Thừa Thiên - Huế: Chặn đứng xe chở người “lậu” núp bóng từ thiện

GD&TĐ - Nhiều ngày qua, hàng trăm công dân trở về Thừa Thiên - Huế từ vùng dịch. Không ít trong số đó “đi lậu” thông qua những nhà xe treo băng rôn từ thiện.

Đoàn xe hỗ trợ người nghèo, “xe 0 đồng” nhưng lại thu tiền của người dân.
Đoàn xe hỗ trợ người nghèo, “xe 0 đồng” nhưng lại thu tiền của người dân.

Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn về lây lan Covid-19 trong cộng đồng.

Ngăn chặn bùng phát trong cộng đồng

Tính từ ngày 28/4 đến ngày 12/8, Thừa Thiên - Huế ghi nhận 171 trường hợp ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có 10 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh. Các ca dương tính đều là công dân trở về từ vùng dịch. Hiện nay, tổng số công dân hiện đang cách ly tập trung tại địa phương là hơn 15.000 người.

Nhằm kiểm soát tốt, Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các cấp tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Thành lập các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch bệnh tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh bằng đường bộ và thực hiện phun hóa chất khử khuẩn sau khi kiểm tra.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, tại các chốt kiểm soát y tế khi ra, vào tỉnh bằng đường bộ, ngoài lực lượng CSGT, lực lượng y tế, chiến sĩ bộ đội, mỗi chốt trực có thêm các bạn thanh niên tình nguyện phụ trách nhiệm vụ nhập dữ liệu.

Để hoàn thành nhiệm vụ các đơn vị phối hợp đã túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế đối với người dân khi đi vào địa bàn, nhờ thế góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

Một cán bộ tại chốt kiểm soát y tế tại khu vực cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bình quân mỗi ca trực, lực lượng chốt kiểm tra khoảng 300 - 400 phương tiện chở khách từ các địa phương vào địa bàn tỉnh, thậm chí có ngày cao điểm lên đến hơn 700 lượt phương tiện ra vào.

Mặc dù, công việc khá vất vả nhưng nhóm cố gắng làm thật nhanh để tránh tình trạng ùn ứ vào các giờ cao điểm, đảm bảo đầy đủ quy định phòng chống dịch.

Phát hiện hàng chục xe khách trá hình

Lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát y tế.
Lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát y tế.

Lợi dụng việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh phía Nam, công dân đang lao động trên địa bàn được các nhà xe dịch vụ mời chào, lôi kéo chi trả phí với chi phí từ 2,5 - 3 triệu đồng/người để trở về quê từ vùng dịch ngày càng phức tạp hơn.

Các phương tiện này chở người về, dừng trả khách trước các chốt kiểm soát và quay đầu, một số trường hợp lại có hình thức là treo băng rôn trước xe với tiêu đề “Chuyến xe nghĩa tình đưa bà con về quê”, “Chuyến xe 0 đồng”. Thế nhưng, trên thực tế các nhà xe đã thu của khách đi xe mỗi người 2 triệu đồng.

Nhờ treo những “băng rôn ân tình” như thế nên các xe này đã được lực lượng kiểm tra trên tuyến từ TPHCM đến Thừa Thiên - Huế tạo điều kiện lưu thông. Cho đến khi các chuyến xe đó đến địa phận phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế và bị lực lượng CSGT kiểm tra đã phát hiện hành vi sai phạm.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong thời qua lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đồng thời đưa đi cách ly tập trung gần 20 xe và tài xế có những hành vi trên.

Sau khi đã tiến hành các thủ tục cần thiết, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã áp tải tất cả các tài xế lái xe trá hình “Chuyến xe 0 đồng” lên huyện Nam Đông để thực hiện cách ly.

Trong thời gian cách ly tập trung tại đây, các lái xe phải chịu toàn bộ chi phí cách ly. Những lái xe này đã vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm và sẽ xử lý nghiêm theo quy định sau khi hết thời hạn cách ly.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay: Những ngày qua lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều xe dịch vụ đưa người từ các tỉnh, thành phố vùng dịch về Thừa Thiên - Huế dưới danh nghĩa “Chuyến xe nghĩa tình đưa bà con về quê”, “Chuyến xe 0 đồng”.

Các phương tiện này dừng trả khách trước các chốt kiểm soát và quay đầu, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.