Hổ hiền như “bụt”
Ở Thái Lan, nuôi hổ được xem là nghề truyền thống của mọi người dân. Đầu tiên, hổ được nuôi ở chùa Wat Pa Luangta Bua tọa lạc tại tỉnh Kanchanaburi, một khu vực nằm sát biên giới Miến Điện được nhiều người biết đến với tên gọi là chùa Hổ. Chùa nằm trong khu công viên quốc gia, vốn được xem là nơi cư trú của nhiều con hổ.
Kế đó, hổ xuất hiện nhiều ở một điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan, đấy chính là Vườn thú Sriracha ở thành phố Pattaya thuộc tỉnh Chonburi. Rồi hổ được nuôi rải rác trong dân. Tuy nhiên, ai muốn vào nghề nuôi hổ cũng phải đăng ký học lớp đào tạo quy trình nuôi hổ và phải đăng ký với ngành lâm nghiệp.
Hiện nay hổ đã được đưa vào danh sách các loài động vật đang có nguy cơ bị diệt chủng. Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Điều tra Môi trường Anh (EIA) thì hiện nay chỉ có 3.200 con hổ hoang dã.
Trong khi đó, các cơ quan điều tra môi trường cho biết, hiện có 5.000 con hổ sống trong điều kiện nuôi nhốt ở Trung Quốc và 1.450 con sống trong các trại nuôi hổ ở Thái Lan. Các nước châu Á cũng đều có những chuồng hoặc trại nuôi hổ trong các vườn thú công lập và tư nhân.
Trước đây, người dân Thái Lan nuôi hổ chủ yếu để khai thác bộ da xuất khẩu sang Pháp, thịt hổ làm nguồn thức ăn nuôi cá sấu, bộ xương và những bộ phận khác của con hổ là phế phẩm. Thực tế này khiến cộng đồng người Hoa định cư trên đất Thái (chiếm khoảng 15% dân số) tiếc “đứt lưỡi”. Bởi, xương hổ nấu thành cao sẽ là món thuốc quý trong dược học cổ truyền chữa được nhiều bệnh, nhất là tráng dương, bổ thận. Quý nhất là cái “pín” (bộ phận sinh dục của con hổ đực).
Đối với người Hoa, đây là “thần dược” của những quý ông đã muốn “lơ là” chuyện giường chiếu. Bởi lẽ con hổ có khả năng “yêu” rất cao, trong một ngày có thể giao hợp với bạn tình đến 60 lần. Do đó, cộng đồng người Hoa sống trên đất Thái tổ chức gom xương và “pín” hổ để mua về nấu cao, làm thuốc...
Anh Debbie Banks làm việc tại Cơ quan Điều tra Môi trường Anh tại Trung Quốc cho biết: “Trong hơn thập kỷ qua, nuôi hổ trở thành ngành nghề bùng nổ nhanh chóng và sinh lợi lớn ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Chúng thường núp dưới danh nghĩa các trung tâm bảo tồn.
Tại Trung Quốc, hổ được coi là vị thuốc quý khiến chúng bị đẩy tới bên bờ tuyệt chủng”. Và Debbie Banks cũng nhận định rằng: “Nhiều cơ sở lưu giữ những con hổ đã chết trong tủ đá. Cuộc đột kích vào chùa Hổ - Thái Lan ngày 30/5/2016 của hơn 1.000 cảnh sát, quân đội và các nhà bảo vệ động vật đã hé lộ hoạt động buôn bán động vật hoang dã lan tới khu vực Đông Nam Á.
Nó cũng cho thấy nhiều cái gọi là khu bảo tồn và trang trại bí mật buôn bán trái phép những con hổ họ nuôi. Chúng là mặt hàng rất có giá trị trên thị trường chợ đen”.
Nhiều trại nuôi hổ phi pháp đang phát triển mạnh về số lượng và quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xương và các bộ phận khác của hổ. Kéo theo đó là hoạt động thu mua của cộng đồng người Hoa trên đất Thái đã gây xáo trộn an ninh trật tự tại nhiều vùng quê. Do đó, Hoàng gia Thái Lan đã nghiêm cấm chuyện mua bán xương hổ, ban hành nghị định những hộ nuôi hổ sau khi khai thác bộ da phải bán xương và những bộ phận khác của con hổ cho Trung tâm Nghiên cứu Y học cổ truyền do Hoàng gia quản lý để chiết xuất thành những vị thuốc Đông y.
