Nuôi dưỡng tình yêu nghề giáo

GD&TĐ - Chính tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để neo lại với nghề. Dạy học, với họ, không đơn thuần chỉ là nghề mà còn là nghiệp.

 Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) cùng HS của trường. Ảnh: Hà Anh
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) cùng HS của trường. Ảnh: Hà Anh

Trọng nghề mới được làm nghề

Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà – TP Đà Nẵng) tâm sự: “Gần 30 năm trong nghề, làm sao tránh khỏi những lúc nản lòng, nhưng rồi lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp đối với xã hội đã giúp mình đứng vững được. Nghề nghiệp, ngoài mang lại cho mình một công việc ổn định, còn tạo cơ hội cho mình được tôn vinh, quý trọng, sao mình có thể phụ bạc được”. 

Cô Bình thường gửi gắm với tập thể sư phạm nơi mình công tác rằng: “Học trò càng đặc biệt thì mình càng phải kiên nhẫn bởi chỉ cần thiếu đi chút nhẫn nại thôi, thì có thể số phận các em sẽ khác đi. Học sinh càng thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ thì giáo viên càng phải quan tâm, phải “cho” nhiều hơn. Khi dạy trẻ, vì vậy, đừng bao giờ nghĩ đến phụ huynh vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Hãy cứ nhìn vào HS để dạy thì sẽ công bằng cho tất cả các em. Mình cứ làm cho hết sức của mình, đặt cả tình yêu của mình vào đó, có thể phụ huynh và học sinh chưa thể nhận ra ngay công sức, tâm huyết của thầy cô giáo, nhưng chúng ta đang làm công việc của người gieo hạt để gửi những mùa sau, cứ gieo rồi sẽ được gặt…”.

Câu chuyện của cô Bình khiến tôi nhớ đến tâm niệm của cô giáo Nguyễn Thị Quảng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), người suốt nhiều năm liền, một mình vượt núi băng hầm vượt đoạn đường hơn 16km đi bộ để phổ cập tiếng Anh cho con em làng phong dưới chân đèo Hải Vân. Cô tâm niệm: “Học trò càng yếu, càng thua thiệt thì mình càng thương. Làm sao giúp một em học lực kém vươn lên thành học sinh trung bình mới là điều đáng nói ở một người thầy. Điều đó giá trị hơn việc mình đang dạy bao nhiêu học sinh giỏi”.

Cô giáo Trà Thị Thu và HS ở điểm trường Tắk Pổ trong lễ khai giảng năm học 2019 - 2020. Ảnh: TG
Cô giáo Trà Thị Thu và HS ở điểm trường Tắk Pổ trong lễ khai giảng năm học 2019 - 2020. Ảnh: TG

Tốt nghiệp ĐH năm 2003, anh Huỳnh Viết Thắng, Khoa Điện tử - Viễn thông được Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) giữ lại trường làm giảng viên. Anh Thắng chia sẻ: “Thời điểm mới tốt nghiệp, khoảng thời gian chờ đợi làm hoàn chỉnh hồ sơ ở trường, mình có đi làm ở ngoài, công việc cũng liên quan đến nghiên cứu với mức lương thời điểm đó khoảng 2,5 đến 3 triệu/tháng, trong khi lương giảng viên tập sự ở trường chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Thời gian đầu, quả là hơi khó chịu khi phải “điều tiết” việc chi dùng cá nhân. Nhưng mình xác định, mục tiêu số một lúc đó không phải là thu nhập, mà là một suất học bổng ở nước ngoài nên cũng không so sánh với các công ty ở ngoài”. 

Thay vì chọn đi làm ở các doanh nghiệp bên ngoài, TS Huỳnh Viết Thắng cho biết, mình chọn con đường nghiên cứu chuyên sâu nên giáo dục đại học là môi trường phù hợp, không lãng phí thời gian đào tạo. Làm một giảng viên ĐH, theo như TS Thắng, thời gian làm việc không thể rạch ròi đúng 8 tiếng hành chính được, công việc không tách bạch ra khỏi cuộc sống nên gia đình có thông cảm thì mới làm được. “Chúng tôi không chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức mà ở một chừng mực nào đó, còn ảnh hưởng đến cách sống, tâm hồn của SV nữa. Có những SV tìm đến mình tâm sự, mỗi lời khuyên của mình dù là ý kiến chủ quan, cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai sau này của các em. Thế nên, những gì mình nói lại đeo bám mình rất lâu, về đến tận nhà rồi vẫn còn suy nghĩ xem mình nói thế có đúng không, có ảnh hưởng tiêu cực gì tới các em không”. 

Giữ lửa với nghề

Ở khu hiệu bộ của Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), tấm biển ghi 20 điều giáo viên cần thấu hiểu được BGH nhà trường bố trí cho treo ở nhiều nơi: Phòng họp hội đồng, phòng tiếp phụ huynh… Chỉ cần thấu hiểu được 20 điều căn cốt này, giáo viên cũng đã có thể trở thành một nhà giáo chuẩn mực, được học sinh và phụ huynh quý trọng. Chẳng hạn như: “Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng của chúng, vui thì chia vui, buồn thì động viên” hoặc “Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó. Bạn hãy giúp chúng nhận ra, phát triển chúng thêm”… Làm nghề giáo, đòi hỏi mỗi giáo viên phải học cách kiềm chế, bình tĩnh, bao dung, kiên trì và mềm mỏng.

