Tuổi thơ buồn
Từ TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chúng tôi vượt qua chặng đường dài khoảng 100km trên những con đường ngoằn ngoèo, trơ sỏi đá để tìm về xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk). Dưới tiết trời se lạnh của những ngày chớm Đông, những giọt sương vẫn còn bao phủ trên cung đường và cỏ cây, khiến tầm nhìn của chúng tôi có phần hạn chế.
Khi những tia nắng vượt qua những dãy núi, những rặng cỏ lung linh trong nắng sớm cũng là lúc chúng tôi có mặt tại xã Dliê Yang. Sau khi hỏi thăm những người dân trong thôn, chúng tôi cũng tìm được về ngôi nhà của em Nguyễn Thị Kim Thảo (SN 2000, ngụ thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk).
Ngôi nhà nhỏ hiện ra trước mắt chúng tôi chỉ được xây tạm bợ, bên trong không có gì giá trị ngoài những vật dụng đã cũ, rỉ sét qua thời gian. Khi chúng tôi đến, Thảo đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị đồ ăn sáng cho gia đình. Nói là chuẩn bị, nhưng món ăn sáng của gia đình em chỉ là mì tôm pha với nước nóng và không có gì ăn kèm.
Với thân hình nhỏ thó, gương mặt hiền hậu, Thảo có vẻ ít nói và ngại khi tiếp xúc với người lạ.Ngược thời gian về những năm về trước, Thảo rưng rưng nước mắt kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày đau thương của gia đình mình.
Do hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng anh Nguyễn Trọng Thủy (SN 1974, bố của Thảo) đành phải gửi 3 người con nhỏ cho bà ngoại ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) nuôi giúp. Sau đó, vợ chồng anh qua huyện Ea H’leo cách đó vài chục km để làm thuê, làm mướn. Từ đó, Thảo đã biết cách tự lập và giúp bà ngoại trông các em và quán xuyến việc nhà.
Hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh gia đình nên 3 người con của anh Thủy luôn ngoan ngoãn nghe lời ông bà, cố gắng học tập thật tốt. Lâu lâu công việc rảnh rỗi, anh chị lại chạy xe máy về thăm các con.
“Mặc dù cuộc sống gia đình lúc đó khó khăn nhưng em luôn cảm thấy vui và hạnh phúc vì có bố mẹ ở bên cạnh. Chỉ cần thấy bố mẹ vui vẻ, khỏe mạnh là em cảm thấy nhẹ nhỏm và không còn mong muốn gì hơn.”, Thảo tâm sự.
Rồi cái đêm định mệnh 23/11/2011 (âm lịch) cũng đến. Khi đó, vợ chồng anh Thủy hay tin con trai út là Nguyễn Trọng Thương bị sốt cao nên 2 vợ chồng vội sắp xếp công việc để về lo cho con. Tuy nhiên, khi chưa kịp gặp được các con của mình thì vợ anh Thủy đã gặp tai nạn và ra đi mãi mãi, bỏ lại 3 người con thơ thiếu vắng tình thương của người mẹ.
Nhắc tới mẹ của mình, cô bé Thảo bỗng dưng nghẹn lại rồi nước mắt cứ thế tuôn rơi. Nấc lên từng hồi, Thảo vẫn tự trách bản thân vì cho rằng chính em đã gọi mẹ về nên mẹ mới gặp tai nạn.
“Hôm đó, thấy em trai sốt cao và không có dấu hiệu thuyên giảm nên em nói với bà ngoại gọi cho bố mẹ về để đưa em đến bệnh viện. Khi đó, bà ngoại một mực ngăn cản nhưng em vẫn cố gọi điện báo cho bố mẹ biết về tình hình của em để bố mẹ về.
Sau đó, em hay tin mẹ mất vì bị tai nạn trên đường về, em đau đớn, suy sụp hoàn toàn vì nghĩ rằng sự ra đi của mẹ là lỗi của bản thân em khi không nghe lời ngoại. Cũng từ hôm đó, mọi gánh nặng đều đè lên đôi vai của bố, em thương bố lắm”, Thảo nức nở nói.
Nghị lực vượt lên số phận
Ngôi nhà nhỏ nơi bố con Thảo sinh sống |
Từ ngày vợ mất, đôi vai anh Thủy ngày một yếu dần khi gánh nặng và trách nhiệm của anh ngày một nhiều lên. Thương các con đang ở tuổi ăn, tuổi học nên ai thuê gì anh đều nhận làm. Những khi gần nhà không có việc anh phải ngược xuôi khắp nơi để làm thuê, làm mướn. Tuy nhiên, sợ các con đã mất đi tình thương của người mẹ, nay lại thiếu sự quan tâm của người bố nữa thì tội nên mỗi khi làm ở đâu anh đều đưa các con theo.
