Bé 2 tuổi nuốt đinh sắt: Các cách xử lý dị vật

GD&TĐ - Bé trai đang ngồi chơi liền tự nuốt đinh sắt vít có đầu dài khoảng 3cm vào bụng nên được gia đình đưa đi cấp cứu.

Cha mẹ cần tránh để trong tầm với của trẻ những đồ vật dễ làm tổn thương trẻ
Cha mẹ cần tránh để trong tầm với của trẻ những đồ vật dễ làm tổn thương trẻ

Mới đây Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Vĩnh Long đã nội soi khẩn cấp để lấy cây đinh sắt chui vào bụng bé trai T.P (2 tuổi, ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Theo đó vào chiều 16/11, bé P đang chơi ở nhà rồi tự nuốt đinh, được anh trai phát hiện và đưa đi cấp cứu.

Sau 20 phút cấp cứu, bác sĩ đã gắp ra 1 chiếc đinh ốc xoắn nhọn đầu dài khoảng 3cm nằm trong tá tràng bệnh nhi.

Cây đinh nhọn chưa gây tổn thương niêm mạc, thực quản, dạ dày của nạn nhân. Bé P. tiếp tục được hồi sức, theo dõi sau can thiệp.

Qua trường hợp trên, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến các bé, luôn quan sát, hạn chế để trẻ chơi một mình và tiếp xúc các đồ vật dễ nuốt. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, kiểm soát các vật dụng bé chơi, tránh trường hợp đáng tiếc lại xảy ra.

Trao đổi với báo chí, bác sỹ Phạm Minh Hiếu – Bệnh viện E cho rằng, hóc dị vật đường thở là một tai nạn rất thường gặp nhưng khá nguy hiểm ở trẻ dưới 3 tuổi.

Cha mẹ cần tránh để trong tầm với của trẻ những đồ vật dễ làm tổn thương trẻ như ghim băng, khung nhựa, tăm nhọn, đinh vít…. Cha mẹ cũng nên loại bỏ hết xương, hạt trước khi cho trẻ ăn các loại thức ăn có xương hoặc các loại hạt, hoa quả có hạt.

Dị vật được gắp ra kịp thời trong bụng bé 2 tuổi
Dị vật được gắp ra kịp thời trong bụng bé 2 tuổi

Biểu hiện thường thấy ở trẻ khi bị sặc, hóc, dị vật là: Ho, khạc để cố tống dị vật ra ngoài, tím tái, khó thở, giẫy giụa, mặt đỏ bừng, da tái xanh, chân tay cứng đờ..., nặng thì có thể xuất hiện nước, sữa, canh… trào ra từ mũi, miệng của trẻ và trẻ có thể có những cơn ngừng thở.

Trong những trường hợp này, việc xử lý đúng cách và kịp thời là điều quan trọng nhất vì chỉ cần chậm 5-6 phút, trẻ sẽ có nguy cơ bị ngừng thở, suy hô hấp.

Cũng theo Bác sỹ Hiếu, khi trẻ bị hóc, sặc, người lớn cần bình tĩnh, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ vì hành động này sẽ khiến dị vật đi sâu hơn vào đường thở.

Thay vào đó, cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần xử lý nhanh những thao tác: Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 - 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai.

Việc làm này có tác dụng làm tăng áp lực trong lồng ngực trẻ để đẩy dị vật ra ngoài. Bên cạnh đó, nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy ra từ mũi, miệng trẻ thì cha mẹ cần hút kỹ để thông đường thở cho trẻ.

Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực, trẻ trên 2 tuổi có thể dùng biện pháp ép bụng.

Trong trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt trẻ nằm ngửa đồng thời quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Việc làm này được thực hiện liên tiếp tới khi nào trẻ tỉnh, sau đó khẩn cấp đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Để bảo vệ an toàn cho trẻ, điều quan trọng nhất là người lớn phải luôn để mắt đến chúng, không để những vật nhỏ, nguy hiểm trong tầm với của trẻ. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt vật lạ phải nhanh chóng biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng nên tự học các động tác sơ cứu đơn giản nói trên, đồng thời chỉ nên gửi trẻ vào những nơi trông giữ có uy tín, đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Theo Người lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