Nước cờ kinh tế của Trung Quốc vô tình phá hủy kế hoạch phi đô la hóa?

GD&TĐ - Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gây ra hậu quả cho Nga khi Moskva thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Nước cờ kinh tế của Trung Quốc vô tình phá hủy kế hoạch phi đô la hóa?

Ông Putin tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 năm ngoái đã nói rằng sự sụt giảm tầm quan trọng của đồng đô la Mỹ là "không thể đảo ngược" và Moskva cam kết sẽ "phi đô la hóa" nền kinh tế của mình, loại bỏ các loại tiền tệ của "những quốc gia không thân thiện".

Nhưng một yếu tố phức tạp đã xuất hiện, đó là khả năng mất giá của đồng nhân dân tệ khi Trung Quốc phải đối mặt với niềm tin tiêu dùng thấp, khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và nợ nần của chính quyền địa phương, cũng như hoạt động sản xuất sụt giảm trong 5 tháng gần đây.

Việc đồng nhân dân tệ mất giá sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc và tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất, điều đó có thể gây bất ổn cho thị trường tiền tệ toàn cầu và làm suy yếu sức hấp dẫn của đồng nhân dân tệ (đồng tiền mà Nga muốn dựa vào) so với đồng bạc xanh.

Ông Jay Zagorsky - Phó giáo sư về thị trường, chính sách công và luật tại Trường Kinh doanh Questrom của Đại học Boston nói với tờ Newsweek rằng:

“Điều chỉnh tỷ giá hối đoái không phải là cách dễ dàng hay đơn giản để phi đô la hóa nền kinh tế thế giới”.

“Thúc đẩy xuất khẩu bằng cách phá giá một đồng tiền không làm cho các quốc gia khác đột nhiên muốn sử dụng đồng tiền đang mất giá nhiều hơn”.

"Nếu có bất cứ điều gì, khi các nhà giao dịch tài chính bị ảnh hưởng bởi sự mất giá bất ngờ, họ muốn sử dụng đồng tiền đó ít hơn trong các giao dịch tương lai. Việc hạn chế sẽ giúp họ tránh được rủi ro từ thay đổi tỷ giá hối đoái".

Năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 130 tỷ USD hàng hóa sang Nga và nhập khẩu khoảng 110 tỷ USD.

Tuy nhiên ông Zagorsky lưu ý rằng hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT - thước đo đô la hóa nền kinh tế thế giới, xử lý khoảng 150 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Điều này có nghĩa là mặc dù ông Putin đã nói về mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc, điều này không tạo ra sự khác biệt lớn đối với lượng tiền tệ không phải của Mỹ chảy qua nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tham vọng phi đô la hóa của Nga.

Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tham vọng phi đô la hóa của Nga.

Bà Alicia García-Herrero - nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis nói với tờ Newsweek: “Nga cần phải phi đô la hóa bằng mọi giá, nhưng đối với các quốc gia khác có nhiều lựa chọn, chẳng hạn như Brazil, đồng nhân dân tệ yếu sẽ khiến họ không muốn nắm giữ”.

“Việc nhân dân tệ bị phá giá sẽ giúp Nga nhập khẩu nhiều hơn từ Trung Quốc. Tôi không nghĩ đó là vấn đề đối với Nga nhưng lại là vấn đề đối với những nước cạnh tranh với Trung Quốc ở các thị trường khác, bao gồm cả Đông Nam Á”.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng tháng thứ 17 liên tiếp, đây là một động thái nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng đô la và các loại tiền tệ phương Tây khác.

Nga đã tìm cách chuyển hướng xuất khẩu nguyên liệu thô sang phương Tây - nơi họ bị trừng phạt, sang Trung Quốc, ngoài ra Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường mua dầu của Nga.

Bắc Kinh có mối quan hệ đối tác "không giới hạn" với Nga, quốc gia năm ngoái đã vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất của Trung Quốc, sau các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva.

Sự tích lũy nhanh chóng của dầu mỏ cũng như vàng đã làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một "lớp đệm" chống lại những tác động tiêu cực có thể xảy ra do sự mất giá đồng nội tệ - điều mà nước này thực hiện lần cuối vào năm 2015.

Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục thúc đẩy sự độc lập nhiều hơn khỏi các hệ thống tài chính và tiền tệ phương Tây, sử dụng các loại tiền tệ "thân thiện", chẳng hạn như đồng nhân dân tệ, bằng cách tăng tỷ trọng dự trữ ngoại hối nhưng vẫn còn một chặng đường dài.

Ông Grzegorz Dróżdż, nhà phân tích thị trường tại Invest.Conotoxia.com nói với Newsweek rằng: “Kế hoạch phi đô la hóa do BRICS khởi xướng đang ở giai đoạn đầu thực hiện”.

"Ví dụ, Ấn Độ không muốn thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, và kế hoạch do Moskva cùng Bắc Kinh thúc đẩy để thanh toán bằng đồng nội tệ của các nước đang phát triển đã làm tăng chi phí và rủi ro cho dự trữ của ngân hàng trung ương".

Ông Dróżdż cho biết: “Việc củng cố vị thế của đồng nhân dân tệ được hỗ trợ bởi sự phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, cho phép đồng tiền này lưu hành ở Nga”.

"Điều này đã mang lại tính thanh khoản cho thị trường đồng nhân dân tệ của Nga, tạo điều kiện phát triển các giao dịch và đầu tư địa phương bằng loại tiền tệ này".

Khối BRICS vẫn chưa thống nhất được lộ trình tạo lập đồng tiền chung.

Theo Newsweek

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Du khách xếp hàng vào thăm quan Bắc Bộ phủ. Ảnh: Bình Thanh.

Trải nghiệm khó quên ở Bắc Bộ phủ

GD&TĐ - Lần đầu tiên di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng Bắc Bộ phủ - Nhà khách Chính phủ mở cửa đón khách tham quan và đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.