Quy trình 4 bước
Cô Nguyễn Thị Bích Dậu, giáo viên Trường trung học phổ thông Ban Mai-Hà Đông (Hà Nội) lưu ý, khi lập kế hoạch ôn thi, học sinh cần chú ý 4 bước như sau:
Bước 1: Xác định mục tiêu điểm số và lên kế hoạch học tập theo từng tuần.
Bước 2: Xác định nội dung ôn tập và thực hiện kế hoạch với chiến lược đã xây dựng. Dựa vào ma trận đề thi và đề thi tham khảo các năm gần đây để xác định nội dung ôn tập
Với học sinh có mục tiêu xét tốt nghiệp, nên tập trung vào dạng câu hỏi nhận biết, thông hiểu thường tập trung vào kiến thức lý thuyết cơ bản, cốt lõi trong sách giáo khoa thuộc các phần: Tiến hoá, Sinh thái, Ứng dụng di truyền học, Di truyền học người, Cơ sở và cơ chế di truyền và biến dị.
Với học sinh có mục tiêu xét đại học: ngoài ôn tập các nội dung lý thuyết cơ bản, học sinh cần luyện tập các dạng bài tập ở mức vận dụng thuộc phần phần cơ sở và cơ chế di truyền, biến dị; quy luật di truyền; phả hệ và lí thuyết sinh học 11 thuộc phần chuyển hoá vật chất - năng lượng ở thực vật và động vật.
Bước 3: Luyện tập theo từng chuyên đề. Trong quá trình luyện tập, câu hỏi rơi vào phần kiến thức đã quên hoặc không hiểu cần xem lại tài liệu bổ sung và lấp lỗ hổng. Các bạn cố gắng đặt mục tiêu thời gian để hoàn thành phiếu bài tập.
Bước 4: Luyện đề tổng hợp. Mỗi tuần học sinh chọn 1 đề thi các năm trước để xác định mức độ năng lực. Từ đó bản thân cũng biết cần bổ sung kiến thức gì, năng lực phù hợp với mức điểm và nên chọn trường khoảng điểm bao nhiêu.
Lưu ý phương pháp ôn tập
Đưa lời khuyên khi ôn tập lí thuyết, cô Nguyễn Thị Bích Dậu cho rằng học sinh nên ôn tập dưới dạng sơ đồ tư duy, hệ thống từ khoá cho từng chủ đề; chú thích bằng cách gạch chân các nội dung hay gây nhầm lẫn. Khi ghi chép lí thuyết nên dùng bút nhiều màu để đánh dấu và phân biệt các nội dung lí thuyết cần ôn tập.
Ví dụ: Màu đỏ, kiến thức tổng quát, từ khoá quan trọng (nên đóng khung); màu xanh: kiến thức cơ bản; màu tím: kiến thức hay sai, nhầm lẫn.
Bên cạnh đó, học sinh cần luyện tập trắc nghiệm lí thuyết thường xuyên.
Ôn tập bài tập, học sinh cần hệ thống các công thức và các phương pháp giải các dạng bài tập. Ghi nhớ các công thức theo logic hiểu, tự thiết lập, tránh học công thức máy móc. Có thể ghi công thức vào giấy nhớ nhiều màu, dán trên góc học tập dễ quan sát. Luyện tập bài tập từ dễ đến khó theo từng dạng bài, từng chuyên đề
Chú ý: Trong quá trình ôn tập, cần chọn nơi yên tĩnh, tập trung cao độ, đánh dấu những phần ôn tập còn chưa rõ và thường xuyên trao đổi với giáo viên, các bạn cùng nhóm để ôn tập hiệu quả.
Lưu ý về tài liệu, thời gian ôn tập
Về tài liệu ôn tập, theo cô Nguyễn Thị Bích Dậu, khi ôn tập cần lựa chọn các tài liệu ôn tập đảm bảo tính chính xác khoa học, tránh sử dụng tài liệu tràn lan, không rõ nguồn gốc dẫn đến ôn kiến thức sai. Các tài liệu ôn tập nên tham khảo ý kiến của thầy cô, các anh chị khoá trên.
Trong thời gian ôn tập không nên quá sức, cần cân bằng giữa ôn thi và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khoẻ. Mỗi ngày nên giành khoảng 30 - 60 phút để ôn tập cho môn Sinh học.
Thời gian ôn tập: có thể chọn vào sáng sớm lúc cơ thể khoẻ mạnh, dễ dàng tiếp nhận ghi nhớ.