Cơ duyên với trường Y
Trần Thu Thảo sinh ra và lớn lên ở Kim Sơn – Ninh Bình và là một trong những cán bộ Đoàn năng động của trường Đại học Y Dược Thái Bình.
Bố mẹ là giáo viên, nhưng không nuôi dưỡng ước mơ để nối nghiệp gia đình, Thu Thảo đi theo một ngã rẽ khác, đó là được trở thành một bác sĩ.
Nói về cơ duyên này, Thảo chia sẻ: “Bà nội của em mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Những ngày chiến đấu với bệnh tật, bà đã chịu rất nhiều đau đớn mà y học đều không có thuốc chữa. Chứng kiến cảnh ấy, em đã nhen nhóm trong mình phải trở thành một bác sĩ giỏi để không chỉ cứu chữa bệnh mà còn đồng hành, sẻ chia với những nỗi đau của bệnh nhân”.
Niềm ao ước ấy đã thành sự thật khi Thu Thảo thi đỗ vào trường Đại học Y Dược Thái Bình và nỗ lực học tập không ngừng. Là một trong những cán bộ Đoàn tích cực với các hoạt động thiện nguyện, Thu Thảo được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ rất sớm.
Từ những ngày đầu bước chân vào trường, tìm hiểu và tham gia CLB “Sinh viên vận động hiến máu tình nguyện”, biết được ý nghĩa to lớn của của những giọt máu hồng đối với sinh mạng người bệnh, Thảo lại càng thêm ngưỡng mộ tấm lòng thiện nguyện của những người hiến máu. Bản thân cô gái này cũng đã từng hiến máu 8 lần.
Trong quá trình hoạt động cùng CLB, cô gái trẻ đã có rất nhiều kỷ niệm nhưng ấn tượng nhất là trường hợp Sản phụ mang nhóm máu hiếm AB: “Sản phụ mang thai 37 tuần, rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược. Sản phụ được chỉ định mổ cấp cứu, gia đình không ai có nhóm máu tương thích. Cuối cùng, nhờ CLB liên hệ tới sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Bình mà sản phụ đã được truyền 7 đơn vị máu, cả hai mẹ con đều được cứu sống. Vài tháng sau, khi chúng em có dịp về thăm gia đình sản phụ, mọi người trong vẫn không thể quên cái ngày định mệnh ấy, cảm ơn không ngừng những tình nguyện viên đầy nhiệt huyết”.
Lời giải từ "Ngôi nhà nhóm máu"
Có lẽ chính vì kỉ niệm đầy cảm xúc của sản phụ khi mang thai mà Thảo đã tham gia xây dựng, duy trì và phát triển mô hình “Ngôi nhà nhóm máu” thực sự ý nghĩa đối với những người bệnh.
Thảo chia sẻ: “Trong quá trình điều trị y học, việc sử dụng các chế phẩm máu đã qua sàng lọc rất cần thiết đối với các ca cấp cứu mất máu như chấn thương, tai nạn giao thông hay các bệnh phải truyền máu lâu dài như ung thư máu. Tuy đã có kho dự trữ máu tại các ngân hàng máu trong tỉnh Thái Bình, nhưng so với nhu cầu thực tế thì lại thiếu hụt vô cùng.
Hoặc đôi khi sản phẩm máu để quá lâu mà không sử dụng sẽ thoái biến không còn giá trị trong điều trị lâm sàng. Nên có những trường hợp, bệnh nhân nặng cần máu thì đang rất nguy cấp nhưng kho máu lại hết và thiếu. Bản thân người nhà bệnh nhân cũng không thể đáp ứng khi hiến máu giúp đỡ và cũng không thể tổ chức ngay được đợt hiến máu với nhiều tình nguyện viên.
Do đó “Ngôi nhà nhóm máu” thực sự đã trở thành lời giải và khắc phục ngay tức thời sự nguy cấp đó. Đảm bảo tính mạng chực chờ cái chết cho bệnh nhân. Biết bao bệnh nhân được thoát khỏi hiểm nạn và tiếp tục sống là niềm vui lớn lao nhất và động viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình qua các năm về sau”.
Tính đến tháng 04/2018, những kết quả khá nổi bật của mô hình đã thể hiện hiệu quả thực hiện trong hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, được Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Sản tỉnh Nam Định, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao. Đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Bình, các thầy Ban Giám hiệu Nhà trường luôn ghi nhận và đánh giá tốt chất lượng sinh hoạt và đóng góp hiệu quả của Câu lạc bộ Sinh viên vận động hiến máu tình nguyện.
Thảo là một trong số những thanh niên tiêu biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời bác.