Để giúp học sinh (HS) “vượt vũ môn” đạt kết quả cao, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa đã lên kế hoạch ôn thi cho các em khá kỹ càng, nhưng không tạo áp lực cho HS, mà rất linh hoạt.
Có nguyên tắc nhưng không tạo áp lực
Thầy Phạm Anh Toàn – Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa cho hay, công tác ôn tập cho HS khối 12 để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, là việc làm thường xuyên của mỗi năm học. Do đó, vào thời điểm đầu học kỳ 2, Ban giám hiệu nhà trường đề nghị đội ngũ giáo viên (GV) toàn trường cùng chung tay để làm tốt công tác này.
Theo đó, nhà trường sẽ khảo sát năng lực của HS rồi phân chia thành các nhóm lớp, ví dụ: nhóm 8+ là những em có thể đạt điểm 8 trở lên. Còn nhóm 2-, là có thể ở mức dưới 2 điểm, khả năng bị điểm liệt.
“Tổ chuyên môn sẽ phân công GV phù hợp với từng lớp. Thành lập nhóm “đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ các bạn trong tuần. Đến cuối tuần sinh hoạt, thì sẽ nhận xét góp ý cho các bạn xem có tiến bộ không để biết cách hỗ trợ và phụ đạo cho phù hợp. Bên cạnh đó, qua các kỳ thi khảo sát, nhà trường sẽ phân tích số liệu từng kỳ thi đó, xem HS của mình còn thiếu ở mảng nào”, thầy Toàn cho biết.
Cùng đó, nhà trường chú trọng đến công tác tư vấn, vì nhiều em đang còn mông lung giữa ngành này với ngành khác, bởi thông qua số liệu các kỳ thi khảo sát, sẽ phản ảnh được vấn đề. Từ đó, các thầy, cô giáo sẽ tư vấn rất sát với khả năng của HS để định hướng cho HS kịp thời.
“Ban giám hiệu nhà trường cũng giao chỉ tiêu đến tổ bộ môn, tổ giao đến từng GV rồi GV lại giao chỉ tiêu đến HS. Ví dụ, môn Văn đợt thi này bạn A được 6 điểm, thì kỳ thi khảo sát tới phải phấn đấu lên được 7 điểm và tổng điểm bình quân của bạn ấy qua đợt thi sau phải tăng lên.
Bên cạnh đó, để động viên, khích lệ tinh thần học tập của HS, nhà trường có quy định là: Sau mỗi kỳ thi khảo sát, hay ôn tập, nhà trường sẽ tổ chức tuyên dương những em đạt điểm cao và những HS có sự tiến bộ trong kỳ thi khảo sát đó . Đến cuối năm, nhà trường sẽ khen thưởng cho từng bộ môn và GV đạt kết quả cao”, thầy Toàn chia sẻ.
Cũng theo Hiệu trưởng Phạm Anh Toàn, Ban giám hiệu nhà trường phân công các thành viên tham dự buổi sinh hoạt cuối tuần với các lớp 12, để làm tốt công tác tư tưởng cho HS, cũng như công tác định hướng nghề nghiệp.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhạn và học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa trong giờ ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: TL. |
Ngoài ra, nhà trường tổ chức cho HS khối 12 tham gia các kỳ thi thử đánh giá năng lực do các trường Đại học thực hiện. Tổ chức giao lưu cụm trường, tạo điều kiện cho HS tham gia thi IELTS để sau này các em dùng chứng chỉ ấy xét vào các trường ĐH tốp đầu cả nước.
"Kết quả năm kỳ thi tốt nghiệp năm 2022-2023, nhà trường đứng thứ 4 toàn tỉnh về giáo dục đại trà. Có 3 HS của nhà trường đạt danh hiệu thủ khoa đại học.
Năm nay, nhà trường có 181 HS khối 12 sẽ dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 71 HS đăng ký dự thi Tổ hợp Khoa học Tự nhiên và 110 em đăng ký thi Tổ hợp Khoa học xã hội", thầy Phạm Anh Toàn- Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa.
Khi kết thúc năm học (cuối tháng 5), nhà trường vẫn phát động thi đua. Những tập thể lớp nào dẫn đầu thi đua, sẽ được thưởng bằng cách hỗ trợ xe cho chuyến tham quan du lịch tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ..., nhằm động viên khuyến khích các em.
Giai đoạn tăng tốc là có sự phối hợp đồng bộ tất cả các bộ phận trong nhà trường, từ quản lý HS, đến tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn, nhà ăn....Nhà trường tính toán và bố trí khung giờ nhịp sinh học của HS thật hợp lý, tránh tình trạng các em học quá khuya, ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Nhà trường quy định, HS chỉ học đến trước 23h30’ là nghỉ. Phải có thời gian dành cho giấc ngủ, để đảm bảo sức khỏe vào buổi sáng ngày mai lên lớp. Bên cạnh ôn tập các môn thi ĐH, nhà trường cũng tập trung vào các môn thi tốt nghiệp, để làm sao có sự phát triển đồng đều cho HS, tránh tình trạng học lệch”, thầy Toàn nói.
