Nuốt nhầm dị vật, thủng luôn ruột non

GD&TĐ - Một bệnh nhân tại TPHCM vừa bị thủng ruột non do nuốt nhầm dị vật nghi là tăm tre.

Dị vật nghi là tăm tre xỉa răng được lấy khỏi bụng bệnh nhân.
Dị vật nghi là tăm tre xỉa răng được lấy khỏi bụng bệnh nhân.

Ngày 15/5, thông tin từ Bệnh viện An Bình (TPHCM), nơi đây vừa tiếp nhận và xử lý thành công cho bệnh nhân nuốt nhầm dị vật nghi là tăm tre gây thủng ruột non.

Theo đó, tối 13/5, bệnh nhân T.T.M.N (43 tuổi, ngụ quận 1), nhập Khoa Cấp cứu Bệnh viện An Bình trong tình trạng đau nhiều vùng bụng phải, kèm theo sốt và bụng chướng khó chịu, cơn đau tăng dần nên bệnh nhân N. đã tự mua thuốc uống nhưng triệu chứng không thuyên giảm.

Qua thăm khám, kết quả siêu âm, chụp X-quang chẩn đoán bệnh nhân N. bị dị vật trong ruột gây thủng ruột non.

BS.CKII Phạm Ngọc Tảo, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện An Bình cho biết, sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi ổ bụng, lấy dị vật.

“Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ đã phát hiện và lấy ra một dị vật dài 0.2 cm x 4 cm (có hình dạng giống tăm xỉa răng) đâm xuyên thủng hồi tràng đoạn cuối ruột non. Sau khi lấy được dị vật, bệnh nhân N. được ekip khâu thực hiện khâu lại lỗ thủng ruột, rửa sạch khoang bụng và cắt ruột thừa viêm thứ phát”, BS Tảo cho hay.

Theo BS Tảo, trường hợp bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dị vật sau khi nuốt trôi trong đường tiêu hóa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như gây tắc, dị vật sắc nhọn đâm thủng thành ống tiêu hóa, xì dò dịch tiêu hóa gây áp xe, viêm phúc mạc toàn thể, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Phẫu thuật nội soi lấy dị vật khỏi bụng bệnh nhân.

Phẫu thuật nội soi lấy dị vật khỏi bụng bệnh nhân.

Hiện, sau ngày hậu phẫu thứ 2, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân N. ổn định, bụng mềm, còn đau nhẹ sau mổ, các bác sĩ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn vận động sớm và chế độ ăn phù hợp.

BS Tảo khuyến cáo, để tránh tình trạng nuốt phải dị vật trong các bữa ăn, người dân nên ăn chậm, nhai kỹ thức ăn, không nên trộn canh vào cơm; khi ăn trái cây, nên loại bỏ hạt. Người già và trẻ em nên tránh các thức ăn dai, cứng như gân, da; thức ăn có xương hoặc nhiều xương, thực phẩm nên được cắt nhỏ và nấu mềm. Những vật dụng nguy hiểm như pin, hạt nhựa, đồ chơi có kích thước nhỏ cần để xa tầm tay trẻ em.

“Người lớn cũng nên cẩn thận khi ăn các món thịt cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ, hạn chế vừa ăn vừa nói chuyện. Đặc biệt, cần bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong. Đặc biệt, khi xuất hiện tình trạng đau, đau liên tục, đau nhiều ở vùng bụng hoặc sơ ý nuốt phải dị vật, bệnh nhân không được tự ý uống thuốc mà cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời”, BS Tảo khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.