Những lưu ý quan trọng khi ôn tập thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Vật lí

GD&TĐ - Để ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn Vật lí hiệu quả, cô Phạm Thị Minh Nguyệt, Trường THPT Ban Mai-Hà Đông (Hà Nội), lưu ý học snh cần có thái độ học tập chủ động, có kế hoạch, lộ trình học tập hiệu quả.

Cô Phạm Thị Minh Nguyệt, Trường THPT Ban Mai-Hà Đông (Hà Nội).
Cô Phạm Thị Minh Nguyệt, Trường THPT Ban Mai-Hà Đông (Hà Nội).

Xây dựng kế hoạch ôn tập

Cô Phạm Thị Minh Nguyệt cho rằng, học sinh cần căn cứ vào mục tiêu đã đặt ra để xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân.

Với mục tiêu xét tốt nghiệp, học sinh nên tập trung vào kiến thức cơ bản chương trình Vật lí lớp 12 - các dạng câu hỏi nhận biết và thông hiểu (nêu được định nghĩa, điều kiện xảy ra hiện tượng, các công thức tính toán, bài tập mức độ thông hiểu).

Mục tiêu xét tuyển đại học, học sinh cần nắm chắc bản chất, hiện tượng vật lí, nhuần nhuyễn các câu hỏi lý thuyết và bài tập ở mức độ cơ bản của chương trình vật lí sách giáo khoa lớp 11 và 12; từ đó luyện giải các bài tập ở cấp độ vận dụng, yêu cầu kĩ năng biến đổi công thức cần thành thạo, kĩ năng sử dụng máy tính bấm tay….

Sau khi xác định rõ mục tiêu, học sinh lên kế hoạch ôn tập. Trong đó lưu ý tóm tắt lại các kiến thức đã học và hệ thống các công thức đã học. Hoàn thành lại các phiếu bài tập trên lớp. Ở các mảng kiến thức mỗi chương, với các câu hỏi lý thuyết, học sinh cần đọc kĩ và phân tích để thấy được vấn đề của mỗi đáp án. Từ đó ghi lại vào sổ nội dung cần lưu ý. Với các câu hỏi bài tập, cần giải tự luận để khắc sâu công thức và nâng cao tư duy và các kĩ năng biến đổi và sử dụng máy tính bấm tay.

Luyện tập theo chuyên đề cũng được cô Nguyệt khuyên học sinh chú ý. Cụ thể, sau khi hoàn thành các phiếu bài tập, học sinh bổ sung các phiếu bài tập, trong quá trình luyện tập nếu kiến thức đã được học bị quên thì học sinh cần đọc lại tài liệu để củng cố kiến thức.

Cùng với đó là luyện tập đề tổng hợp: luyện đề năm trước đó để biết được các dạng câu hỏi, kiến thức trọng tâm trong đề thi và năng lực của cá nhân khi giải đề.     Song song với việc này, học ính có thể luyện đề thi thử của các trường để tăng tốc độ, và độ chính xác khi giải đề.

Thực hiện kế hoạch ôn tập.

Với hoạt động thực hiện kế hoạch ôn tập, cô Phạm Thị Minh Nguyệt nhắc nhở học sinh cần xác định thời gian học tập cho kế hoạch nội dung đã xây dựng cho phù hợp, thời gian học tập cho bộ môn trong một ngày.

Sau đó, xác định phương pháp học tập. Cụ thể, với kiến thức lí thuyết, tóm tắt dưới dạng sơ đồ, hoặc theo triển khai các ý, gạch chân các từ khóa quan trọng.

Với bài tập: Đọc kĩ đề và tóm tắt đề bài để xác định được dạng bài tập, công thức để định hướng được lời giải, chú ý đơn vị, biến đổi toán học cũng như sử dụng máy tính khi giải. Thời gian đầu có thể giải bài tập theo hướng tự luận để nắm rõ bản chất và vấn đề bài toán, sau khi nhuần nhuyễn thì hướng tới phương pháp giải nhanh.

Khi ôn tập, việc có không gian yên tĩnh là điểm cộng để tạo tâm thế thoải mái, sẵn sàng khi học và tập trung cao độ để mang lại hiệu quả cao. Học sinh không được quên giữ gìn sức khỏe; cân bằng việc học và rèn luyện sức khỏe mới có thể ôn tập có hiệu quả.

Xác định nội dung kiến thức ôn tập.

Chương trình vật lí 11: Điện tích - Điện trường. Dòng điện không đổi. Dòng điện trong các môi trường. Từ trường. Cảm ứng điện từ.

Chương trình vật lí 12: Dao động cơ. Sóng cơ và sóng âm. Dòng điện xoay chiều. Dao động và sóng điện từ. Sóng ánh sáng. Lượng tử ánh sáng. Hạt nhân và nguyên tử.

Chú ý những nội dung giảm tải đã được giảm tải trong các năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