Cô Phạm Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) dạy lớp kỹ năng sống miễn phí cho HS. Ảnh: NVCC
Cô Phạm Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) dạy lớp kỹ năng sống miễn phí cho HS. Ảnh: NVCC

Cô giáo Trà Thị Thu (Trường Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) - nữ giáo viên được nhắc đến với lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 rất giản dị của 38 HS và hai cô giáo cùng một đại biểu tham dự là trưởng nóc đã tâm sự rằng, ngay cả những ngày đầu cắm bản ở đỉnh núi Ngọc Linh với rất nhiều tâm trạng ngổn ngang, cô cũng chưa nghĩ đến chuyện bỏ nghề hoặc xin chuyển về xuôi. “Dù vật chất, điều kiện thiếu thốn nhưng được sống với bà con, với học trò nghèo mà đong đầy tình cảm thì không gì hạnh phúc bằng. Đừng suy nghĩ quá nhiều bởi hạnh phúc không phải do hoàn cảnh mang lại, mình tự tạo được niềm vui thôi”. 

Cô giáo Hồ Thị Tâm (GV Ngữ văn, Trường THPT Quốc học – Thừa Thiên - Huế) tâm sự: “Cũng có những lúc tưởng chừng như không thể bước lên bục giảng, chỉ mong con đường đến trường cứ dài mãi, nhưng cứ bước chân vào lớp, tôi lại quên hết mọi chuyện để đắm say với bài giảng, với học sinh; cũng bần thần cả người khi đứng trước một đứa học trò lầm lỳ, hỏi không thưa la không nói, để sau đó là những đêm dài nhắn tin đến mờ mắt, mong sao HS chia sẻ với cô giáo để còn biết cách mà hỗ trợ. Làm những điều đó là bởi mình ý thức được nghề, ít ra, mình biết mình cần phải xấu hổ trước học trò”. 

Từ những trải nghiệm của bản thân, thầy Nguyễn Đình Hòa cho rằng: “Muốn giữ lòng yêu nghề thì anh phải có tình yêu với nghề đã. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Anh phải có “nội lực” là trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp. Anh còn phải có sự “trợ lực” là sự hỗ trợ của gia đình, lãnh đạo, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh...”. 

Trong cách soi chiếu như vậy, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, trước đây là Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng: “Có rất nhiều điều mà CBQL giáo dục có thể triển khai, áp dụng nhằm giúp giảm bớt “độ căng” cho giáo viên, để tình yêu nghề trong họ bớt bị xói mòn”. Ông Vĩnh ví dụ: Nếu cơ ngơi trường lớp luôn phải được chỉnh trang, xanh sạch đẹp, có phòng đón tiếp phụ huynh thì rõ ràng tâm lý của phụ huynh sẽ thoải mái hơn nhiều là đứng trao đổi với giáo viên ở ngoài hành lang hay thậm chí là dưới nắng. Chúng ta đừng nghĩ rằng không phải trường học phải được đầu tư mới mới là khang trang sạch đẹp. 

Tâm lý chung là bước vào một ngôi trường khang trang, nền nếp, có quy củ từ bảo vệ cho tới người đứng đầu thì tâm thế của phụ huynh sẽ khác hẳn. Nhà trường cũng nên có nhiều kênh tiếp nhận những phản ảnh của phụ huynh và học sinh. Nếu thủ trưởng thân thiện thì mọi người sẽ được nói tiếng nói của mình. Trước những bức xúc của phụ huynh, nếu cán bộ quản lý giỏi, có kinh nghiệm thì sẽ mời phụ huynh vào phòng làm việc, lắng nghe, trao đổi lớp lang, thậm chí là nhận lỗi về mình nếu như giáo viên sai. Ông Vĩnh cho rằng, vai trò của người quản lý là phải giảm thiểu tối đa những bất lợi cho HS và GV trong suốt quá trình dạy - học. “Áp lực cho giáo viên cũng đến từ bệnh hình thức của cán bộ quản lý. Chẳng hạn như đón tiếp đoàn đến tham quan nhà trường thì cứ bình thường thôi, sao phải bắt học sinh tập đứng xếp hàng đón từ cổng, tập vẫy cờ hoa…” – ông Vĩnh ví dụ. 

Rất nhiều thầy cô giáo đang “truyền lửa” cho học sinh theo cách của riêng họ. Chính tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những thời khắc nản lòng, những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để neo lại với nghề.

Để giữ được tình yêu nghề theo năm tháng, trước những áp lực từ cả phía học sinh, phụ huynh, trước những đòi hỏi của xã hội và yêu cầu đổi mới để thích ứng với sự phát triển của giáo dục là khó hay dễ thì rất khó nói. Có những người yêu nghề, tha thiết với nghề đến mức khổ mấy, khó mấy họ cũng có thể vượt qua được để neo lại với nghề. Đó gọi là nghiệp. Nhưng quả thật cũng không phải dễ để duy trì tình yêu với nghề dạy học. Nhiều người đã phải bỏ nghề. Nhưng đau lòng hơn cả là những người còn trong nghề nhưng tình yêu nghề đã nhạt. Bí quyết để tình yêu nghề của mình không vơi đi theo năm tháng, đó là phải quên đi những vi phạm, những lỗi của HS và vui mừng với những tiến bộ, thay đổi của các em; tạo mối quan hệ thầy – trò – phụ huynh thân thiện, thoải mái thì mọi thứ sẽ rất nhẹ nhàng. - Thầy Nguyễn Đình Hòa (GV Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.