Theo một bác sĩ người Thái gốc Hoa đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Y học cổ truyền Hoàng gia Thái Lan, những bộ xương hổ nặng trên 7kg có đầy đủ các bộ phận mới được nấu cao. Vì xương hổ có tính dương nên để giảm bớt độ nóng, cao hổ ở Thái Lan quy định chỉ chiếm 40% mà thôi, còn lại 60% là nhung hươu, thảo dược để dung hòa tính dương của cao hổ cốt.
Ấy là nói về chuyện tính dược và sự quý hiếm của “chúa sơn lâm”, tại đất nước chùa Vàng còn có thêm nhiều sự thú vị khác về “ông ba mươi” này.
Tại công viên Siriracha Tiger Zoo ở Bangkok tồn tại một trại nuôi hổ lớn với khoảng 400 con hổ Bengal trên diện tích hơn 100ha. Loài hổ ở đây được nuôi dưỡng rất cẩn thận và những chú hổ sau khi được thuần dưỡng thường tham gia các show biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Nhưng điều làm nên sự nổi tiếng của vườn thú này chẳng phải số lượng hổ đang được nuôi, mà chính là mối quan hệ thân thiết lạ kỳ giữa 2 kẻ thù tự nhiên của nhau: heo–hổ. Điều có vẻ không tưởng này đã trở thành hiện thực nhờ những phương pháp nuôi dưỡng động vật rất đặc biệt.
Mẹ hổ cho heo con bú |
Đến thăm vườn thú này, chúng tôi thật ngỡ ngàng trước cảnh hổ sống chung với heo. Từng đàn heo nhỏ chạy tung tăng đùa giỡn trong chuồng hổ, thong thả ăn thức ăn và ngủ cùng với... hổ. Bên cạnh đó là chuồng nuôi hổ con bằng sữa... heo.
Tại đây, nhiều chú hổ con lớn lên nhờ bú sữa heo mẹ khổng lồ. Thậm chí có những con hổ cái còn cho heo con bú sữa của mình. Cuộc sống giữa heo – hổ trong vườn thú này rất hòa thuận khiến cho khách tham quan rất bất ngờ và thích thú.
Không chỉ ở công viên Sriracha Tiger Zoo mới có cảnh này, tại vườn nhiệt đới Nong Nooch, chúng tôi cũng đã chứng kiến một con hổ to đùng sẵn sàng để du khách ôm chụp hình. Theo người quản lý công viên Siriracha Tiger Zoo, việc cho hổ con bú sữa heo là nhằm giảm bớt tính hoang dã của loài hổ, lớn lên nó sẽ hiền hậu như một loài vật nuôi trong nhà...
Rắn độc trở thành những vị thuốc cứu tinh
Ở Bangkok còn có Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia Thái Lan thuộc Trường Đại học Chalalongkorn được nhà vua Rama IV sáng lập. Thái Lan nổi tiếng là đất nước có nhiều rắn độc.
Theo lời kể của nhiều Việt kiều đang định cư tại Thái Lan, khi xây dựng sân bay quốc tế Suvarnabhumi tại Racha Thewa thuộc huyện Bangpli, tỉnh Sumat Prakan, ngành chức năng đã phải dọn cả một “thủ phủ” rắn độc để có đất thi công...
Xiếc với rắn độc tại Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia Thái Lan |
Trong cuộc sống đời thường, người dân Thái Lan không bao giờ giết rắn tùy tiện. Bởi vì trong văn hóa tâm linh của họ, rắn là con vật thiêng, mang lại may mắn. Vì thế, tại Thái Lan có nhiều ngôi đền thờ thần rắn. Trong đền, người ta thường thấy có một đôi rắn, một con màu vàng, một con màu trắng.
Rắn vàng tượng trưng cho đất, rắn trắng tượng trưng cho nước. Sự hòa nhập của “đất và nước” là nguồn gốc sinh ra của cải nông nghiệp, nguồn hạnh phúc trường tồn và viên mãn của cuộc sống.
Người ta cũng kể rằng Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia Thái Lan bây giờ nằm tại thành phố Pattaya, tỉnh Chonburi, là nơi được mệnh danh có nhiều rắn vào thuở xưa, nên để không sát sanh và tránh bớt tình trạng rắn bò ngổn ngang vào nhà, vua Rama IV đã cho khai thác và phát triển nghề rắn làm thuốc chữa bệnh cứu người.
