Trong khoảng thời gian dài, người dân cả nước xót xa trước thông tin bé Thiện Nhân vừa ra đời bị chính đấng sinh thành bỏ rơi, bị chó ăn mất một chân và bộ phận sinh dục. Thiện Nhân không phải trường hợp duy nhất khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Trên đất nước hình chữ S, có rất nhiều người có bộ phận sinh dục không bình thường. Đó là bí mật đầy nước mắt, không dễ dàng chia sẻ cùng ai.
Thanh niên có "chú chim" chẻ làm đôi
Đưa mắt nhìn sang cậu con trai 17 tuổi, chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không khỏi xót xa. Có lẽ, chị là một trong những phụ huynh hiếm hoi có thể cởi lòng tâm sự về bệnh thầm kín của con.
Giọng nghẹn đắng, chị kể, ngày biết có thai, hạnh phúc đến rơi nước mắt. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi đi siêu âm nhận được thông tin đứa bé là con trai. Hơn 9 tháng, hôm nào chị cũng mường tượng ngày được đón đứa con chào đời.
Ngày lâm bồn, dù đau đớn nhưng khi nghĩ đến con, chị lại nhủ lòng “cố lên”. Đứa con lọt lòng chỉ nặng 2kg, do sức khỏe quá yếu nên không thể ở bên mẹ. Nằm trên giường, chị hỏi chồng và người thân về con. Ai cũng trả lời: “Bé khỏe”, nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt chị. Là một người mẹ, chị cảm nhận có điều gì đó không hay đối với giọt máu của mình.
Ba ngày sau, chồng chị thông báo con trai không có lỗ hậu môn, phải chuyển ra bệnh viện Trung ương Huế để phẫu thuật tạo lỗ hậu môn. Nước mắt người mẹ ứa ra. Chị đành chấp nhận sự thật. Người thân thấu hiểu nỗi đau của chị nên nhẹ nhàng động viên, khuyên nhủ.
Vừa lấy lại được chút tinh thần, chị giật thót mình khi được người thân tiết lộ, con không chỉ không có lỗ hậu môn mà bàn chân khèo, u thần kinh, “chim” bị chẻ làm đôi và bàng quang bị lộ ra ngoài. Trái tim người mẹ như thắt lại.
25 ngày kể từ khi sinh, lần đầu tiên chị được gặp con. Ôm con bé xíu, mỏng manh với đầy nếp nhăn trong tay, nước mắt người mẹ lại ứa ra. Trong ký ức, những ngày đón con chào đời chỉ là nước mắt và nỗi lo lắng.
“Là cha, là mẹ, ai cũng mong, con mình sinh ra xinh trai, đẹp gái và giỏi giang. Nhưng khi con gặp điều không may mắn thì điều mong muốn lớn nhất lại là con được bình thường. Đó cũng là niềm mong ước lớn nhất của tôi trong suốt 17 năm qua”, chị Thảo nói.
Đầy tháng, vợ chồng chị đặt tên cho con trai là Đinh Văn Khôi với hy vọng lớn lên con sẽ được khôi ngô, tuấn tú và tìm lại đầy đủ hình hài như bao nhiêu người bình thường khác. Chị chăm bẵm con từng li, từng tí.
Theo thời gian, Khôi cũng lớn khôn nhưng không phát triển kịp những đứa trẻ khác. Khi gặp chúng tôi, em 17 tuổi nhưng ngoại hình chỉ như một đứa trẻ vừa tốt nghiệp tiểu học.
Khôi đã 17 tuổi nhưng ngoại hình chỉ như một đứa trẻ vừa tốt nghiệp tiểu học.
Chị Thảo cho biết, Khôi đã sáu lần phẫu thuật ở Đà Nẵng, ba lần ở Hàn Quốc và rất nhiều lần nhập viện chờ mổ nhưng do sức khỏe không đảm bảo nên không được thực hiện. Mỗi lần Khôi bước vào phòng mổ, người mẹ lại lo lắng.
Nhưng đằng sau sự lo lắng ấy là cả một niềm tin lớn. Mỗi lần phẫu thuật, bác sỹ lại lấy da ở bụng để đắp lên vết mổ. Đến nay, da bụng không còn nữa nên phải sử dụng da ở chỗ khác.
Hai năm trước, chị Thảo biết được chương trình tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may. Chương trình có sự tham gia của giáo sư Roberto DeCastro (người Ý), chuyên gia hàng đầu thế giới về tái tạo bộ phận sinh dục nên gia đình làm hồ sơ đăng ký cho Khôi được khám. Mới đây, em được đội ngũ các bác sỹ khám và xác định bệnh tình rất nặng.
Bác sỹ khẳng định, có thể tạo hình dương vật với chức năng tiểu tiện nhưng không thể xác định có thể giúp em có khả năng duy trì nòi giống hay không. Bởi muốn biết chính xác thì phải thực hiện gây mê khám sâu. Đồng thời, bác sỹ sẽ lấy da ở đùi để tạo hình dương vật.
Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi có thể nhận thấy tâm trạng rối bời của chị Thảo. Chị vẫn không biết liệu tương lai Khôi có tìm lại được bản năng của một người đàn ông thực thụ hay không. Nhưng chị vẫn tin khi gặp Giáo sư Roberto DeCastro, cuộc đời con trai chị sẽ bước sang một trang mới.
