Theo ông Võ Thành An, đề tham khảo môn Địa lý tương đối “nhẹ nhàng” hơn so với các năm, nhiều câu hỏi ở mức độ nhận biết. Nội dung câu hỏi chủ yếu vào kiến thức trọng tâm của các bài học không mang tính “đánh đố” học sinh. Cấu trúc đề có một chút thay đổi: kiến thức 11 chỉ còn có 2 câu chiếm 5% trong đề thi và đều là 2 câu kĩ năng.
Phân tích theo nội dung kiến thức, trong đề có 7 câu về địa lí tự nhiên; 8 câu địa lí ngành kinh tế (có 1 câu trong bài chuyển dịch cơ cấu kinh tế); 3 câu địa lí dân cư; 6 câu địa lí vùng kinh tế; 12 câu hỏi liên quan khai thác Atlat; 4 câu kỹ năng biểu đồ, bảng số liệu, trong đó có 2 câu kiến thức lớp 11.
Ông Võ Thành An cho rằng, với mức độ như đề tham khảo môn Địa lý, học sinh học trực tuyến bằng nhiều hình thức, hoặc giáo viên giao bài tập để học sinh tự rèn kỹ năng là đáp ứng được.
Đối với chương trình Địa lí 12 phần học kỳ II, nếu tập trung được học sinh trong vài tuần sẽ giải quyết được chương trình theo phân phối của Bộ GD&ĐT. Phương án dạy không tập trung thì học sinh hoàn toàn có thể học qua truyền hình hoặc học trực tuyến do giáo viên tự thiết kế giảng dạy, nhưng ít nhất phải có 1 hoặc 2 buổi dạy trực tiếp để giáo viên hệ thống và ôn tập lại kiến thức học kỳ II .
“Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo, tập huấn ôn thi THPT quốc gia năm 2020 theo hình thức phù hợp, giúp giáo viên bộ môn chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và ôn tập nhằm nâng cao chất lượng chung của bộ môn.
Đối với giáo viên bộ môn Địa lý, các trường nên ôn tập theo phương pháp hệ thống kiến thức theo chủ đề, đảm bảo kiến thức cơ bản cho học sinh, tránh dạy lại. Cho học sinh làm bài tập trắc nghiệm khách quan theo chủ đề ôn tập, giúp học sinh định hướng được cách ra đề cụ thể cho từng nội dung, đồng thời rèn luyện cho học sinh kỹ thuật làm bài trắc nghiệm khách quan với môn địa lý” – cô Võ Thành An lưu ý.