Nữ sinh sư phạm: Tinh tế, tự tin và chủ động hội nhập

GD&TĐ - Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Lê Xuân Quang cho rằng, phẩm chất cốt yếu của một giáo viên tương lai không thể thiếu 3 thành tố lớn: “Tinh tế trong ứng xử - Tự tin trong chuyên môn - Chủ động trong hội nhập”.

Nữ sinh sư phạm: Tinh tế, tự tin và chủ động hội nhập

Tinh tế trong ứng xử

Tinh tế bao gồm các giá trị thuần phong, mỹ tục, chuẩn mực đạo đức, sự đúng đắn và thêm mức độ cao hơn của ý thức là lựa chọn được phương án tối ưu nhất. Tinh tế thể hiện cả ở việc đảm bảo lợi ích cá nhân và hài hòa với lợi ích tập thể, ưu tiên lợi ích tập thể, cộng đồng.

 Ngành sư phạm là ngành “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Như thế, nhân cách của một cá nhân - một sinh viên, một giáo viên tương lai - có thể ảnh hưởng tới nhân cách của nhiều thế hệ.

Mỗi đoàn viên sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã cần thiết phải trau dồi vốn văn hóa cần thiết, xây dựng phẩm chất tinh tế trong ứng xử bởi rất có thể, đó sẽ là tấm gương phản chiếu những gì cá nhân ấy làm được sau này.

Đối với hình mẫu nhân cách đạo đức đặc trưng của đoàn viên sinh viên sư phạm mà các nữ sinh chiếm ưu thế, ThS Lê Xuân Quang nhấn mạnh việc kết hợp hai yếu tố kể trên.

Nghĩa là: Một đoàn viên sinh viên sư phạm phải khác đoàn viên sinh viên ở một môi trường khác thông qua sự tinh tế trong ứng xử.

Biểu hiện của giá trị này vô cùng đa dạng. Nó có mặt ở mọi lĩnh vực giao tiếp mà sinh viên – giáo viên sẽ tham gia vào.

Cụ thể: Ứng xử tinh tế với bản thân: sống lành mạnh, có kế hoạch khoa học và định hướng cho tương lai; biết mình là ai - cần gì - đang làm gì - muốn trở thành thế nào; biết tự học tập và xây dựng chương trình chăm sóc đời sống vật chất cũng như tinh thần của bản thân, trang bị cho mình vốn kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo phong phú, sâu sắc; tự giác mở mang tầm nhìn và hoạch định cuộc sống.

Ứng xử tinh tế trong môi trường sư phạm: Biết lắng nghe, chia sẻ, động viên, giúp đỡ, cùng làm, cùng phấn đấu với bạn bè, đồng nghiệp; tôn trọng thầy cô, có tinh thần ham học hỏi, chủ động, tích cực tham gia vào quá trình dạy học; tin tưởng, tâm huyết với nghề, nỗ lực giữ vững sự thiêng liêng và cao quý của nghề.

Ứng xử tinh tế trong hoạt động xã hội: tìm hiểu, quan sát, lắng nghe các trào lưu, hoạt động cộng đồng; tham gia vào chương trình hành động của địa phương, đưa kiến thức, hiểu biết nghề của mình vào phục vụ lợi ích chung; có cái nhìn bao quát, đánh giá khách quan với những hiện tượng diễn ra trong đời sống thường nhật.

Ứng xử tinh tế với môi trường tự nhiên: Tôn trọng các quy luật khách quan; bảo đảm vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi, không phá hoại cảnh quan; tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, lên án các hành vi gây hại; tuyên truyền để mọi người cùng góp sức giữ gìn tự nhiên.

Tự tin trong chuyên môn

Khác với sinh viên các trường đại học khác, sinh viên sư phạm mang một đặc thù chuyên biệt. Có thể gọi đó là “vai trò kép trong cùng một cá thể”. Một mặt, đó là người học - người tiếp thu tri thức, kĩ năng. Mặt khác, đó còn là người dạy - ở thì tương lai, là người truyền thụ tri thức, kĩ năng.

Sự tồn tại hai vai trong một chỉnh thể đòi hỏi sinh viên sư phạm không thể không có được trình độ chuyên môn vững chắc. Nói cách khác, trình độ chuyên môn vững chắc là tấm vé thông hành bắt buộc để bước vào đời và bước vào nghề.

