Chúng ta thường để sự tức giận đẩy bản thân xa khỏi những người thân yêu của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là rộng lòng tha thứ, trân trọng những gì bản thân đang có.
Xây dựng cây cầu kết nối
“Có hai anh em nọ sống bên nhau ở một làng quê nhỏ, cùng nhau chịu khó làm ruộng, giúp đỡ lẫn nhau. Hai anh em từ trước đến giờ luôn yêu thương và giúp sức nhau hết lòng. Tuy nhiên, vì một hiểu lầm nhỏ mà dần xa cách nhau, không chuyện trò. Cả hai bên đều lặng im trong nhiều tuần, ẩn nhẫn sự tức giận trong đó.
Một ngày nọ, có người thợ mộc già gõ cửa nhà anh trai. Ông nói: “Tôi hoàn toàn có thể làm và sửa chữa thay thế được nhiều thứ, nhà anh có cần sửa gì không?”. Người anh trai ngẫm nghĩ một chút rồi đáp: “Được, tôi có việc làm cho bác đây”.
Rồi người anh dẫn người thợ mộc già ra sau nhà và chỉ: “Nhà bên cạnh là nhà em tôi, rất lâu rồi có con lạch nhỏ giữa hai nhà chúng tôi. Gần đây, em tôi đã cố ý trồng thật nhiều cây cao và đào rộng con lạch ra, biến nó thành ranh giới giữa hai nhà. Bác nhìn thấy rồi đấy, thế nên, bác hãy dựng hẳn một hàng rào cao 3 mét cho tôi. Tôi không muốn nhìn thấy khuôn mặt của nó nữa”.
Người thợ mộc già nghĩ thầm trong một vài phút rồi nói: “Tôi hiểu rồi”. Sau đó, người anh trai giúp người thợ mộc già mang gỗ và dụng cụ ra sau nhà, rồi tất tả ra đồng làm. Đến buổi tối, người anh về nhà, thấy người thợ mộc đã làm xong việc được giao. Khi ra sau nhà kiểm tra, người anh bất ngờ, khuôn mặt bần thần và không hề nói gì.
Hoá ra, nơi đáng lẽ là một hàng rào cao, to chắc thì lại là một cây cầu. Ở thành cầu gỗ được chạm khắc tỉ mỉ như một tác phẩm nghệ thuật. Cùng lúc đó, người em trai cũng vô tình nhìn thấy cây cầu. Anh ta nhanh chóng chạy qua cầu và ôm lấy anh trai mình, xúc động nói: “Anh, anh đã xây một cái cầu nối hai nhà, sau tất cả những gì em đã nói và làm không phải với anh… Em xin lỗi anh rất nhiều”. Người anh trai cũng bật khóc.
Trong khi hai anh em đang ôm, xin lỗi nhau và lý giải mọi chuyện, người thợ già cũng sắp xếp, dọn đồ, dụng cụ, chuẩn bị đi về. Người anh vội quay lại nói: “Bác đừng vội đi, hãy ở lại ăn với chúng cháu bữa cơm. Cháu nghĩ mình có nhiều đồ cần bác sữa chữa nữa”.
Người thợ mộc già cười hiền nói: “Tôi cũng thích ở lại lắm, nhưng tôi còn nhiều cây cầu cần làm và thứ cần sửa ở những nơi khác nữa, cậu trai ạ…”.
Câu chuyện cũng là lời nhắn nhủ tới tất cả mọi người rằng, chúng ta thường để sự tức giận đẩy bản thân xa khỏi những người thân yêu của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là rộng lòng tha thứ, trân trọng những gì bản thân đang có.
Thực tế, quá khứ không hề đổi khác được, nhưng tương lai thì hoàn toàn có thể. Không thể chỉ vì mâu thuẫn mà hoàn toàn phá đi sự liên kết bền chặt. Việc luôn vị tha với mọi người xung quanh, kiến thiết xây dựng cây cầu kết nối là vô cùng cần thiết.