Tương truyền rằng, vào triều đại vua Rama IV, các quan Ngự y trong triều lấy bộ phận sinh dục của rắn đực bào chế, nấu với các loại thảo dược làm món canh cho nhà vua ăn để mát long thể, khỏe thận. Bởi con rắn đực cũng có khả năng “yêu” kinh khủng như hổ đực. Nếu khi hổ đực “yêu” thiên về số lượng thì rắn đực “yêu” thiên về độ bền, một lần giao hợp có thể kéo dài thời gian từ 24 – 36 tiếng đồng hồ. Nhờ ăn canh “pín” rắn mà vua Rama IV mới có thể “đảm đương” được những 92 bà vợ để cho ra đời 77 người con.
Đi thăm trại rắn độc Hoàng gia Thái Lan, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn nhiều loài rắn với đủ các sắc màu, được xem các trò biểu diễn của rắn. Rắn được xếp thành hàng, 3 con rắn hổ mang đầu ngóc lên, lắc lư, đung đưa theo điệu nhạc và sự điều khiển của người huấn luyện một cách say mê, hết nghiêng qua trái lại sang phải như bị thôi miên.
Rồi bất chợt người huấn luyện rắn lao đầu tới 1 trong 3 con rắn kia, ngậm hẳn đầu một gã hổ mang trong miệng mà không hề sợ hãi. Con rắn hơi bị bất ngờ, cong người lên, đuôi ngoe nguẩy liên tục. Cảnh tượng ghê rợn ấy làm chúng tôi một phen giật nảy mình! Tại đây chúng tôi còn được khuyến khích sờ tay vào lũ rắn độc, vào những con trăn quý hiếm vì theo quan niệm của người Thái như thế sẽ gặp được may mắn.
Kế đó, chúng tôi được mời sang phòng trưng bày các sản phẩm được chế biến từ rắn và được nghe một vị bác sĩ thuyết trình về sự sinh sản và chu kỳ phát triển của rắn; sự nguy hiểm cũng như công dụng của rắn.
Đặc biệt công dụng của một số chế phẩm từ rắn của Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia Thái Lan đã qua nghiên cứu, bào chế, thực nghiệm lâm sàng và đã được cấp phép lưu hành; những thành công của ngành Y học cổ truyền Thái Lan trong điều trị các loại bệnh bằng sản phẩm của rắn.
Hầu hết các bộ phận trên cơ thể rắn đều là những vị thuốc quý, là vị thuốc cứu tinh cho nhiều căn bệnh hiểm nghèo của con người: máu rắn trị chứng nhức, đau mỏi lưng; mật rắn chống viêm, chữa thấp khớp, hen suyễn, nóng sốt, nhức đầu dai dẳng; nọc rắn chữa bệnh phong, ung thư, động kinh, đau thắt ngực, viêm khớp, viêm dây thần kinh; thịt rắn chữa tê liệt, bệnh phong, co giật, mụn nhọt, lở loét, những bệnh thần kinh; xác rắn lột là thuốc sát trùng và trị ghẻ lở, thúi tai, trẻ con động kinh co giật. Rượu rắn, cao rắn làm tăng sinh lực...
Vì là thuốc sinh học nên loại thuốc này không có tác dụng phụ cho người sử dụng nhưng cũng không được bán rộng rãi trên thị trường mà chỉ được bán tại Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia Thái Lan mà thôi.
Sau khi được chuyên viên tư vấn người Thái gốc Việt tư vấn một cách rõ ràng nhất, khách tham quan muốn được thực tế trải nghiệm công dụng tuyệt vời của các loại thuốc này thì có thể chọn loại thuốc phù hợp mua về. Tuy nhiên, vì là thuốc quý nên Hoàng gia Thái Lan có quy định mỗi khách tham quan chỉ được phép mua tối đa 1 – 2 lọ mà thôi.
Tại Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia Thái Lan, chúng tôi còn được các bác sĩ ở đây cho hay nọc độc của rắn được chiết xuất thành huyết thanh phục vụ cho ngành y học.
Hiện nay trên thế giới có 24 viện và trung tâm sản xuất huyết thanh, trong đó 4 nước dẫn đầu là Pháp, Thái Lan, Ấn Độ và Brazil. Và những năm gần đây, hai nước Pháp và Thái Lan hợp tác sản xuất huyết thanh để “thống trị” ngành này trên toàn thế giới.