Trong số hàng chục quầy lưu niệm dọc đường vào khu tổ chức lễ cầu an cho sông Hằng ở thành phố Varanasi, chúng tôi chỉ thấy duy nhất một quầy đồ lưu niệm có phụ nữ bán hàng, các quầy còn lại đều do cánh mày râu đảm nhiệm.
Tuy nhiên, các quầy do đàn ông bán hàng luôn đông khách hơn, có lẽ là do họ bán hàng mềm mỏng hơn, giá cả dễ chịu hơn.
Anh Sam, chủ quầy bán nữ trang rất chiều khách. Chúng tôi có thể chọn hàng thoải mái, không mua cũng không sao và có thể mặc cả. Khi tôi hỏi, sao ở đây toàn đàn ông bán hàng, anh cười nói: " Ồ, vợ tôi phải ở nhà làm công việc nhà. Mà công việc nhà nặng nhọc, vất vả lắm đó. Tôi thương vợ tôi lắm."
Những khu chợ dọc đường đi, tôi cũng nhìn thấy đa phần đàn ông bán rau, củ, quả, làm bánh. Còn phụ nữ đi chợ sắm đồ.
Theo các chuyên gia Ấn Độ, sở dĩ đàn ông Ấn Độ đi bán hàng là chuyện thường ngày vì bán hàng là công việc nặng nhọc và đàn ông Ấn Độ lại chiếm số đông, hơn 600 triệu người trong tổng số hơn 1 tỷ dân.
Mặc dù vậy, hiện nay phụ nữ Ấn Độ đã không chỉ ở nhà làm công việc nội trợ như trước đây nữa. Nhiều phụ nữ Ấn được tham gia các cơ quan công quyền và làm các công việc xã hội.
Theo TPO