Cha mẹ cần dạy trẻ biết tha thứ dù với cả những người từng mắc lỗi. Ảnh minh họa. |
Hỗ trợ về mặt tinh thần
Các phụ huynh Nhật Bản được biết đến là có phương pháp giáo dục tuyệt vời, xây dựng lòng vị tha ở trẻ. Theo các cha mẹ Nhật, yếu tố đầu tiên cần dạy con chính là nhân cách. Người Nhật luôn hướng tới việc dạy con phân biệt lý lẽ, giúp trẻ hiểu được những điều hay và dở. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu đâu là điều nên hay không nên làm.
Một số cách mà cha mẹ Nhật thường áp dụng là đặt ra các giả thiết, tình huống cho trẻ. Đồng thời, giúp trẻ tìm hướng giải quyết và cách ứng xử phù hợp trong từng tình huống. Phương pháp này sẽ khiến các bé tập làm quen và không bị bối rối nếu gặp trường hợp tương tự trong cuộc sống thường ngày.
Môi trường là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tính cách của trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia tâm lý, một môi trường lành mạnh sẽ giúp trẻ học hỏi nhanh, hình thành nhân cách tốt. Ngược lại, trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh, hay mang nhiều suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực khi chịu ảnh hưởng từ sự thiếu chăm sóc của gia đình, thường xuyên giao du với người xấu.
Do đó, theo các chuyên gia, phụ huynh cần trở thành hình mẫu cho con, thậm chí là từ những việc nhỏ nhất, như: Nhặt được đồ rơi đem trả lại, giúp đỡ người khác trong khả năng… Những việc làm này sẽ dần hình thành cho trẻ một tấm lòng bao dung.
Nhiều cha mẹ thường bày tỏ sự ủng hộ khi thấy con mình biết giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn hơn. Tuy nhiên, phần lớn trẻ thường ủng hộ tài chính, quần áo. Đó là sự hỗ trợ về mặt vật chất.
Thực tế, trẻ nhỏ chưa biết hỗ trợ người xung quanh về mặt tinh thần. Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao cho rằng con người phải sống và tồn tại trong các mối quan hệ. “Hãy hình dung những người sống cạnh nhau nhưng không bao giờ thổ lộ tình cảm, yêu thương chăm sóc. Khi đó, cuộc sống không còn giá trị. Những người sống bên cạnh nhau, cùng làm việc, có thể gặp mâu thuẫn về quan điểm, tính cách,... Khi đó, chúng ta phân định người này đúng, người khác sai, dẫn đến mất sự kết nối”, TS Dao cho biết.
Tuy nhiên, lòng vị tha sẽ giúp con người có thể tha thứ, kết nối lại sau những xung đột trong cuộc sống. Việc giáo dục lòng yêu thương, lòng vị tha cho trẻ là điều nên làm. Nhờ đó, trẻ có khả năng sống và làm việc chung với người xung quanh.
Điều quan trọng đầu tiên là trẻ cần có cảm xúc, cảm nhận. Ví dụ, nhìn thấy bà hôm nay không khoẻ như mọi khi, bé có thể cảm nhận được rằng, hôm nay bà buồn, bị ốm. Khi nhìn thấy thiên nhiên đẹp, bé nhận thấy rằng, cảnh quan thật đẹp. Sau khi cảm nhận, điều tiếp theo là trẻ cần biết thể hiện bằng nét mặt, ánh mắt, lời nói.
Ví dụ, khi biết bà không khoẻ, bé có thể nói: “Bà ơi, hôm nay bà không khoẻ, cháu nấu cháo cho bà ăn nhé?”. Nếu chưa nấu được cháo, trẻ có thể mang sữa cho bà. Đó là biểu hiện để mang giá trị yêu thương tới người xung quanh.
