Ôn thi tốt nghiệp, tập trung phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu

GD&TĐ - Sau khi có kết quả cuộc thi khảo sát, nhà trường đã lọc những học sinh yếu, nguy cơ trượt tốt nghiệp để tập trung phụ đạo miễn phí cho các em.

Thầy và trò Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) trong giờ ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: TL.
Thầy và trò Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) trong giờ ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: TL.

Sau khi thi khảo sát theo kế hoạch của Sở GD&ĐT, Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) phân loại học sinh để tổ chức ôn thi tốt nghiệp, đặc biệt nhà trường chú trọng đến việc phụ đạo miễn phí cho những em có học lực yếu, kém.

Quản lý chặt chẽ để ôn thi cho học trò

Để đạt được tỷ lệ học sinh (HS) đậu tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học cao, nhà trường xác định công tác ôn tập cho HS khối 12 là một giải pháp quan trọng. Phấn đấu giảm tỷ lệ HS có học lực yếu kém, để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Thầy Hoàng Khắc Hạnh – Phó hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh cho biết, để phấn đấu có HS đạt từ 27 điểm trở lên, trong quá trình ôn tập nếu giáo viên (GV) bộ môn xét thấy HS có học lực khá trở lên, có tổ hợp 3 môn xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên, thì giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lập danh sách, để tổ chuyên môn phân công người bồi dưỡng miễn phí.

Bên cạnh đó, nếu HS yếu về học lực, thiếu nghị lực phấn đấu, thái độ, ý thức học tập chưa tốt, thì GVCN lập danh sách, để nhà trường phân công mỗi GV hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất 1 HS (hỗ trợ về mặt tâm lý, phương pháp học tập), để các em hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cũng theo thầy Hạnh, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp cho HS rất cụ thể, chi tiết. Theo đó, đối với môn tổ hợp KHTN, tổ hợp KHXH mà HS đăng ký dự thi chủ yếu để xét TN, thì nhà trường tổ chức ôn tập theo nguyện vọng đăng ký.

Cô và trò Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) tập trung ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: TL.

Cô và trò Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) tập trung ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: TL.

“Ban giám hiệu nhà trường thống nhất phương án phân công mỗi GV hỗ trợ ít nhất 1 HS có học lực yếu, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ các em hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, GV hướng dẫn các giải pháp ôn tập, kỹ năng làm bài thi, tư vấn về tâm lý trước khi bước vào kỳ thi, tư vấn thực hiện quy chế thi, các quy định... đề xuất điều kiện ăn, ở nếu cần thiết”, thầy Hoàng Khắc Hạnh thông tin.

Thời gian ôn tập vào các buổi chiều trong tuần kể từ 19/9/2022 đến hết 25/6/2023, với thời lượng mỗi tuần 3 tiết cho mỗi môn thành phần, tổng số là 120 tiết/lớp/năm/mỗi môn thành phần. Đặc biệt, khi kết thúc năm học lịch ôn tập vẫn tiếp tục duy trì và sẽ được điều chỉnh thực hiện sang các buổi sáng trong ngày.

“Từ ngày 20/3/2023, nhà trường tổ chức phụ đạo, kèm cặp cho HS có học lực yếu, kém. Khi HS có kết quả thi khảo sát chất lượng các môn thi tốt nghiệp THPT (lần 1), mà có điểm từ 3 điểm trở xuống, có nguy cơ bị điểm liệt trong kỳ thi TN THPT sắp tới, thì bắt buộc phải được tăng cường phụ đạo thêm ngoài những buổi ôn tập theo lịch.

Các thầy, cô giáo sẽ tập trung phụ đạo cho những HS này theo hình thức miễn phí. Đồng thời, GV bộ môn dạy trực tiếp theo dõi, kèm cặp và giúp đỡ HS trong giờ học chính khóa, học thêm”, thầy Hạnh thông tin.

Đối với công tác phụ đạo cho HS yếu, kém nhà trường giao cho và GVCN và GV bộ môn phải kèm cặp, giúp đỡ HS, thì nhà trường tổ chức phụ đạo vào ca 2 các buổi chiều. Theo đó, các môn Lịch sử, Địa lý và GDCD, tổ chức ôn tập từ 16h15’ đến 17h15’, mỗi môn 2 tiết/tuần.

