Núp bóng "tình thương"

GD&TĐ - Mới đây, một nam thanh niên 29 tuổi, quê huyện Phù Mỹ (Bình Định) vào Sài Gòn làm thuê và bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong.

Người nhà của nạn nhân được giới thiệu đến “dịch vụ cấp cứu tình thương 24/24” tại TPHCM để được hỗ trợ. Phụ trách của dịch vụ này là người cùng quê Bình Định nên người nhà nạn nhân tin tưởng vào sự tử tế của anh ta.

Sau khi làm các thủ tục theo quy định cho người quá cố, chiếc xe “tình thương” đã đưa nạn nhân về đến quê nhà. Nhận xác con xong, cha mẹ nạn nhân mới tá hỏa khi tài xế “tình thương” đưa ra giá tiền buộc họ phải trả cho các khoản chi phí lên đến 39,8 triệu đồng. Vừa đau xót cho đứa con xấu số, vừa chết điếng với số tiền nói trên, song gia đình không còn sự lựa chọn nào khác, đành chạy đôn chạy đáo vay mượn hàng xóm đủ số tiền để trả.

Gần 40 triệu đồng là số tiền quá lớn với gia đình nạn nhân vì người thanh niên bị tai nạn nói trên là lao động chính của gia đình. Ở quê quá khó khăn nên anh vào TPHCM để đi làm thuê kiếm sống bằng đủ thứ việc. Mỗi tháng, anh dành dụm dăm ba triệu gửi về giúp cha mẹ đang gặp khó ở quê. Giờ đây trụ cột của gia đình không còn nữa, lại phải vay mượn một số tiền quá lớn để trả cho “dịch vụ tình thương”, thật quá đau xót!

Người phụ trách “dịch vụ tình thương” ấy nói rằng, số tiền đó anh ta đã “công khai” với người thân của nạn nhân trước khi đưa người xấu số về quê và đã được sự đồng ý của bên thuê chứ anh ta không bắt chẹt. Trong khi đó, một cơ sở chuyên lo mai táng các nạn nhân xấu số và kèm dịch vụ đưa thi thể về quê nói rằng, toàn bộ chi phí cho một cuốc xe như vậy chỉ 12 triệu đồng.

Trong lúc bối rối trước cái chết tức tưởi như thế, chẳng ai còn lòng dạ nào để mặc cả hoặc chọn lựa chỗ nào giá rẻ hơn cả. Họ chỉ còn biết tin vào hai chữ “tình thương” mà dịch vụ kia quảng cáo. Vả lại, những người đó lại là đồng hương, không tin vào họ thì biết tin vào đâu?

Có một thực tế gây phẫn nộ trong dư luận lâu nay xung quanh các dịch vụ liên quan đến người chết nhưng có quê ở xa, cần phải đưa về chôn cất. Khoác lớp áo “hỗ trợ không đồng” rồi “dịch vụ tình thương”, nhóm người này sẵn sàng “chặt chém.”

Với giá cả trên trời, song người nhà nạn nhân không còn sự lựa chọn nào khác. Thậm chí, có hẳn một “đường dây” lo các thủ tục cho người chết mà nếu người nhà “tự lo” thì sẽ gặp vô vàn nhiêu khê mới nhận được xác người thân để đưa về.

Hàng quán, nhà hàng và các dịch vụ khác phục vụ vui chơi mà chặt chém thì đành một nhẽ. Ở đây là cách ứng xử với người xấu số mà núp bóng tình thương để “chặt chém” với giá trên trời thì là điều quá thất đức.

Hay tin một nạn nhân cấp cứu cần máu, đã có hàng chục cánh tay chìa ra cho máu; biết một hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ được đưa lên mặt báo, lập tức đã có hàng trăm người móc những đồng tiền cuối cùng góp vào để cứu giúp… Những tấm gương như thế không đủ để đánh thức lương tri cáu cặn kia sao? Ăn bẩn trên xác chết đồng loại của hạng người này thật đáng phỉ nhổ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