Nữ sinh xinh xắn chia sẻ bí quyết giành học bổng đại học Mỹ

Vũ Ngọc Điệp có những trải nghiệm quý giá trong năm học lớp 11 tại Mỹ. Trở về Việt Nam học tiếp lớp 12 rồi nộp đơn ứng tuyển vào đại học Mỹ, cô gái năng động đã biến trải nghiệm thành dấu ấn, chìa khóa giúp em trúng tuyển học bổng Đại học Rice – ngôi trường lọt top 16 trên bảng xếp hạng đại học Mỹ.

Nữ sinh xinh xắn chia sẻ bí quyết giành học bổng đại học Mỹ

Học tập và trải nghiệm hết mình

“Thế mạnh của em là trải nghiệm”, Ngọc Điệp (học sinh lớp 12 Anh, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) tâm sự.

Hiểu được mỗi một trải nghiệm đều giúp bản thân trưởng thành, có cái nhìn rộng mở hơn, nữ sinh Hà thành sớm tìm hiểu về các tổ chức cộng đồng từ năm lớp 10.

Cuối năm đó, em nhận ra mình khá phù hợp và yêu thích các hoạt động liên quan đến kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo và các hoạt động định hướng ngành nghề.

Một năm sau, Ngọc Diệp trở thành Trưởng ban tổ chức một hội thảo ngành nghề có tên Polaris. Ngọc Điệp giữ vị trí Phó Chủ tịch Câu lạc bộ truyền lửa du học VietAbroader Club Hanoi năm 2017-2018, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Leaders of the Future năm 2016-2017, thành viên Ban Chấp hành Đoàn trường Mở rộng năm học 2015-2016…

Cuối lớp 11, nữ sinh Ams xuất sắc là một trong 4 học sinh Việt Nam giành học bổng ASSIST sang Mỹ theo học một trường trung học Waynflete ở thành phố Portland, Maine. Tại đây, em có nhiều cơ hội trải nghiệm mới.

Về học tập, nhà trường Mỹ cho học sinh được tự lựa chọn vào môn học mình thích thay vì học theo một lịch sắp xếp sẵn cho mọi em. Hoạt động ngoại khóa cũng vậy, Ngọc Điệp tham gia các hoạt động khác hơn so với các bạn ở Việt Nam.

Em là thành viên câu lạc bộ Waynflete Active Community Engagement, qua đây tham gia tình nguyện tại các tổ chức phi chức phủ ở Maine và tổ chức thành công một buổi hội thảo về định hướng ngành nghề tại trường ở Mỹ.

Cô gái xinh xắn là thành viên đội tuyển thể thao chèo thuyền (Crew) tại trường Waynflete ở vị trí Coxswain, xuất sắc đạt 2 huy chương vàng đồng đội tại Giải đua Moose on the Malden và đội thắng các giải đua khác và là thành viên dàn Hợp xướng Waynflete.

Khi về Việt Nam em mới ngồi nghĩ lại về những hoạt động cấp 3 của mình ở Mỹ và chuẩn bị viết luận.

Tuy đã học lớp 11 ở Việt Nam nhưng sang Mỹ, Điệp tiếp tục học lại lớp 11 theo chương trình Mỹ sau đó về Việt Nam học lớp 12 ở Ams.

Trong thời gian du học, cô bạn giành được những điểm thi chuẩn hóa ấn tượng: TOEFL 112/120 điểm và SAT 2: Lý 800 điểm, Lịch sử Mỹ 740, ACT 34/36. Năm 2019, Điệp giành giải Nhì Học sinh Giỏi Quốc gia môn tiếng Anh năm 2019. Năm 2018, em giành giải Ba Học sinh Giỏi Thành phố môn tiếng Anh.

Nữ sinh Việt từng đạt danh hiệu “Waynflete Scholar” nhờ thành tích học tập tốt năm học 2017-2018. Trước đó, em cũng Huy chương Bạc giải Olympic thi Tiếng Anh qua mạng IOE cấp quốc gia năm 2015.

Những cuộc đối thoại ở Mỹ vào bài luận

Về Việt Nam, Ngọc Điệp dành thời gian hoàn thành yếu tố cuối trong bộ hồ sơ du học đại học Mỹ: bài luận.

Nữ sinh kể: “Khi về Việt Nam lúc đầu tâm lý của em rất vui và chủ quan một chút vì có thời gian gặp lại gia đình, bạn bè. Cuối tháng 9 em mới viết luận mà đầu tháng 11/2018 đã đến hạn nộp. Em bắt đầu muộn nên cố bù lại, trong 2 tháng chỉ tập trung viết luận chứ không bị xao nhãng nữa”.

Em viết những cuộc đối thoại ở Mỹ và sử dụng đối thoại để giải quyết những vấn đề xã hội.

“Chủ đề bài luận em nói về sự phân biệt đối xử và cuộc tranh cãi gay gắt về việc có được sử dụng súng trong cuộc sống ở Mỹ hay không. Vì thực tế ở nước Mỹ, có những vụ nổ súng trong và ngoài trường, gây rúng động dư luận, gây sợ hãi cho người dân.

