Tổng thống Brazil cũng thường bất đồng với lãnh đạo ngành y khiến ghế bộ trưởng bộ này đổi chủ đến hai lần chỉ trong một tháng.
Kết quả từ những chỉ đạo chống dịch mâu thuẫn nhau của giới lãnh đạo Brazil là tính đến ngày 18/5, số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã tăng lên hơn 241.000 người và vượt Italy để trở thành một trong 5 tâm dịch lớn nhất thế giới. Số ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng chóng mặt từng ngày đang gây áp lực dữ dội lên chiếc ghế của Tổng thống Jair Bolsonaro.
Ông nhiều lần phớt lờ tư vấn của các chuyên gia phòng dịch và công khai kêu gọi người dân dùng thuốc chống sốt rét để điều trị Covid-19, dù công dụng này chưa được nghiên cứu lâm sàng. Trong khi đó, “cây đũa thần” trong phòng dịch được chứng minh tại nhiều nước là biện pháp phong tỏa để ngăn virus lây lan lại bị Tổng thống Bolsonaro kịch liệt phản đối, bất chấp việc bộ trưởng y tế nước này ra sức thuyết phục.
Nhà lãnh đạo Brazil thậm chí còn xuống đường tham gia tuần hành hồi tháng 4, chống lại quyết định của một số bang cho áp dụng giãn cách xã hội vì cho rằng biện pháp này sẽ khiến nền kinh tế sụp đổ. Ông tuyên bố Covid-19 cũng chỉ như cảm cúm thông thường và chỉ trích những phản ứng thái quá đối với căn bệnh chưa có thuốc điều trị cũng như vắcxin này.
Mới đây ông còn ra sắc lệnh cho phép các phòng gym, tiệm cắt tóc và cơ sở làm đẹp mở cửa trở lại trong khi dịch vẫn đang lây lan dữ dội trong cộng đồng. Những quyết định đi ngược với khuyến cáo của ngành y từ Tổng thống Brazil đã khiến cấp dưới phản ứng. Hôm 15/5, Bộ trưởng Y tế Nelson Teich tuyên bố từ chức sau khi tại vị chưa đầy một tháng. Người tiền nhiệm của ông cũng ra đi hôm 17/4 vì đề xuất áp dụng phong tỏa để phòng dịch không được tổng thống ủng hộ.
Trong khi đó, tại những quốc gia đang thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 như Việt Nam, New Zealand, Hy Lạp hay Slovenia đều có một công thức chung là trên dưới đồng lòng, từ cấp trung ương tới từng người dân để chung tay đẩy lùi virus. Nếu chậm trễ và bất đồng trong chỉ đạo sẽ khiến thời điểm vàng bị bỏ lỡ và đại dịch sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Thực tế này đang được chứng minh tại Brazil, nơi mà nội bộ giới lãnh đạo còn không tìm được tiếng nói chung trong chống dịch.
Các chuyên gia cảnh báo, trong khi diễn biến đại dịch trên thế giới đang có xu hướng giảm dần thì Brazil mới chỉ bắt đầu bước vào giai đoạn đen tối nhất. Số ca nhiễm mới tại nước này trong những tuần qua luôn ở mức trên dưới 10.000 ca mỗi ngày và việc Brazil trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ được dự đoán chỉ còn là vấn đề thời gian.
Khi tình hình đại dịch ngày càng xấu đi, các cuộc biểu tình phản đối ông Bolsonaro bắt đầu nổ ra tại nhiều nơi. Tòa án tối cao Brazil còn đang cân nhắc mở một cuộc điều tra hình sự đối với cách xử lý dịch của tổng thống nước này. Nhưng dù có bất cứ động thái nào nhằm vào cá nhân tổng thống cũng không thể thay đổi được thực tế là sự lây lan Covid-19 đang không thể kiểm soát tại Brazil, đẩy hệ thống chăm sóc y tế đến bên bờ sụp đổ.