cần chứng minh cho các em thấy, việc nghỉ ngơi phù hợp giúp não bộ được thư giãn giúp chúng ta học được nhanh hơn. Việc duy trì giấc ngủ sâu đầy đủ khiến bộ não tái tạo năng lượng giúp chúng ta tập trung hơn, ghi nhớ lâu hơn, tư duy sắc bén hơn. Dành thời gian cho các hoạt động vận động giúp tăng cường endorphins, từ đó cải thiện tâm trạng để hào hứng hơn khi học.
Cha mẹ cũng cần chia sẻ với con quan điểm: Nếu không đạt kết quả như kỳ vọng, hãy chứng minh cho mọi người thấy con đã cố gắng hết sức. Cuộc đời chúng ta có rất nhiều kỳ thi và kết quả của một kỳ thi không thể phản ánh giá trị của con người.
Cha mẹ - người đồng hành quan trọng nhất
- Sau khi nhận diện được vấn đề, giải pháp giúp HS vượt qua là gì?
- Có lẽ cha mẹ là người đồng hành quan trọng nhất bên các con trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh lo lắng cụ thể về kỳ thi, cha mẹ cũng cần bảo vệ sức khỏe tâm lý của con với nhiều chiến lược cụ thể như sau:
Bảo vệ con khỏi việc tiếp xúc quá nhiều với những thông tin làm tăng lo lắng (như cập nhật hàng ngày về người nhiễm bệnh mới, tỉ lệ chọi vào các trường…) tại thời điểm này.
Giúp con hình thành, thích ứng với lịch trình ôn thi trong giãn cách một cách nhất quán. Khi không biết được chuyện gì sẽ thay đổi hoặc diễn ra tiếp theo, thực hiện theo thói quen, lịch trình vạch sẵn sẽ làm giảm lo âu và giảm cảm giác bất định.
Tận dụng cơ hội để dạy con về cảm xúc, bày tỏ cảm xúc. Dạy cho con gọi tên các cảm xúc. Việc hiểu, nói được ra cảm xúc của mình với người thân cũng là cách làm giảm những khó chịu, lo lắng hàng ngày.
Cùng con luyện tập kỹ năng kiểm soát cảm xúc, như hít thở sâu (hít vào trong 3 giây, giữ yên trong 3 giây, thở ra trong 3 giây) để đối phó với lo âu bất ngờ. Hoặc đem sự chú ý của con về thời điểm hiện tại thông qua 5 giác quan bằng cách kể tên 5 đồ vật con nhìn thấy trong phòng, 4 vật có thể cảm nhận qua động chạm, 3 âm thanh nghe được tại thời điểm này để định hướng tập trung chú ý của bản thân.
Gia đình có thể cùng thực hiện hộp ứng phó với căng thẳng. Hộp công cụ được đặt tại vị trí ai cũng có thể tiếp cận, trong đó chứa các mảnh giấy ghi cách thức khả thi để giải tỏa căng thẳng, tức giận. Khi một thành viên có cảm xúc khó chịu sẽ được yêu cầu rút thăm một phương án giải tỏa. Có thể là ôm thú nhồi bông, chơi trò tìm từ, về góc trấn tĩnh, thực hiện một tư thế yoga hoặc bóp vặn quả bóng stress...
Còn về kỳ thi, thời gian này cha mẹ hãy giúp con hướng tới với sự tự tin. Giúp con hình dung lại những thời điểm học ôn tốt nhất; những chiến lược, hình thức ôn tập hiệu quả (ví dụ: Kết hợp tự ôn tập cá nhân; sau đó tổng ôn tập online với nhóm bạn). Cùng con xây dựng sơ đồ hóa kiến thức giúp khắc sâu, tái hiện kiến thức tốt hơn (như mindmap, sơ đồ cây, sơ đồ sứa, sơ đồ xương cá...); bài học từ thành công trong những bài kiểm tra thử để con tự tin, tiếp tục áp dụng.
- Xin cảm ơn PGS!