“Chú lính chì” đặc biệt
Trong căn nhà nhỏ cũ kỹ, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thi và chị Nguyễn Thị Hồng Oanh (ngụ huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) ngân ngấn nước mắt khi có người gợi nhớ về vụ tai nạn cướp mất gần như cả cuộc sống của cậu con trai thứ hai. Chị Oanh lãng tai nặng, chỉ có thể nhìn khẩu hình để đoán người đối diện nói gì. Chị kể lại chuyện cũ rành mạch, đôi lúc đứt đoạn bởi giọng nấc nghẹn.
Vào năm 2006, con trai thứ hai là Nguyễn Văn Danh vừa tròn 18 tháng tuổi. Một hôm, chị ham chăm đàn lợn, quên để mắt đến con. Lúc này, Danh không nhìn thấy mẹ, chập chững theo đường tắt ngang qua đường ray tìm mẹ.
Khi vừa bước đến đường ray, xe lửa chạy vụt đến, cháu bị hất văng ra xa, mất chân trái, hậu môn và bộ phận sinh dục không còn... Hàng xóm chạy đến tìm chân trái với hy vọng có thể phẫu thuật ghép lại. Tuy nhiên, chiếc chân trái của cháu bị đoàn tàu cán nát.
Khi biết sự việc, chị Oanh ngất xỉu tại chỗ. Anh Thi là bác sỹ thú y, đang đi làm, nghe tin lập tức về nhà. Đến nhà, con trai đã được đưa đi bệnh viện Cam Ranh, nhưng do bệnh tình quá nặng, cháu được chuyển vào bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Bác sỹ phẫu thuật lấy da mông đắp vào phần thân dưới bị tàu nghiến nát và dùng một đoạn ruột làm ống dẫn chất thải ra ngoài trên thành bụng.
Từ đó, Danh luôn mang bên mình một túi đựng chất thải đeo bên bụng. Việc tiểu tiện, đại tiện của cháu đều “tự ra”, chưa một lần thực hiện theo bản năng. Mặc dù vậy, lớn lên theo thời gian, cháu cũng dần thích nghi với cuộc sống. Cháu có thể đi bằng cách nhảy lò cò, đạp xe bằng một chân... Mỗi khi đang đứng, nếu muốn ngồi xuống, cháu thả tự do để người rơi xuống đất.
Trong lòng, vợ chồng anh Thi luôn cảm thấy dằn vặt về vụ tai nạn, canh cánh mong ước có một phép màu đối với con trai. Vào tháng 8/2011, anh Thi nhận được điện thoại của một người phụ nữ nói về chương trình phẫu thuật bộ phận sinh dục miễn phí tại Thủ đô. Vợ chồng anh liền vay mượn tiền làm lộ phí đưa con ra Hà Nội khám và chữa.
Anh Thi chia sẻ, từ đó đến nay, con trai khám rất nhiều lần và được mổ ba lần. Vào giữa tháng 7/2015, cháu được mổ lần thứ tư tại TP.HCM. Cả bốn cuộc phẫu thuật đều nhằm tái tạo và hoàn thiện hậu môn. Khi chức năng hậu môn được hoàn thiện thì việc tái tạo lại bộ phận sinh dục mới được tiến hành.
Trong cuộc trò chuyện, anh Thi cho biết, khi còn nhỏ, Danh thường cùng cha đến trường đón anh trai. Về đến nhà, cháu luôn nằng nặc đòi được đi học giống anh. Là người cha, anh cũng muốn điều ấy xảy ra. Trong thâm tâm đầy những hoài nghi và lo lắng, con trai anh mang trên mình một túi chất thải, mất một chân, mất bộ phận sinh dục, trên người đầy sẹo, liệu có thể đi học được hay không? Khi đến trường, cháu liệu có vượt qua được mặc cảm trước sự nhìn ngó, săm soi của mọi người?
Nhưng, trước sự ham thích của con, anh cũng đồng ý. Đến nay, cháu đã hoàn thành xong chương trình lớp 4 với danh hiệu học sinh tiên tiến. Mùa hè này, bên cạnh việc chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật lần thứ tư, cháu còn chuẩn bị bài vở để bước lên lớp 5.
“Mặc dù con đường đi tìm lại cuộc sống cho con trai vẫn còn dài lắm nhưng vợ chồng tôi sẽ tiếp tục. Gia đình nghèo khó, nhưng rất may, cháu được những tấm lòng hảo tâm tài trợ phẫu thuật miễn phí. Quả thật, chính chương trình đang, đã và sẽ là mầm sống, tiếp sức cho cháu và gia đình chúng tôi”, anh Thi tâm sự.
Ngược xuôi vì con Gặp PV tại bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, chị H’Linh (ngụ tỉnh Đắk Lắk) vừa bồng đứa con gái trên tay vừa ngại ngùng: “Tôi chỉ mới sinh được chín ngày nên cháu chưa có tên. Khi sinh, thấy bộ phận sinh dục của cháu không bình thường, tôi lo lắm! May sao, trong đợt tôi sinh, bác sỹ Roberto DeCastro cùng đoàn từ thiện đến khám nên con tôi được bệnh viện đưa vào danh sách. Bác sỹ cho biết, bàng quang cháu bị lộ ra ngoài, ảnh hưởng đến chức năng đại tiểu tiện. Trường hợp của cháu rất phức tạp, nếu để lâu thì sẽ sinh ra nhiều biến chứng, như tiểu tiện không tự chủ được”. Chị H’Linh bồng đứa con vừa sinh trên tay. |