Em nhớ thời gian ở Mỹ có những lúc em đã phải thử tham gia các cuộc diễn tập để học cách xử lý thế nào khi có nổ súng diễn ra. Em thấy khá đáng sợ nhưng nếu mọi người không ngồi xuống đối thoại sẽ không có giải đáp nào cho vấn đề đó mà chỉ đi mãi vào lối cụt”, Điệp chia sẻ.

Nữ sinh Việt cho rằng, chính sự im lặng, không sẵn sàng nói ra những điều mình suy nghĩ, bức xúc, vướng mắc góp phần dẫn đến tình trạng trầm trọng hơn các khúc mắc, vấn đề xã hội.

Vì có một năm ở Mỹ nên Ngọc Điệp có được trải nghiệm gặp gỡ quốc tế. Cô bạn đã khéo léo biến nó thành chất liệu cho bài luận.

Chỉ với 2 tháng nhưng Ngọc Điệp đã hoàn thành tốt bài luận cá nhân nhờ có trải nghiệm và sự tập trung cao độ.

Đến giờ, em vẫn không thể quên được kỷ niệm viết luận: “Em nhớ mãi thời gian viết luận. Tóc em rụng mất gần một nửa tại vì stress quá, nhiều lúc không ăn uống nổi vì lo lắng”.

Điệp khuyên các bạn trẻ ấp ủ ước mơ du học nên chuẩn bị sớm. Trường hợp của Điệp, em phải hoàn thành bài luận trong thời gian ngắn nhưng điểm chuẩn hóa đã xong. Thời gian gấp nói về góc độ tinh thần nhiều hơn còn tiến độ em vẫn đảm bảo theo kịp.

Theo tân sinh viên Đại học Rice, bí quyết để đạt thành quả chính là sự chuẩn bị sớm và phải giữ vững tinh thần.

“Chuẩn bị hồ sơ apply nước rút là giai đoạn tâm lý khá nhạy cảm. Nhiều lúc em cũng tự ti vì các bạn quanh mình đạt điểm chuẩn hóa cao, bài luận thú vị thế.

Có thời điểm em hoang mang không biết tương lai sẽ đi về đâu. Nếu tâm lý không vững, có bạn thậm chí không thể tiếp tục quá trình chuẩn bị hồ sơ apply.

Chỉ với tinh thần ổn, chúng ta mới có thể tập trung 100% sức lực, trí tuệ của mình vào mục tiêu, sau này gặt thành quả sẽ xứng đáng”, Điệp chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế bản thân.

Ngoài giành tấm vé vào Đại học Rice, cô gái Việt còn trúng tuyển vào một số trường đại học Mỹ khác.

Nói về lý do nộp đơn vào Đại học Rice ở đợt Early Decision - ED (ứng viên chỉ được phép nộp đơn cho một trường trong đợt ED và khi được nhận vào trường theo đợt ED cũng như được hỗ trợ tài chính thì phải rút toàn bộ hồ sơ đã nộp ở các trường khác (nếu có) và phải nhập học ở trường theo đợt ED), Điệp chia sẻ: “Qua tìm hiểu em biết trường có nhiều cơ hội về ngành nghề, học tập để em tận dụng hết khả năng của mình trong 4 năm tới. Ngoài cung cấp hỗ trợ tài chính, trường có nhiều cơ hội nghiên cứu.

Sau này, em muốn thử sức trao đổi học tập ở Hồng Kông hoặc Anh. Ngoài ra, Đại học Rice có giá trị cộng đồng lớn, em sẽ hỗ trợ cả về mặt học thuật và xã hội từ cộng đồng này”.

Tháng 9 tới, Ngọc Điệp sẽ sang Mỹ nhập học. Trái với tâm trạng hồi hộp, em vô cùng háo hức.

“Em có lợi thế đi 1 năm học ở Mỹ rồi nên biết sẽ phải chuẩn bị tinh thần thế nào. Mới sang, ai cũng là háo hức - đó là tâm lý tốt nhưng du học sinh cũng chuẩn bị tinh thần thép vì sẽ rất nhớ nhà.

Cứ gần những tháng cuối năm em nhớ nhà kinh khủng, có những lúc nhớ nhà nhưng không dám gọi mẹ vì sợ mở máy sẽ bật khóc. Có những khi nói chuyện với mẹ rằng: "con sợ nhất khi ăn trưa ngồi với những bạn mới", “con sợ ngồi một mình”.

Thú thực, ở bên đấy có những khi rất cô đơn, em cảm nghĩ rằng mình chưa hòa nhập thực sự được. Tuy nhiên, các thầy cô rất tốt, sẵn sàng mở lòng và hỗ trợ em về mặt tâm lý, tinh thần khi cần”, Ngọc Điệp kể.

Điệp dần thử tham gia các hoạt động, mở rộng giao tiếp từ đó làm quen được nhiều bạn mới và có trải nghiệm tốt hơn. Đến kỳ 2 năm học lớp 11 em bắt đầu nói với mẹ rằng: "Con nhớ nhà nhưng không muốn về vì ở đây vui quá!".

Theo dantri.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.