Ốc đảo giữa dòng sông Hậu

GD&TĐ - Hơn nửa thế kỷ qua, người dân ở cồn Phó Ba - nơi được gọi là “ốc đảo” nằm giữa dòng sông Hậu thuộc ấp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang) sống trong cảnh thiếu đủ thứ, nhất là chuyện đi lại, học hành, khám chữa bệnh, mặc dù họ cách trung tâm thành phố chỉ hơn 3 phút… đi đò.

Ốc đảo giữa dòng sông Hậu

Xóm lặn trên cồn

Cồn Phó Ba có diện tích khoảng 27 ha, có hơn 300 hộ, với hơn 1.000 nhân khẩu và sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đưa đò và thợ lặn. Sau khi gửi xe ở bến phà Ô Môi, chúng tôi bắt ngay một chiếc đò nhỏ qua cồn để “mục sở thị” cuộc sống của người dân nơi được gọi là “ốc đảo”.

Chiếc đò máy lắc lư trườn mình qua những con sóng đưa chúng tôi đến cồn mất chừng 3 phút. Đặt chân lên con đường bê tông rộng chưa đầy 1 mét, nhiều ổ gà và đây được cho là “an toàn nhất thế giới”. Bởi chẳng bao giờ xảy ra tai nạn giao thông do mọi người chỉ đi bộ, cũng như khói xe gắn máy chưa từng xuất hiện.

Đang đẩy đất dặm lại nền nhà để phòng lũ lớn, ông Nguyễn Văn Sộng (79 tuổi), nói: “Người trên cồn đa số là dân tứ xứ đến đây lập nghiệp. Cứ thế 3, 4 thế hệ nối tiếp sống trong sự thiếu thốn, chật vật. Ở đây còn lại dân nghèo; còn dân khá giả thì đi hết vào thời điểm cồn bị sạt lở. Ngày trước chỉ có đốt đèn dầu và đạp đường mòn để đi…”.

Từ hướng dẫn của ông Sộng, chúng tôi đến xóm lặn có đến 4 thế hệ nối tiếp nhau làm nghề. Ngồi vá lại đống chài lưới, ông Nguyễn Văn Thiệt (49 tuổi, ngụ tổ 5, ấp Mỹ Thạnh) kể: “Trước đây, 17 tuổi tôi đã biết lặn và sau đó đi bộ đội tham gia đội trục vớt, đến khi hết nhiệm kỳ thì về.

Nghề lặn được truyền từ thời ông nội cho đến giờ. Việc lặn để bắt các loài cá cũng như vớt ghe tàu chìm nhưng vô cùng vất vả. Bởi lặn ở độ sâu từ 20 - 30m nước mà đồ nghề chỉ đơn giản là ống dây và chiếc máy tạo hơi. Xóm lặn ở đây có đến hàng chục người”.

Ông Thiệt từng là thợ lặn “khét tiếng” ở cồn Phó Ba. Mỗi mùa nước nổi về, nếu có ghe xuồng bị chìm bất cứ ở đâu, ông hay được là đến trục vớt cho bà con. “Hồi ấy, cá mắm nhiều vô số kể, nhất là thời điểm tháng 10 âm lịch. Mỗi ngày tôi lặn chụp chài vài chục ký cá ngát, cá leo… còn giờ thất thường lắm”, ông Thiệt nhớ lại.

Từ khi gắn bó với nghiệp lặn, ông Thiệt đã ra máu mũi, máu tai cả chục lần, thậm chí có những lần suýt mất mạng. Nghề lặn đòi hỏi phải có sức khỏe tốt thì mới chịu đựng được sức ép của nước sông sâu.

Vượt sông tìm chữ

Nằm không xa thành phố nhưng bởi “ngăn sông, cách bến” đã khiến cho những con người bám trụ nơi đây khá vất vả trong trong việc đi lại và học hành. Hiện tại trên cồn chỉ có một trường Tiểu học và một trường Mầm non. Học hết Tiểu học, các em học sinh nơi đây phải đi đò qua bên bờ Long Xuyên rồi đi bộ hàng cây số để học tiếp. Cuộc sống khó khăn nên nhiều em phải nghỉ học giữa chừng.

Ngồi lặt rau cùng vợ để kịp đem ra chợ bán, anh Nguyễn Hữu Phúc (40 tuổi, ngụ tổ 12, ấp Mỹ Thạnh) chuyên sống bằng nghề giăng lưới, hái rau, cho biết: “Bên này ai sắm xe chỉ có nước chạy xuống sông. Do đường đi nhỏ hẹp nên những người có điều kiện sắm xe thì cũng gửi bên kia cồn. Bên cồn này giao thông an toàn lắm, không bao giờ có tai nạn vì mọi người đi lại chủ yếu là… đi bộ”.

Theo lời anh Phúc, năm nay tình hình nước thấp nên anh làm 3 ngày chưa được trăm ngàn đồng và không đủ cho con đi học. Ở cồn này 70% người dân sống bằng nghề chài lưới, câu, số còn lại chạy đò và buôn bán. Anh có đứa con lớn đang học lớp 10, con nhỏ học xong lớp 5 rồi nghỉ. Hàng ngày, con anh phải lội bộ hơn 20 phút xuống bến đò, rồi đi đò qua sông, sau đó lấy xe đạp chạy đến trường.

Ngoài việc tốn tiền đò hàng ngày, anh phải trả thêm 60 ngàn đồng/tháng tiền gửi xe. Việc lội bộ do đò nhỏ chẳng dẫn xe đạp xuống được. “Để kịp giờ học nó phải thức trước 5 giờ sáng. Ở đây bất tiện nhiều thứ như muốn cho con đi học thêm cũng không được vì đi giờ đó đò chẳng ai đưa, giá cao, nguy hiểm, nhất là chuyện đau ốm…”, anh Phúc buồn bã nói.

Ông Nguyễn Sĩ Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng - cho biết: “Ấp Mỹ Thạnh có 303 hộ, với 1.114 nhân khẩu, trong đó có 20 hộ nghèo, 51 cận nghèo. Mỗi năm, ấp có 20 học sinh tốt nghiệp khối lớp 5 nên chuyển qua TP Long Xuyên để học. Hiện trên cồn có 30 hộ dân làm nghề đưa đò và hàng năm địa phương có tổ chức tuyên truyền, cấp áo phao để đảm bảo an toàn trong việc đưa rước khách.

Tuy nhiên trong quá trình hoạt động vẫn có sự thiếu ý thức của chủ đò và phụ huynh. Để đảm bảo việc đi lại, địa phương vận động người dân hiến đất để sớm triển khai con đường rộng 2,5 - 3m chạy dọc theo địa bàn dân cư với số vốn đầu tư trên 4,6 tỷ đồng…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.