Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường, tại Việt Nam đã diễn ra các hoạt động vì môi trường nhằm kêu gọi các cơ quan, tổ chức cần triển khai các giải pháp căn cơ để phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, trồng cây xanh và đặc biệt là thu gom xử lý chất thải, hướng tới “cuộc sống xanh” trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát tại nhiều địa phương trên toàn quốc.
Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái hướng tới "tương lai xanh”
Thế giới đã và đang chứng kiến nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức dẫn đến các hệ sinh thái đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người. Trong một thời gian dài, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên tràn lan để phục vụ cho các hoạt động phát triển, đã làm cho các hệ sinh thái trên toàn thế giới bị suy thoái.
Với khoảng 20% bề mặt thảm thực vật trên hành tinh đang cho thấy xu hướng giảm năng suất liên quan đến xói mòn, cạn kiệt và ô nhiễm ở tất cả các nơi trên thế giới. Đến năm 2050, suy thoái và biến đổi khí hậu có thể làm giảm 10% năng suất cây trồng trên toàn cầu và tới 50% ở một số khu vực. Theo tính toán của các nhà môi trường, việc khôi phục được 350 triệu ha đất bị thoái hóa từ nay đến năm 2030 có thể tạo ra 9 nghìn tỷ USD giá trị dịch vụ hệ sinh thái và hấp thu thêm 13-26 tỷ tấn khí thải nhà kính từ khí quyển.
Chính vì thế, ngày 1/3/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021-2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái”, đây là việc làm nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy, nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu để tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây cũng là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất.
Liên hiệp quốc khuyến nghị các quốc gia tăng cường ý chí chính trị, huy động các nguồn lực, nâng cao năng lực về nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để tạo động lực phục hồi hệ sinh thái ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương. Lồng ghép việc phục hồi hệ sinh thái vào các chính sách và kế hoạch phát triển quốc gia từ đó tạo cơ hội cho các hệ sinh thái tăng khả năng thích ứng và cơ hội để duy trì và cải thiện sinh kế cho tất cả mọi người.
Để đạt mục tiêu này, các quốc gia cần xây dựng và thực hiện các chính sách và kế hoạch ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái, phù hợp với luật pháp và ưu tiên quốc gia. Xây dựng và củng cố các sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả phục hồi hệ sinh thái. Đồng thời, tạo điều kiện để hiệp lực và thống nhất một cách nhìn tổng thể nhằm đạt được cam kết và ưu tiên quốc gia thông qua phục hồi hệ sinh thái. Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt trong việc bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái.
Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên của Công ước về Đa dạng sinh học (tiếng Anh:Convention on Biological Diversity- CBD và cũng đang trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030. Đây là cơ hội để Việt Nam nhìn lại những nỗ lực về bảo tồn đa dạng sinh học và đặt ra các mục tiêu về quản lý, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái trong giai đoạn tiếp theo.
Hướng tới cuộc sống “xanh- sạch – đẹp”
Tại Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững. Đặc biệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, “Tháng hành động vì môi trường” đã được nhiều cơ quan, địa phương tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.
Để triển khai “Tháng hành động vì môi trường”, cần khuyến khích người dân hưởng ứng bằng những việc nhỏ nhất như giảm lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa tại các khu vực dân sinh, tuyến phố tại địa phương; kêu gọi mọi người sử dụng những hộp đựng an toàn và thân thiện với môi trường nhằm loại bỏ túi nilon…
Với chủ trương kiên quyết không để bệnh dịch lây nhiễm qua rác thải y tế góp phần đảm bảo an toàn rác thải trong mùa dịch, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản đề nghị, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác thanh- kiểm tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa, rác thải y tế lây nhiễm.
Thực hiện giãn cách xã hội trong những ngày phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, rác thải sinh hoạt giảm khoảng 10%. Ví dụ như tại Hà Nội, đại diện một số công ty thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện Phú Xuyên, Thanh Trì, quận Hoàng Mai... đều khẳng định trong khoảng thời gian nửa tháng qua, lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa, túi nilon trong các khu dân sinh đã giảm rất nhiều. Thậm chí, ở một số khu vực, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày còn giảm sâu: Thời điểm trước dịch COVID-19, mỗi ngày các đơn vị thu gom, vận chuyển khoảng 100 tấn/ngày, nhưng gần đây chỉ còn 80-90 tấn/ngày.
Hướng tới Ngày Môi trường thế giới, ngày 26/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn gửi các địa phương và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế đề nghị tăng cường thực hiện một số biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải y tế, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường góp phần phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương cần tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định về quản lý chất thải; ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý. Nhiều bệnh viện, khu cách ly tập trung đã phân chia chi tiết theo màu túi nylon như: chất thải thông thường (màu xanh), chất thải lây nhiễm (màu vàng), chất thải tái chế (màu trắng) để tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Ngày Môi trường Thế giới năm nay sẽ là điểm khởi động của Thập kỷ Liên hợp quốc về Phục hồi Hệ sinh thái kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030. Với những bước khởi động nêu trên, Việt Nam sẽ luôn hành động vì môi trường với mục tiêu phục hồi sinh thái Trái đất, nhằm hạn chế bệnh tật và giảm rủi ro thiên tai.
Với những cách ứng xử với túi nilon sau khi sử dụng, cũng như cách phân chia chi tiết rác thải theo màu túi nylon trong y tế… đã là những việc làm của mỗi chúng ta góp phần vào cuộc chiến chống rác thải nhựa, phòng ngừa bệnh tật - nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Một hành động nhỏ - từ việc đồng tình áp dụng biện pháp giảm thải túi nilon ra môi trường - người dân Việt Nam sẽ cùng chia sẻ, lan tỏa thực hiện mục tiêu Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái, góp phần làm nên “trận thắng lớn” – hướng tới cuộc sống xanh- sạch – đẹp.