Nuôi dưỡng lòng vị tha cho trẻ

GD&TĐ -  Lòng vị tha là một trong những phẩm chất tốt đẹp không thể thiếu để giúp trẻ cho cuộc sống hạnh phúc hơn.

Trẻ cần biết tôn trọng người khác mới hình thành lòng vị tha. Ảnh minh họa
Trẻ cần biết tôn trọng người khác mới hình thành lòng vị tha. Ảnh minh họa

Vì vậy, cha mẹ cần có những phương pháp thích hợp để dạy con từ sớm.

Giúp trẻ bỏ qua những xung đột

Có nhiều cha mẹ cho rằng, con cái của mình còn quá nhỏ để có thể hiểu về giá trị của lòng nhân hậu, sự vị tha. Nhưng việc trang bị cho con những kiến thức cần thiết trong cuộc sống cực kì quan trọng. Điều này giúp con trẻ hạnh phúc hơn trong tương lai.

Việc dạy dỗ con trẻ đòi hỏi những người làm cha, làm mẹ cũng như những người chăm sóc trẻ phải có kiến thức, chuyên môn, tình yêu thương. Cùng với đó là sự thống nhất trên quan điểm, tư tưởng để quá trình dạy trẻ được thuận lợi, có kết quả tốt. Lòng nhân hậu, sự vị tha là một trong những phẩm chất rất quan trọng mà trẻ cần có được; Là hành trang giúp trẻ vững bước hơn trong cuộc sống tương lai sau này.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Kỹ năng sống Ngôi sao (Hà Nội), cho rằng, người lớn cần dạy trẻ đơn giản hóa mọi khái niệm phức tạp ngay từ nhỏ.

Theo đó, cha mẹ để cho con hiểu cần xua tan đi sự giận dữ là tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Đây không phải là một việc đơn giản vì trẻ chưa nhận thức đầy đủ được như người lớn. Tuy nhiên, cha mẹ nên giúp trẻ hiểu được rằng sự tha thứ lúc này là vô cùng quan trọng. Con người có trở nên tốt hơn hay không chính là tiếp tục có được cơ hội để hoàn thiện.

Bà Giang cho rằng, từ những năm đầu đời, trẻ đã phải đối mặt với những xung đột khác nhau. Dù đó là một cuộc xung đột rất đơn giản như tranh nhau chỗ ngồi, đồ chơi… Ở lứa tuổi này, xung đột dễ bị lãng quên nhưng khi trẻ lớn lên, các cuộc xung đột xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn cho dù đó chỉ là sự bất đồng ý kiến với người bạn thân nhất về điều gì đó xảy ra ở trường.

Các cuộc xung đột này cần giải quyết ngay từ khi còn nhỏ, không được để đến khi lớn lên vì chúng có thể khiến người trong cuộc cảm thấy giận dữ và đau đớn hơn. Từ đó, dẫn tới những hệ quả phiền muộn hơn. Lúc này, sự vị tha chính là điều thật sự quan trọng và cần thực hiện.

Có những trẻ nhỏ nhanh quên cơn giận dữ, không tỏ thái độ “thù dai”, nhớ lâu đối với hành vi không tốt của người khác với mình. Nhưng có những trẻ lại khắc sâu điều đó vào tâm lý. Việc làm đó hoàn toàn không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Là cha mẹ, không ai muốn con cái mình bị ám ảnh bởi sự giận dữ, tức tối với người khác. Ai cũng mong muốn con cái được sống vui vẻ, cuộc sống tràn ngập tiếng cười. Vì thế, hãy dạy cho con về lòng nhân hậu, vị tha.

Tôn trọng để sống vị tha

Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có lúc mắc sai lầm, có lòng nhân hậu, sự vị tha bản thân chúng ta sẽ biết bao dung, tạo cho người khác cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Trong đó, cần có sự tôn trọng cần thiết với mọi người thì mới nuôi dưỡng được lòng vị tha.

Chuyên gia nhận định, sự tôn trọng là cần thiết. Cha mẹ hãy dạy con biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Từ sự tôn trọng, con biết đối với từng tình huống con sẽ ứng xử như thế nào cho phù hợp. Sự vị tha có được cũng từ việc con biết tôn trọng giá trị của người khác. Bản thân con cần nhận thức được rằng người khác cũng như bản thân mình, có những mong muốn cần thấu hiểu, yêu thương.

Nhiều cha mẹ thường dạy con rằng phải biết tôn trọng bạn bè, thầy cô, người lớn tuổi… Tuy nhiên, nếu chỉ nói chung chung như thế, trẻ nhỏ chưa chắc đã hiểu “tôn trọng” thực sự là gì và cần phải làm như thế nào?

Tác giả sách hạt giống tâm hồn và rèn luyện kỹ năng, ThS Nguyễn Tú Lê cho rằng: “Cha mẹ không nên chỉ nói “ra rả” suốt ngày rằng “con hãy tôn trọng mẹ”, “con cần tôn trọng mọi người”… Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học chưa chắc đã hiểu được điều cha mẹ chỉ “nói” mà không “hành động”. Thay vào đó, nên nói với con cần thể hiện thái độ gì, lời nói nào trong mỗi tình huống đó, và giải thích cho con hiểu, như thế có nghĩa là con đang tôn trọng đối phương”.

Mọi người sống trong cùng một môi trường, có sự tác động qua lại lẫn nhau, việc giúp đỡ người khác là điều cần thiết. Cha mẹ nên tạo ra nhiều cơ hội để con được giúp đỡ, chia sẻ công việc với những người xung quanh. Điều đó giúp con hiểu được giá trị của lao động và sự quan tâm, chia sẻ với người khác thật đáng trân quý.

ThS Nguyễn Tú Lê cũng cho biết thêm, trước khi dạy trẻ tôn trọng người khác, hãy dạy con tôn trọng chính bản thân mình trước. Nhiều cha mẹ cho rằng, đó là cách dạy con sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân.

Thực tế, biết cách ưu tiên bản thân là để con biết cách chăm sóc, bảo vệ chính mình trước khi muốn tiếp cận bất cứ ai. Chỉ khi con hiểu được giá trị của hành động, lời nói do mình gây ra thì con mới biết cách để tôn trọng mọi người.

“Ngoài gia đình nhỏ, mẹ hãy cho bé làm quen với những thành viên khác trong họ hàng, khuyến khích bé làm quen với nhiều bạn cùng trang lứa khi đi học. Hơn thế, tạo điều kiện để bé tiếp xúc với những người xung quanh như hàng xóm, người phục vụ bàn, tài xế taxi... Khi giao tiếp nhiều hơn, bé sẽ có góc nhìn xã hội đa chiều hơn. Đây chính là nền tảng trước nhất để có sự thấu hiểu và quan tâm người khác”, ThS Nguyễn Tú Lê nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Kỹ năng sống Ngôi sao (Hà Nội): Cha mẹ nên tận dụng những xung đột của trẻ để dạy con về sự vị tha đó là trong các mối quan hệ bạn bè. Con cần biết mở lòng, khoan dung với những lỗi lầm của bạn, không nên ích kỷ, coi mình là trung tâm mà đánh giá thấp bạn bè xung quanh. Đặc biệt, khi chơi đồ chơi với bạn, con không tranh giành, nếu bạn thích đồ chơi đó, con có thể nhường cho bạn. Nếu bản thân con không thể nhường thì hãy thỏa hiệp, thuyết phục cùng chơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