Sự tự tin trong chuyên môn thể hiện ở khả năng chiếm lĩnh, làm chủ tri thức, vận dụng tri thức và truyền tải tri thức trong hoạt động giảng dạy. Sự tự tin còn thể hiện ở ý chí không ngừng học hỏi, tự học nâng cao năng lực bản thân.

Tự tin trong chuyên môn là đích đến của việc học tập nhưng đồng thời cũng là hành trang quan trọng cho nghề nghiệp tương lai.

Để đạt được sự tự tin trong chuyên môn, đoàn viên sinh viên sư phạm cần có sự tổng hòa của cả ba thành tố: tri thức - kỹ năng - nghiệp vụ.

Các hoạt động nhà trường nói chung và đoàn thanh niên nhà trường nói riêng đang tiến hành chính là để thực hiện mục đích trên.

Chủ động trong hội nhập

Trong giai đoạn hiện nay, hội nhập trở thành vấn đề sống còn của mỗi quốc gia dân tộc và của mỗi người. Khi thế giới đã trở nên “phẳng” hơn, khoảng cách địa lí không ngăn trở khoảng cách văn hóa, chính trị, kinh tế thì việc đào tạo ra những “công dân toàn cầu” lại càng trở nên cấp thiết.

Đối với sinh viên sư phạm, trong môi trường giáo dục không ngừng đổi mới, nội dung và phương pháp dạy học thường xuyên được hiện đại hóa cho phù hợp với tình hình thực tiễn, để hướng tới chuẩn giáo dục của quốc tế và khu vực thì càng phải đẩy mạnh sự chủ động hội nhập.

Đặt ra vấn đề chủ động trong hội nhập do đó trở thành nội dung không thể thiếu trong hệ giá trị mà sinh viên sư phạm cần được xây dựng.

Ở đây, tính chủ động trong hội nhập được hiểu theo nội hàm rộng. Trước hết, đó là sự hội nhập quốc tế.

Thực tiễn cho thấy, trước khi bước chân vào môi trường sư phạm, đại đa số sinh viên đã có kiến thức ngoại ngữ nền tảng. Đây được xem là điều kiện cần thiết để phát huy sâu hơn và nâng cao chất lượng dạy học nhưng về cơ bản, vẫn là chưa đủ để hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng hội nhập.

Nói cách khác, biết ngoại ngữ là điều kiện cần nhưng chưa phải điều kiện đủ cho một cá thể thâm nhập sâu vào đời sống cộng đồng quốc tế.

Với đặc thù nghề nghiệp của mình, sinh viên sư phạm còn được tham gia vào một môi trường đặc biệt và phải hòa nhập với môi trường ấy - môi trường giáo giới - là không gian văn hóa rộng lớn của những người cùng ngành, cùng nghề, cùng chung lí tưởng.

Bước chân vào không gian này, sinh viên có điều kiện được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, bồi đắp các kĩ năng sư phạm cần thiết, phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Chủ động trong hội nhập vì vậy còn mang hàm nghĩa mở. Nó đòi hỏi mỗi sinh viên cần sớm tích cực tham gia vào môi trường sư phạm của mình và nắm được quy luật phát triển của tập thể.

Xét theo một khía cạnh khác, chủ động trong hội nhập còn là khả năng thích ứng cao nhất khi hoàn cảnh, điều kiện xã hội thay đổi.

Xây dựng kĩ năng “dấn thân” và “thích ứng” là điều kiện quan trọng để bản thân người giáo viên tương lai có thể hòa hợp được với chính các thế hệ học sinh của mình.

Những vấn đề trên cho thấy chủ động hội nhập phải được nâng lên thành một phẩm chất cần phải có của đoàn viên sinh viên sư phạm và phải được rèn luyện trong trường sư phạm thông qua nhiều biện pháp, hành động khác nhau.

Xét trong quan hệ với hai thành tố của trục giá trị, có thể thấy ba thành tố này tác động tương hỗ lẫn nhau. Để chủ động trong hội nhập, điều kiện quan trọng là bản thân cá nhân đoàn viên sinh viên đã được trang bị một kĩ năng giao tiếp phù hợp, chuẩn mực, một khả năng chuyên môn vững vàng, sâu rộng. Chưa đủ tinh tế và tự tin có thể trở thành trở ngại lớn trên con đường chủ động.

Như thế, xây dựng được đồng bộ hệ giá trị này cho sinh viên sư phạm chính là lúc đặt sinh viên sư phạm vào một quy trình toàn diện: học tập - rèn luyện - cống hiến. Mục tiêu xây dựng con người mới - công dân toàn cầu trở nên gần sát hơn và thiết thực hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