Ôn tập thi tốt nghiệp Trung học phổ thông: Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

GD&TĐ - Để nắm vững kiến thức cơ bản, học sinh cần ôn tập thường xuyên, trên lớp học đến đâu về nhà ôn luyện tới đó, không để tình trạng “nước tới chân mới nhảy”.

Cô trò Trường trung học phổ thông Minh Châu, Hưng Yên tận dụng thời gian "vàng" học trực tiếp.
Cô trò Trường trung học phổ thông Minh Châu, Hưng Yên tận dụng thời gian "vàng" học trực tiếp.

Chia sẻ với học sinh những nội dung cần lưu ý trước kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô Lê Thị Quyên, giáo viên Trường trung học phổ thông Minh Châu (Hưng Yên) nhấn mạnh đầu tiên là việc nắm vững kiến thức cơ bản. Theo đó, bám sát kiến thức chương trình, sách giáo khoa, sau đó mới mở rộng và nâng cao; vì các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp về cơ bản thuộc kiến thức trong sách giáo khoa.

Để nắm vững kiến thức cơ bản học sinh phải ôn thường xuyên, trên lớp học đến đâu về nhà ôn luyện tới đó, không để tình trạng “nước tới chân mới nhảy”. Cần hệ thống hóa kiến thức theo từng môn, từng chương, từng bài, đi từ đơn vị kiến thức lớn, đến đơn vị kiến thức nhỏ hơn.

Có nhiều cách hệ thống hóa kiến thức cơ bản khác nhau, trong đó phải kể đến sơ đồ tư duy (vì chủ yếu thi trắc nghiệm nên lập sơ đồ tư duy theo các từ khóa sẽ giúp học sinh ôn tập nhanh và hiệu quả hơn)

Trong quá trình ôn tập, học sinh phải nắm vững được cấu trúc đề, các nội dung kiến thức trọng tâm. Ngoài ôn tập luyện đề bám sát theo cấu trúc đề minh họa, cần ôn tập mở rộng, đa dạng các bài tập, hình thức nhằm rèn luyện kĩ năng làm bài.

Đối với các phần tinh giản theo công văn 4040 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh không ôn kĩ nhưng cũng không hoàn toàn bỏ qua. Lí do cô Quyên đưa ra là  có thể không có những câu hỏi trực tiếp vào phần đó, nhưng liên quan đến các câu hỏi vận dụng ở phần khác, vì cùng nằm trong một hệ thống kiến thức.

Tăng hiệu quả ôn tập, theo cô Lê Thị Quyên, học sinh cần chú ý nghe giảng,  thường xuyên tương tác với giáo viên; đặc biệt với các giờ học trực tuyến hãy thường xuyên bật camera để học tập trung hơn. Nội dung nào chưa hiểu có thể hỏi lại giáo viên ngay trong lớp, hoặc nhắn tin gọi điện riêng để được giải đáp kịp thời, các thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Trong điều kiện dịch bệnh, việc tự học càng quan trọng hơn. Khẳng định điều này, cô Lê Thị Quyên cho rằng, ngoài thời gian học theo thời khóa biểu cùng thầy cô, học sinh phải dành nhiều thời gian tự học, tự luyện, ôn tập lại những kiến thức cơ bản, làm bài tập đầy đủ. Ngoài ra, học sinh tìm thêm hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau để tự luyện thêm.

Học nhóm với bạn bè cũng là cách học hiệu quả. Dịch bệnh phức tạp, học sinh có thể trao đổi nhóm qua Internet như trong lớp học Teams, Meet, Zoom, Zalo, Messenger, … Khi học nhóm, học sinh giảng lại bài cho nhau nghe, trao đổi với nhau về các phần lý thuyết chưa hiểu hoặc những bài tập khó chưa giải quyết được, qua đó củng cố được kiến thức và rèn năng lực làm việc nhóm.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Bên cạnh lưu ý sử dụng hiệu quả và khai thác triệt để các phương tiện, tài liệu học tập trực tuyến, cô Quyên nhắn nhủ học sinh nên xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng: theo tháng, theo tuần, theo buổi để sắp xếp việc học khoa học, tránh chồng chéo.

Không thức quá khuya, hoặc lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê... , ngủ đủ giấc (7-8 tiếng /ngày). Trước khi ngủ nên hệ thống lại kiến thức đã ôn trong ngày. Buổi sáng nên dậy sớm một chút vừa để chuẩn bị cho một ngày mới, vừa tranh thủ ôn bài, sẽ hiệu quả cho những môn học lý thuyết. Có thời gian giải trí hợp lý để giảm stress

Học sinh cũng cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, nhất là thông điệp 5K để không trở thành F0, F1. Việc phải cách ly sẽ ảnh hưởng đến tâm lí và thời gian học tập, nhất là khi thời gian gần thi cận kề càng phải giữa gìn để không bỏ lỡ kì thi chính thức. Cần ăn uống đủ chất, ăn các thức ăn lành mạnh bảo đảm dinh dưỡng cho cơ thể, tránh các thức ăn lạ, hoặc sử dụng các chất kích thích; thường xuyên tập thể dục để rèn luyện sức khỏe.

Về tâm lý, cô Lê Thị Quyên cho rằng, học sinh cần chuẩn bị tâm lí tốt hơn cho kì thi, như suy nghĩ tích cực, xem kỳ thi như một cơ hội để thể hiện khả năng của bản thân; không quá lo lắng, tránh xa những chỉ trích, than vãn, những lo sợ về đề khó, bài nhiều...

Có thể tập thư giãn bằng cách hít thở sâu, tắm nước nóng...; tự nói hoặc tự nhủ với bản thân những điều tích cực có thể giúp cải thiện tâm lí mỗi khi trí não có suy nghĩ lo lắng như "mình đã học hết bài", “mình đã học hết mình”, “mình đã có gắng hết sức”, "mình sẽ thi tốt"...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.