Nước Anh trước quyết định lịch sử

GD&TĐ - Chỉ còn ít ngày nữa, cuộc trưng cầu dân ý về chuyện đi hay ở lại EU của Anh sẽ diễn ra. Trong khi Mỹ và các nước EU ra sức kêu gọi Anh ở lại với khối này, rằng sự ra đi của London sẽ gây tổn thất lớn cho cả Anh lẫn EU thì người Anh có vẻ như chẳng mấy mặn mà với tư cách là thành viên của một tổ chức được cho là lớn nhất thế giới.  

Nước Anh trước quyết định lịch sử

Những con số làm đau đầu David Cameron

Kết quả 4 cuộc thăm dò dư luận xã hội vừa đồng loạt công bố vào tối thứ Hai cho thấy, số người Anh ủng hộ ý tưởng ra khỏi EU vẫn chiếm số đông. Đòn đánh đầu tiên nhằm vào nhóm có ý tưởng “ở lại” EU là kết quả điều tra xã hội học qua online và điện thoại do ICM công bố. Theo kết quả cuộc điều tra qua điện thoại được tiến hành từ ngày 10 - 13/6, 50% số người được hỏi ủng hộ việc nước này rời khỏi EU, chỉ có 45% đồng ý ở lại.

Cuộc điều tra qua online của ICM cũng được tiến hành trong 3 ngày và kết quả cho thấy có tới 5% cách biệt (49% - ra đi; 44% - ở lại). Cách biệt trong kết quả cuộc điều tra xã hội học về việc “đi hay ở” của Anh do YouGov tiến hành còn lớn hơn: 39% ở lại so với 46% ra khỏi EU. Cuối cùng, theo kết quả thăm dò của ORB, trong số những cử tri xác định chính thức tham gia cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới, có 49% chống lại việc Anh ở lại EU so với 48% ủng hộ ý tưởng ra đi.

Đòn đánh tiếp theo (được đánh giá là nặng nề hơn so với các kết quả thăm dò trên) vào nhóm người ủng hộ ý tưởng ở lại EU là do tờ The Sun, một tờ báo có ảnh hưởng lớn ở Anh mang lại. Trên trang nhất của tờ báo này đăng tải tuyên bố “Brexit” (ra đi) và kêu gọi tất cả các độc giả của tờ báo bỏ phiếu ủng hộ Anh ra khỏi EU vào ngày 23/6 tới.

Ra khỏi EU, Anh được hay mất?

Theo OECD, nếu ra khỏi EU, từ nay đến năm 2020, nền kinh tế Anh sẽ mất tới 3% GDP và kinh tế của các nước EU khác mất 1% GDP. Những hậu quả nhãn tiền dễ nhận ra là đồng bảng Anh suy yếu và dòng tài chính vào nước này sẽ giảm đi. Trong tương lai xa, nguy cơ lớn nhất đối với nước Anh là không được tiếp cận với thị trường duy nhất - EU.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính Anh, việc nước này ra khỏi EU sẽ làm nền kinh tế của họ sụt giảm 3,3% GDP đến năm 2020 và 5,1% đến năm 2030 (kịch bản tốt nhất là giảm 2,7%, xấu nhất là giảm 8% tùy thuộc vào khả năng của Anh trong việc tiếp cận vào các thị trường đơn lẻ của EU).

Vào thời điểm hiện tại, mặc dù chưa xác định rằng Anh “đi hay ở” đồng bảng Anh đã có nhiều biến động. Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, bảng Anh mất giá so với USD (từ 1,5 USD/bảng xuống còn 1,46 USD/bảng). Đặc biệt, vào ngày 6/6, đồng bảng Anh giảm 0,9% so với đồng đô la và giảm 0,7% so với đồng euro. Nguyên nhân là do cuộc trưng cầu dân ý gần nhất cho thấy tỷ lệ người Anh ủng hộ nước này ở lại EU thấp hơn so với tỷ lệ người Anh đòi ra khỏi EU. Đây là tỷ giá thấp nhất của đồng bảng Anh trong 3 tuần qua.

Vào thời điểm hiện tại, 45% doanh số xuất khẩu của Anh là vào thị trường EU, nhập khẩu từ EU là 55%. Nếu ra khỏi EU, London sẽ mất thị trường ưu đãi từ 53 quốc gia trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do.

Nếu đa số bỏ phiếu rời khỏi EU, các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ mất một năm rưỡi và có thể sẽ được tổ chức theo một trong các kịch bản sau đây: Gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), mà hiện nay bao gồm tất cả các nước EU, cũng như Iceland, Na Uy và Liechtenstein.

Trong trường hợp này, vẫn có thể tiếp cận với thị trường, nhưng sẽ phải trả tiền đóng góp cho ngân sách châu Âu và cơ hội để ảnh hưởng đến các quy định của EU sẽ không còn nữa.

Lựa chọn thứ hai - tương tự như Thụy Sĩ, nhưng sau đó sẽ áp dụng giới hạn cho các ngân hàng, thứ ba - theo định dạng của Liên minh Hải quan (Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng sẽ không có quyền truy cập vào thị trường duy nhất của dịch vụ tài chính.

Nói tóm lại, ra khỏi EU, Anh mất nhiều hơn được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