Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm Nga và vào tháng 6 tới, Tổng thống V.Putin có chuyến thăm Trung Quốc. Tất cả những động thái trên cho thấy, Moskva đang tích cực khẳng định chính sách hướng Đông của họ.
“Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì mục đích chung”
Đó là chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ 3 trong 11 năm qua. Đây cũng là dịp kỷ niệm 20 năm đối thoại Nga - Asean. Trước đó, Nga đã đối thoại với Chính phủ Thái Lan về việc gia nhập khu vực thương mại tự do của nước này. Vào ngày 18/5, trong khuôn khổ cuộc gặp giữa Thủ tướng hai nước, tuyên bố chung không được công bố nhưng các bên đã ký kết hơn 10 thỏa thuận và ghi nhận sự giảm thiểu của doanh số thương mại giữa hai bên đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục.
Với Campuchia, Nga đã ký kết thỏa thuận về hợp tác đầu tư đến năm 2020, trong đó chú trọng các lĩnh vực như xây dựng nhà máy điện, hợp tác trong nông nghiệp và viễn thông. Moskva hy vọng rằng, Campuchia sẽ trở thành đối tác chiến lược với Nga trong thời gian ngắn nhất.
Trong tháng 11/2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Malaysia, các bên đã ký kết thỏa thuận về kinh tế, chính trị và hành chính.
Nói như thế để có thể hiểu rằng, để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Sochi, Nga chuẩn bị khá chu đáo.
Điểm nổi bật trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này là các hợp đồng vũ khí giữa Nga và Asean được ký kết. Thái Lan xem xét việc mua trực thăng Mi-17V5 của Nga thay thế cho CH-47 của Mỹ và Indonesia tiếp tục mua máy bay Su-35 của Nga. Ngoài ra, Nga và Indonesia đã ký kết một bản ghi nhớ về việc xây dựng tuyến đường sắt dài 190 km và Myanmar mua máy bay huấn luyện Yak-130. Nhìn chung, quan hệ Nga - Asean có nhiều tiềm năng, chỉ tiếc là các bên chưa thể hiện đúng “phong độ” của mình. Chính vì vậy, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Asean lần 3 này được coi là “cú hích” để chiến lược quay trở lại châu Á của Nga thành công.
“Cửa ngõ” vào Asean của Nga
Quan hệ Nga - Việt là quan hệ truyền thống. Chính vì vậy, Moskva luôn coi trọng mối quan hệ này và coi Việt Nam là “cửa ngõ để Nga thâm nhập vào các nước Asean. Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Asean ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga đứng đầu.
Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam vẫn là đối tác trung thành nhất của Nga ở Đông Nam Á. “Nó không chỉ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của người đồng nhiệm của tôi đến nước ta mà còn là chuyến công du nước ngoài đầu tiên (của ông), chúng tôi đặc biệt hoan nghênh. Tôi thấy điều này như biểu tượng của sự tin cậy đặc biệt giữa hai nước chúng ta” - Thủ tướng Nga D.Medvedev chào đón chuyến công du nước Nga của tân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Moskva đánh giá Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh số thương mại giữa hai nước chưa xứng đáng với tiềm năng ấy. Nga là nước lớn mà trong năm 2014, Moskva chỉ đầu tư vào Việt Nam có 1,961 tỷ USD, trong khi Việt Nam đầu tư vào Nga tới 2,4 tỷ USD. Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong danh sách các nước mua vũ khí của Nga, sau Ấn Độ và Venezuela.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Asean lần này, Moskva tuyên bố đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, coi nước này là “cửa ngõ” để chinh phục các nền kinh tế đầy tiềm năng của Asean. Người Nga thừa hiểu vai trò của Việt Nam trong cộng đồng kinh tế Asean là rất lớn. Trên cơ sở quan hệ truyền thống, Moskva hy vọng vào “cầu nối” này và tin rằng, mặc dù là thành viên của TPP, là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, nhưng Việt Nam sẵn sàng đáp ứng lòng mong mỏi Moskva.