Vượt khó ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022

GD&TĐ - Gần kết thúc học kỳ I năm học 2021 - 2022 nhưng nhiều trường học trên cả nước vẫn chưa một ngày được học trực tiếp.

Các địa phương thực hiện học trực tiếp rốt ráo trong công tác bồi dưỡng kiến thức cho học sinh cuối cấp.
Các địa phương thực hiện học trực tiếp rốt ráo trong công tác bồi dưỡng kiến thức cho học sinh cuối cấp.

Những khó khăn do dịch bệnh gây ra ảnh hưởng đến việc chuẩn bị, công tác ôn tập của các nhà trường trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây.

Ôn tập thi tốt nghiệp THPT gặp khó khăn

Dịch bệnh, học trực tuyến kéo dài khiến công tác ôn tập, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT gặp khó khăn nhất định. Từ thực tế Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), những khó khăn được thầy Hiệu trưởng Trịnh Nguyễn Thi Bằng chỉ ra là: Nội dung trong một tiết học ít hơn so với học trực tiếp; không xếp lịch ôn tập của học sinh (HS) nhiều tiết trong một buổi học.

Bên cạnh đó, do không tương tác trực tiếp trong quá trình giảng dạy nên giáo viên (GV) khó nắm được mức tiếp thu bài của từng HS. Học trực tuyến, kiểm tra trực tuyến nên đánh giá kết quả học tập của HS cũng chưa thật chính xác với năng lực, dẫn tới các em còn chủ quan trong ôn tập.

Thầy Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) cũng bày tỏ lo lắng bởi học trực tuyến GV khó kiểm soát quá trình học; tương tác với HS kém hiệu quả hơn, nhất là với HS ý thức tự giác thấp; kết quả kiểm tra, đánh giá đôi khi không chính xác, vì một số HS không trung thực. Khi đánh giá không chính xác sẽ dẫn đến việc điều chỉnh kế hoạch dạy học có khó khăn.

Dịch bệnh phức tạp, Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) gặp khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ, quản lý chất lượng việc dạy và học. Điều trăn trở nhất của thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân là duy trì sĩ số HS gặp khó khăn vì không có thông tin kịp thời, hoặc do điều kiện kinh tế nên gia đình đã cho con nghỉ học; lúc dịch bệnh phức tạp, trường cũng không thể đến gia đình vận động trực tiếp.

Vì dạy học trực tuyến, GV khó bao quát lớp học, tương tác thầy trò bị hạn chế nên ảnh hưởng đến truyền đạt kiến thức. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên khó có thể đa dạng và kết quả không phản ánh đúng năng lực học tập thực sự của HS. Ý thức học tập, tính chuyên cần của HS giảm nên khả năng tiếp thu kiến thức cũng giảm so với học trực tiếp…

Thầy trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) trong giờ học trực tuyến.
Thầy trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) trong giờ học trực tuyến.

Nhiều giải pháp duy trì mục tiêu chất lượng

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc sở GD&ĐT An Giang cho biết: Thời điểm này, Sở GD&ĐT An Giang đang chỉ đạo các trường tổ chức tốt công tác kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, bảo đảm mục tiêu đánh giá đúng năng lực HS. Qua đó, các tổ chuyên môn của từng môn học rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình dạy học ở học kỳ I.

Trên cơ sở tự đánh giá đó, sở GD&ĐT sẽ tổ chức 9 hội thảo ở 9 môn thi tốt nghiệp và 1 hội thảo dành cho cán bộ quản lý nhằm thảo luận, chia sẻ thống nhất định hướng cho công tác giảng dạy, ôn tập, giúp HS đạt kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) thì xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS từ đầu năm học với 3 đợt. Đợt 1 ôn tập cho HS trong học kỳ I các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; đợt 2 ôn trong học kỳ II các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Đợt 3, sau khi kết thúc chương trình năm học 2021 - 2022, trường tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ: Tổ nhóm chuyên môn trong trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn. GV chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Trường khảo sát HS về khả năng tiếp thu bài trong quá trình học trực tuyến để điều chỉnh cách tổ chức, phương pháp giảng dạy, giúp HS nắm vững kiến thức, tự tin trong kỳ kiểm tra và thi tốt nghiệp.

Thầy cô cũng chú trọng đổi mới hoạt động dạy học để HS hứng thú học tập, chủ động nắm kiến thức, rèn luyện khả năng tự học. Thầy cô luôn tương tác với HS trong và ngoài giờ học bằng nhiều hình thức khác nhau, giúp các em tự tin hơn trong học tập, cũng như chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Ổn định tâm lý trước kỳ thi, Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) đã thông tin đến GV, HS, cha mẹ HS về kết quả khả quan của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, 2021, dù cũng trong điều kiện khó khăn vì dịch bệnh, HS phải học trực tuyến. Nhà trường tuyên truyền về sự cần thiết phải học trực tuyến để HS có tâm thế sẵn sàng cho việc học. Công tác kiểm tra đột xuất các lớp học trực tuyến được tăng cường; cùng với đó là tăng cường sử dụng các phần mềm để kiểm soát được việc học của các lớp.

Nhận thức rõ khó khăn trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới, thầy Trần Văn Hân thông tin: Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp nhằm truyền đạt hiệu quả kiến thức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng cách đánh giá để phản ánh đúng năng lực học tập của HS. GV chuẩn bị các nội dung ôn tập, bổ sung kiến thức cho HS theo định hướng đề thi THPT; trong giai đoạn còn học trực tuyến sẽ lựa chọn hình thức phù hợp để hướng dẫn HS hoàn thành.

Khi học trực tiếp sẽ tổ chức bồi dưỡng phù hợp từng nhóm đối tượng HS. Nhà trường đồng thời nắm bắt những HS gặp khó khăn về thiết bị, đường truyền học trực tuyến để hỗ trợ kịp thời. Thường xuyên giữ mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình HS thông qua GV chủ nhiệm, GV bộ môn để gia đình quan tâm, chú ý giám sát việc học trực tuyến của HS tại nhà. Tạo điều kiện để HS được tham gia các buổi hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Tại Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên), giải pháp được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hồng chia sẻ là GV bộ môn phải xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến bài bản, đáp ứng mục tiêu bài dạy; tận dụng tối ưu sức mạnh công nghệ vào giảng dạy.
Nhiều giải pháp được trường triển khai, trong đó có thường xuyên giao GV rà soát HS yếu kém từng môn dự định thi tốt nghiệp để có biện pháp hỗ trợ riêng kịp thời. Lập các nhóm học tập hỗ trợ HS và các em trong nhóm hỗ trợ nhau ôn tập. Thầy cô cũng gửi đề ôn tập theo từng chuyên đề để HS chủ động ôn tập và sẵn sàng hỗ trợ các em khi cần. GV chủ nhiệm quan tâm nắm bắt tâm tư, diễn biến tâm lý, khó khăn của HS để kịp thời hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.