TS Quỳnh Dao lấy ví dụ, khi bị một người bạn giành đồ chơi, trẻ có thể cho rằng, bạn là người xấu và không chơi cùng. Thực tế, khi làm như vậy, trẻ không có lòng vị tha. Thay vào đó, trẻ cần biết tha lỗi cho những người xung quanh. Song, một số ý kiến cho rằng, không phải bất cứ ai cũng xứng đáng nhận được lòng vị tha.
Theo chuyên gia này, đây là vấn đề khó và mâu thuẫn khi phụ huynh dạy trẻ về lòng yêu thương và vị tha. Bởi, điều đó mâu thuẫn khi hướng dẫn trẻ nhận diện kẻ xấu. Khi nhỏ, trẻ cần được dạy về lòng yêu thương, vị tha. Song, cần rõ ràng rằng, người đó là ai. Bởi, nếu giáo dục cho trẻ tình yêu bao la, nhưng bé chưa phân biệt được đúng sai, kẻ xấu có thể lợi dụng sự ngây thơ, khả năng nhận thức của trẻ. Vì vậy, trẻ cần có kỹ năng nhận diện người xấu.
“Người xấu không phải là vẻ bề ngoài, mà là kẻ có thể xâm hại đến trẻ. Kẻ xấu có biểu hiện xâm hại về thân thể, lừa gạt trẻ. Đó là kỹ năng để trẻ tự bảo vệ bản thân. Kỹ năng tự bảo vệ và yêu thương cần được hình thành song song, nhưng cũng nên được tách bạch”, TS Dao nhấn mạnh.
Không chỉ cảm nhận, trẻ cần biết cách thể hiện lòng vị tha. Ảnh minh họa. |
Giáo dục lòng vị tha theo từng tuổi
Để giáo dục tình yêu thương cho trẻ, cha mẹ cần giúp các bé cảm nhận. Trong điều kiện quá thuận lợi, trẻ không được tiếp xúc với những hoàn cảnh kém may mắn hơn. Do đó, trẻ chưa cảm nhận được.
Vì vậy, trong trường hợp trường tổ chức hoạt động từ thiện, quyên góp, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tham gia và ủng hộ. Từ đó, giúp trẻ hình thành giá trị cao hơn, đó là có lòng thương yêu với những người hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Nhờ vậy, giúp trẻ có hành vi đạo đức, thể hiện sự thương yêu và chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ tham gia vào hoạt động xã hội. Hoặc thậm chí, phụ huynh có thể tổ chức hoạt động thiện nguyện để con tham gia. Ví dụ, khi về quê, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ mang những quyển sách cũ về tặng mọi người.
“Ở từng độ tuổi, cách giáo dục lòng yêu thương và vị tha cũng khác nhau. Ở tuổi nhỏ, trẻ cần được nuôi dưỡng cảm xúc, biết cảm nhận. Ví dụ, khi cho trẻ trồng cây, quan sát cây lớn, đó cũng là cảm xúc đẹp mà bé có thể cảm nhận được. Tất cả hoạt động là để trẻ cảm nhận những điều nhỏ”, TS Dao chia sẻ.
Khi trẻ lớn hơn, bé bắt đầu hình thành hiểu biết về việc như thế nào là người tốt, xấu, cần sự trợ giúp. Cao hơn nữa là cha mẹ nên hướng dẫn kỹ năng để trẻ thể hiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn, biết chia sẻ. Tuy nhiên, có những trẻ biết cảm nhận, nhưng không có kỹ năng thể hiện điều đó. Khi đó, người lớn cần hướng dẫn trẻ cách biểu hiện tình yêu thương.
Trẻ trên 14 tuổi bắt đầu có khả năng nhận thức các mối quan hệ xã hội. Cha mẹ cần hướng dẫn rằng, sự vị tha của trẻ nên được đặt vào đâu. Trẻ cần biết tha thứ cho cả những người từng mắc lỗi nghiêm trọng. Bởi, đối với người từng sai lầm, thậm chí đã gây hậu quả nghiêm trọng, thì sự vị tha vẫn là cần thiết.