Sau một thời gian làm lụng, nhưng không đủ lo cho các con có đủ cơm ăn, áo mặc nên anh đành để Thảo ở lại trông chừng các em rồi bắt đầu đi làm xa. Kể từ đó, Thảo vừa đảm nhận làm bố, vừa giữ thiên chức một người mẹ để lo cho 2 em của mình từ miếng ăn, giấc ngủ và cả việc học.
Biết được nổi khổ của bố, nên 2 em rất ngoan và nghe lời Thảo. Mỗi lần bố về thăm, các em cũng chẳng ai đòi hỏi gì mà chỉ thấy thương bố đã vật lộn với nắng gió, với mệt mỏi để lo cho các em được ăn học bằng bạn bằng bè. Cũng vì thương bố nên ngoài giờ học trên lớp, Thảo còn đi hái, nhặt cà phê thuê để bán kiếm tiền phụ mua rau, mắm muối.
Tuy nhiên, ngoài những lúc mạnh mẽ, làm trụ cột cho các em thì Thảo đôi lúc cũng có phút yếu lòng. Đó là thời điểm em dậy thì, nhưng do thiếu sự quan tâm, an ủi và không thể tâm sự với bố mình. Thời điểm đó Thảo cảm thấy thực sự bế tắc và khó khăn đối với một cô bé mới lớn như em. Không những thế, khi vào cấp 3 nguồn kiến thức quá nhiều nên chiếm hết thời gian của em nên Thảo không thể đi làm thuê phụ giúp bố.
Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình em nên bà con hàng xóm cũng giúp đỡ, hôm thì cho mấy chị em gạo, hôm thì cho ít cá thịt hay rau để các em ăn lấy sức khỏe đến trường. Mặc dù khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng các em đều ngoan ngoãn và luôn là học sinh khá, giỏi khiến cả xóm ai cũng tự hào.
Tuy nhiên, có những hôm bố đau ốm hay mưa gió cả nhà em không có gì ăn mấy chị em chỉ biết ôm nhau khóc. Còn Thảo thì từng có suy nghĩ sau khi học xong cấp 3 sẽ nghỉ học rồi đi làm phụ giúp bố của mình.
“Khi đó bố nói với em rằng dù nhà có khổ thế nào, bố có làm việc nặng nhọc bao nhiêu thì em cũng không được nghỉ học. Bởi vì bố muốn em đi học thành tài để sau này không phải cúi đầu trước bất kỳ ai và có cơ hội giúp gia đình vượt lên nghèo khó, lo cho các em ăn học.
Bên cạnh đó, em nhớ ước mơ của mẹ khi còn sống rằng, mẹ muốn em trở thành sinh viên của Trường Đại học Luật để mai này trở thành người có ích cho gia đình, xã hội nên em dặn lòng cố gắng hết sức để không phụ lòng bố mẹ và những người yêu thương chúng em”, Thảo nghẹn ngào nói.
Gạt bỏ tất cả khó khăn và suy nghĩ tiêu cực, Thảo dồn hết thời gian cho việc học. Sau đó, em dự thi vào trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Đến ngày nhận kết quả, cả gia đình em như vỡ òa trong hạnh phúc khi Thảo đậu vào trường mà em và mẹ hằng mơ ước. Lúc đó, cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế lăn dài.
Sau khi ổn định nơi ăn ở dưới trường, Thảo vừa học vừa dùng thời gian rảnh của mình để đi làm, bớt gánh nặng cho bố khi phải lo tiền học cho em.
“Như vậy em đã hoàn thanh được tâm nguyện của mẹ và ước mơ của em. Em vui lắm và em nghĩ mẹ ở trên thiên đường cũng sẽ tự hào và hạnh phúc vì bố và chúng em luôn mạnh mẽ và nghị lực”, Thảo đưa ánh mắt về xa ánh lên niềm hạnh phúc nói.
Ông Trịnh Xuân Thường, trưởng thôn 4 (xã Dliê Yang) cho biết, gia đình cháu Thảo thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Mặc dù gia đình khó khăn, cái ăn của gia đình luôn luôn túng thiếu nhưng Thảo luôn luôn cố gắng vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống. Trong năm học vừa qua, chỉ có duy nhất một mình Thảo đậu đại học.
Theo ông Thường để hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình Thảo thì chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, giúp đỡ nhưng số tiền ít ỏi cũng không đủ cho 3 chị ăn học.