Cô giáo Trịnh Thị Lương, Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) và học sinh trong giờ ôn thi môn Giáo dục công dân. Ảnh: TL.

Cô giáo Trịnh Thị Lương, Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) và học sinh trong giờ ôn thi môn Giáo dục công dân. Ảnh: TL.

Tổ chức phụ đạo trong ký túc xá nhà trường đối với các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, thì ôn tập từ 19h30’ đến 21h30’ hằng ngày. Giáo viên dạy phụ đạo phải cập nhật sổ ghi đầu bài, phải có sổ theo dõi và đánh giá HS.

Các GV trực tiếp đứng lớp cũng dạy miễn phí cho HS để tập trung củng cố kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm bài, giúp các em có kết quả môn học khi dự thi tối thiểu không bị điểm liệt. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức cho HS học theo nhóm tại các phòng học của trường dưới sự hướng dẫn, quản lí của GV bộ môn.

Hỗ trợ tối đa cho học sinh ôn thi

Mặc dù là ngôi trường ở vùng cao, biên giới xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, nhưng thầy và trò Trường THPT Mường Lát luôn nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong dạy và học để đạt được kết quả cao.

Thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhằm giúp học trò vượt qua được kỳ thi quan trọng sắp tới, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn thi cho các em thành 3 đợt, gồm: Đợt 1, từ ngày 3/10/2022 đến 6/1/2023 (12 tuần); đợt 2, từ ngày 6/2/2023 đến 17/5/2023 (12 tuần) và đợt 3, từ ngày 22/5/2023 đến 23/6/2023 (4 tuần).

“Trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho HS ôn thi tốt nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu GV khối 12 có các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022-2023 tăng cường công tác giảng dạy có chất lượng, quan tâm đến từng cá nhân HS trong lớp. Qua đó, nắm rõ về khả năng của từng em, để có kế hoạch điều chỉnh.

Sau mỗi phần ôn luyện, GV phải xây dựng đề thi thử nhiều lần theo khung hướng dẫn của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 – 2022, làm căn cứ xây dựng đề năm 2023 cho HS làm để đánh giá kết quả ôn luyện”, thầy Văn cho hay.

Giờ ôn tập môn tiếng Anh của thầy và trò Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Giờ ôn tập môn tiếng Anh của thầy và trò Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Cũng theo thầy Văn, do đặc thù của nhà trường có nhiều HS ở tại Làng học sinh và ở trọ nhà dân nhiều, nên cùng với việc quản lý HS, tổ chức ôn thi cho các em có hiệu quả, nhà trường cũng yêu cầu GVCN có trách nhiệm quán triệt, vận động HS tham gia ôn tập đảm bảo sĩ số, ý thức nghiêm túc trong học tập. Có biện pháp xử lí kịp thời đối với những HS không thực hiện yêu cầu của nhà trường trong việc ôn tập.

Đồng thời, thông báo cho gia đình HS biết kế hoạch ôn tập của nhà trường, yêu cầu gia đình phải trực tiếp cùng tham gia việc vận động, giám sát HS ôn tập, đặc biệt quan tâm tới HS ở tại Làng học sinh, Ký túc xá, tại các nhà trọ và các em ở xa. Thông tin thường xuyên tình hình tham gia ôn tập của các em cho phụ huynh nắm bắt. Nhà trường cũng đề nghị Hội cha mẹ học sinh và gia đình các em có trách nhiệm cùng với nhà trường nhắc nhở, động viên, giám sát việc học ôn của HS.

"Năm học 2021-2022, Trường THPT Lang Chánh có 336 thí sinh dự thi. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100% (tăng 0.27% so với năm học trước; cao hơn 1.54% so với tỉ lệ chung toàn tỉnh và cao hơn 1.43% so với cả nước); vượt chỉ tiêu đề ra.

Có 112 lượt HS có điểm thi đạt từ 9.0 trở lên, trong đó có 1 học sinh đạt điểm 10 (môn GDCD); có 10 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên/3 môn tổ hợp xét tuyển Đại học. Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT là 6.19 (cao hơn năm học trước 0.35 điểm). Xếp thứ 61/88 trường THPT, THCS-THPT và tăng 16 bậc so với năm học trước", thầy Hoàng Khắc Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.