Nữ tiến sĩ có duyên với hoạt động công đoàn

GD&TĐ - Là cán bộ công đoàn tiêu biểu, TS Hoàng Quý Châu - Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Quy Nhơn nhận thấy, mình có duyên với công đoàn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (bên trái) và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (bên phải) trao Bằng khen cho TS Hoàng Quý Châu tại buổi gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022. Ảnh: NVCC.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (bên trái) và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (bên phải) trao Bằng khen cho TS Hoàng Quý Châu tại buổi gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022. Ảnh: NVCC.

Chỉn chu với mọi việc

Tôi tin, khi ấy thì sức hút vào sư phạm sẽ còn cao hơn nhiều và sẽ tuyển được nhiều giáo viên có tâm huyết vào ngành Giáo dục.

TS TS Hoàng Quý Châu.

TS Châu thấy mình “có duyên” với công tác kiêm nhiệm, trong đó có công tác công đoàn. TS Châu tâm niệm, khi đến với hoạt động của tổ chức công đoàn, phải công tâm và biết đoàn kết, tập hợp mọi người.

Thời gian đầu, lại làm kiêm nhiên TS Châu gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong các phong trào, hoạt động của công đoàn, nhất là với đơn vị là cơ sở giáo dục đại học, với số lượng đoàn viên công đoàn đông, lên đến 750 người.

Đến nay, sau hơn 10 năm làm Chủ tịch công đoàn, TS Châu đã có được một “kho” kinh nghiệm quý trong công tác công đoàn. Trước hết, phải thật vững vàng về chuyên môn, tâm huyết với nghề; sống có bản lĩnh, vì quyền lợi chung. Đặc biệt phải tạo được niềm tin đối với đồng nghiệp và sinh viên.

“Tất cả mọi việc lớn, nhỏ, tôi đều lên kế hoạch từ sớm, chỉn chu và làm việc một cách có khoa học. Vì vậy, tôi luôn chủ động trong công việc. Để bảo đảm phát triển bền vững trong cuộc sống, tôi đã luôn hướng đến sự “tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang” – TS Châu bày tỏ.

Gần 33 năm trong ngành Giáo dục, TS Châu luôn tự hào về những nỗ lực của mình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có năng lực thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới về giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới.

“Từ khi ra trường đến nay, tôi luôn nỗ lực hết mình để đào tạo các thế hệ sinh viên có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Tôi luôn nhắc nhở với sinh viên, “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” – TS Châu nhấn mạnh.

Ảnh: NVCC.

Ảnh: NVCC.

Nhắn gửi tới các thế hệ giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Quy Nhơn chia sẻ, tuổi nghề và tuổi đời của mỗi người không giống nhau. Tuy nhiên, hãy cùng nhau ngược dòng thời gian trở về với những ngày đầu, khi mới chập chững bước chân vào bục giảng.

Khi đó, chúng ta đứng trước đồng nghiệp, học sinh, sinh viên; ai nấy đều thấy lạ lẫm và bỡ ngỡ. Có biết bao câu hỏi đặt ra nhưng thật không đơn giản để có lời giải thấu đáo. Rồi mọi băn khoăn, lo lắng dần qua đi. Với lương tâm và bầu nhiệt huyết của người thầy, chúng ta đã, đang và sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Chúng ta vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, gạt sang một bên những công việc riêng tư, thậm chí cả tuổi thanh xuân của mình để cho nụ cười của các thế hệ học sinh, sinh viên thêm trọn vẹn. Chúng ta đã đem đến cho các em những bài học hay, kinh nghiệm quý và những tri thức khoa học. Đó là hành trang để các em vững bước vào đời.

Để tuyển được nhiều giáo viên tâm huyết…

Cuộc sống vẫn không ngừng trôi. Mọi thứ vẫn xoay vần và thay đổi nhưng với tôi, có một điều không bao giờ có thể đổi thay đó chính là tình yêu nghề.

TS Hoàng Quý Châu.

Bà Lương Thị Việt Hà – Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công (Công đoàn Giáo dục Việt Nam) cho hay, không chỉ là Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Quy Nhơn, TS Hoàng Quý Châu còn là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Trường, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

“Hơn thế nữa, nhiệm vụ của giảng viên là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Nhiệm vụ này liên quan chặt chẽ đến 3 chức năng và 5 nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Cô Châu đã biết dung hoà và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao” – bà Hà nhận xét.

Cho rằng, những năm gần đây, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, TS Châu nhìn nhận, điều đó đã góp phần nâng cao vị trí của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được đòi hỏi của công việc và kỳ vọng của xã hội.

Tỷ lệ thất nghiệp hoặc làm việc trái với chuyên ngành đào tạo của cử nhân còn cao, hoạt động đào tạo ở một số trường đại học còn chạy đua theo số lượng và lợi ích kinh doanh. Đó là chưa nói đến nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu so với nhu cầu của xã hội.

Từ góc độ của một giảng viên, TS Châu mong muốn Bộ GD&ĐT tăng cường hơn nữa quyền tự chủ và đề cao tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. Qua đó, nhằm giảm nguy cơ các trường tùy tiện chạy theo lợi ích trước mắt.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học. Cần có chính sách thu hút sinh viên giỏi ở lại làm công tác giảng dạy. Đồng thời tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học người nước ngoài tham gia vào quá trình giảng dạy. Qua đó, giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với các giảng viên quốc tế.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân trao Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho TS Hoàng Quý Châu. Ảnh: NVCC.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân trao Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho TS Hoàng Quý Châu. Ảnh: NVCC.

Nhận xét về ngành Sư phạm, TS Châu cho rằng, lĩnh vực này vẫn có sức hút riêng và là điểm sáng trong tuyển sinh, đào tạo nói chung. Hiện nhiều sinh viên đăng ký vào sư phạm với số điểm tốt nghiệp THPT rất cao; thậm chí nhiều thủ khoa đã vào học ở các trường sư phạm. Đặc biệt, nhiều địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên với tỷ lệ chọi cũng không thấp.

Tuy nhiên, theo TS Châu vấn đề lương, thu nhập và chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo nói chung, nhất là giáo viên mầm non (thế hệ tương lai) vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với đặc thù lao động nghề nghiệp.

Việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện dạy học cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là vùng sâu, vùng xa… để nhà giáo có đủ mọi điều kiện giảng dạy, giáo dục học sinh, bảo đảm yêu cầu của chương trình mới. Trên hết là giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất.

“Có những lúc tưởng chừng như đã mỏi, không thể bước tiếp nhưng tình yêu nghề đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để tôi có những bước dài và tư tưởng luôn vững vàng. Tôi đã nỗ lực hơn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng ở môi trường đại học. Những khó khăn dần dần qua đi. Tôi đã trưởng thành hơn trong công tác công đoàn” – TS Châu tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