Phân nhóm học sinh để ôn thi hiệu quả
Do đặc thù của Trường THPT Quan Sơn là ở huyện vùng cao, biên giới, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc học tập của HS. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho HS nắm vững kiến thức, chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường đã thông tin đến phụ huynh HS biết kết quả khảo sát, để phối hợp trong việc quan tâm, đầu tư (máy tính cầm tay…), động viên các em học tập.
Cô giáo và học trò Trường THPT Quan Sơn trong giờ ôn thi. Ảnh: TL. |
Thầy Nguyễn Trọng Năm – Phó hiệu trưởng (phụ trách chuyên môn) nhà trường cho hay, để ôn tập tốt cho HS thi tốt nghiệp THPT, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể và thật chi tiết. Theo đó, yêu cầu GV chủ nhiệm lớp 12 phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý HS đi học. Yêu cầu HS đi học đầy đủ cả học chính, học thêm và học ôn sau khi kết thúc năm học.
“Trong thời gian tổ chức ôn tập cho HS, Ban giám hiệu yêu cầu GV chuẩn bị tốt hơn nội dung ôn tập, như: Biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập. Hướng dẫn, gợi ý trả lời, đáp án theo hướng dẫn của các môn học. Việc chuẩn bị nội dung ôn tập phù hợp với phương pháp ôn tập.
Sử dụng bộ đề của các trường qua Sở GD&ĐT để lựa chọn lấy các câu đầu dễ ôn tập, mà không photo toàn bộ đề, nhằm tiết kiệm kinh phí cho HS và nhà trường.
Cuối năm học sẽ sớm chia lại các lớp theo năng lực để dễ dạy và học hơn. Điều chỉnh lại phân công giảng dạy và GV chủ nhiệm, sao cho các thầy cô tốt nhất đứng lớp ôn thi tốt nghiệp THPT. Động viên HS phải có máy tính cầm tay, atlat địa lý để học và ôn thi tốt nghiệp”, thầy Năm thông tin.
Cũng theo thầy Năm, kinh nghiệm ôn thi của đội ngũ GV nhà trường là, chủ động giải nhiều đề và tập trung vào các câu nhận biết, thông hiểu. Có thể tổ chức học nhóm đối với những HS ở gần nhà, HS ở khu bán trú nhà trường.
Bên cạnh đó, thông qua nhóm Zalo, gồm: GV chủ nhiệm, GV bộ môn và HS để các em có thể đưa ra những câu hỏi, chụp ảnh những câu trong đề chưa làm được lên nhóm, nhờ các bạn hoặc GV bộ môn hướng dẫn giải.
Giờ ôn tập của học sinh Trường THPT Quan Sơn. Ảnh: TL. |
Giáo viên chủ nhiệm thông qua kết quả thi và nhận xét của GV bộ môn để đề nghị phụ huynh mua máy tính cho HS. Đối với các môn tự nhiên trong giảng dạy, thì GV dạy bấm máy tính để thực hiện được những câu hỏi có trong đề thi, giúp nâng cao điểm thi.
“Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phân loại HS để có phương án hỗ trợ những em có học lực yếu, có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Những HS có nguyện vọng xét Đại học, Cao đẳng, thì GV bộ môn sẽ tăng số buổi ôn riêng, có phương pháp, luyện đề riêng, có số câu hỏi nhiều hơn và làm cả phần vận dụng thấp. Sau khi có kết quả thi khảo sát, từng nhóm tổ chức họp lại và có kế hoạch điều chỉnh giảng dạy của bộ môn”, thầy Năm cho biết thêm.
Ngoài những cách thức tập trung ôn thi nêu trên, Ban giám hiệu Trường THPT Quan Sơn cũng yêu cầu các tổ, nhóm thường xuyên trao đổi, có sự nhận xét về tiến bộ của HS, phân loại HS. Phối hợp với GV chủ nhiệm, chuyên môn nhà trường trong việc phân loại, sau đó tổ chức phân chia lại lớp để có phương pháp ôn thi phù hợp, đạt kết quả cao.
“Nhóm trưởng là người phải chủ động trong việc tổng hợp đề thi thử của các trường, kiểm tra giáo án giảng dạy, ngân hàng câu hỏi theo chuyên đề và các đề luyện thi. Thống kê số HS yếu, kém đối với môn học do mình giảng dạy để có biện pháp phụ đạo phù hợp. Đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả chất lượng bộ môn”, thầy Năm thông tin thêm.
"Đối với giai đoạn ôn thi tăng tốc, chuẩn bị kết thúc năm học (sau ngày 30/4 trở đi), nhà trường sẽ tăng cường ôn tập vào các buổi chiều. Trong thời gian kết thúc năm học, nhà trường sẽ làm việc với phụ huynh, thống nhất cho các em ôn tập tại trường đến khi các em đi thi luôn, chứ không cho các em về nhà nữa. Bởi vì, khi HS ở lại trường tham gia ôn thi tập trung, sẽ tập trung cao độ cho kỳ thi đó và không bị phân tán tư tưởng", thầy Phạm Anh Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa.