Giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam góp phần đổi mới Giáo dục

GD&TĐ - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), phóng viên báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Giáo dục.

Giáo dục phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong đội ngũ nữ nhà giáo, nữ HSSV luôn có vai trò quan trọng
Giáo dục phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong đội ngũ nữ nhà giáo, nữ HSSV luôn có vai trò quan trọng

Công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong trường học có vai trò như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa Thứ trưởng?

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Giáo dục - TS Nguyễn Thị Nghĩa
- Có thể nói, việc tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong đội ngũ nữ nhà giáo, nữ học sinh, sinh viên luôn có vai trò quan trọng và càng quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay.

Được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội. 

Nhiều chị đã nỗ lực vươn lên, nắm giữ những vị trí trọng trách ở các cấp, các ngành, đoàn thể… Đặc biệt, trong ngành Giáo dục, với tỷ lệ nữ nhà giáo chiếm trên 80% tổng số giáo viên, giảng viên trực tiếp đứng lớp, chị em đã và đang đóng góp to lớn trong việc đào tạo thế hệ trẻ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà.

Giáo dục những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam cho nữ nhà giáo và nữ học sinh, sinh viên không chỉ để giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp đó mà trên thực tế, đây cũng là một sự chuẩn bị vô cùng quan trọng nguồn nhân lực cho đất nước; giúp đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo có đủ bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, lòng vị tha, nhân hậu và cả sự năng động, sáng tạo để làm tốt sứ mạng “trồng người”.

Tôi đánh giá cao sáng kiến của Báo Giáo dục và Thời đại đã mở chuyên mục "Nữ sinh Việt Nam: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang". 

Chuyên mục không chỉ nhằm thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong trường học mà sẽ là một diễn đàn rộng rãi để thể hiện suy nghĩ, quan điểm của những nữ sinh thời đại mới. 

Hy vọng, với lượng bài viết phong phú, sức lan tỏa rộng rãi, chuyên mục sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nữ học sinh, sinh viên trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

TS Nguyễn Thị Nghĩa

Vậy theo Thứ trưởng, để có cách giáo dục đúng hướng, quan niệm về phẩm chất của người phụ nữ thời nay cần thay đổi như thế nào cho phù hợp?

- Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi người phụ nữ Việt Nam phải có những phẩm chất, đạo đức mới của thời đại như tư tưởng bình đẳng, dân chủ, tự do, tôn trọng lợi ích cá nhân, tôn trọng pháp luật, trách nhiệm công dân…

Bên cạnh đó, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đòi hỏi phụ nữ và mọi tầng lớp trong xã hội đều phải tự “nâng mình lên” ngang tầm thời đại. 

Hàng loạt những yêu cầu mới được đặt ra đối với mỗi công dân trong thiên niên kỷ mới này là: Phải được trang bị tri thức, sức khỏe, kỹ năng sống và có khả năng cạnh tranh cao… 

Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết số 11-NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. 

Trong đó 5 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã được xác định, theo đó nhấn mạnh, xây dựng người phụ nữ Việt Nam có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu.

Tuy nhiên, để phát triển một cách toàn diện và có nhiều đóng góp hữu ích cho gia đình, cho đất nước, phụ nữ Việt Nam thời nay hơn lúc nào hết phải giữ gìn và phát triển những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương con người, cũng như tình cảm gắn bó với gia đình, dòng họ… 

Những phẩm chất này là động lực, là sức mạnh tự thân thúc đẩy người phụ nữ vươn lên, khắc phục sự tự ti, mặc cảm cũng như vượt qua mọi khó khăn trở ngại để nâng cao kiến thức, trình độ năng lực, vươn lên về trí tuệ…

Những phẩm chất ấy cần được giáo dục qua “kênh” nào để đạt hiệu quả tốt nhất, thưa Thứ trưởng?

- Điều này chỉ có thể thực hiện đạt hiệu quả được thông qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức cho học sinh, sinh viên. Công tác này đỏi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục và trở thành một trong những nội dung không thể thiếu được của các hoạt động trong các cơ sở giáo dục. 

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trước hết cần phải nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên.

Đây cũng là nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa cấp bách, đồng thời là đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Để tăng cường hiệu quả công tác này, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên về tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức cho học sinh, sinh viên trong tình hình mới. Có thể thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông như báo tường, tạp chí, các đoàn thể, tổ chức xã hội....

Cùng với đó, nâng cao nhận thức về hệ thống giá trị đạo đức, tư tưởng, chính trị cho học sinh, sinh viên, thống nhất thực hiện mục tiêu giáo dục, trách nhiệm tự giáo dục và tham gia vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức là điều kiện đầu tiên tạo ra thống nhất hành động trong mỗi nhà trường.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài nhà trường tham gia công tác này cũng là một biện pháp quan trọng. Bởi đây là quá trình lâu dài, phức tạp, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, có liên quan đến nhiều mối quan hệ phức tạp và chịu sự tác động của nhiều lực lượng trong và ngoài nhà trường.

Cũng cần đa dạng hóa nội dung, hình thức và cải tiến phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên. Phát huy ý thức tự giáo dục của các em và tự quản của tập thể. 

Xây dựng chế độ khen thưởng, xử phạt kịp thời, hợp lý. Tập huấn thường xuyên chủ đề "đạo đức công dân" trong học sinh, sinh viên hoặc có thể lồng ghép vào một số môn học liên quan đến lĩnh vực này, tạo điều kiện giúp đỡ các em nhận thức đúng đắn về đạo đức, lối sống, sống có hoài bão, lý tưởng; đặc biệt phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong nhà trường.

Quay lại vấn đề giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam, đâu là điểm nhấn đáng chú ý nhất của ngành Giáo dục trong công tác này trong thời gian qua?

- Năm 2010, Thủ tướng đã ban hành đề án cấp quốc gia về "Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 - 2015 bao gồm 4 Tiểu đề án. Trong đó, Tiểu đề án II do Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện trong hệ thống trường học.

Ngay sau đó, hàng loạt các hoạt động triển khai Tiểu đề án đã được ngành Giáo dục thực hiện có hiệu quả. Năm 2012, Ban chỉ đạo Tiểu đề án II cấp Bộ đã biên soạn và phát hành gần 3.000 cuốn tài liệu "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong trường học" dành cho học sinh và sinh viên đến các Sở GD&ĐT, trường ĐH trong cả nước.

Ngành Giáo dục đã thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành. 

Đồng thời, mở diễn đàn truyền thông về giới và sức khỏe sinh sản dành cho học sinh phổ thông cả nước. Nội dung về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam được lồng ghép vào các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tuần sinh hoạt công dân đầu năm học; các sinh hoạt chuyên đề…

Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức thành công cuộc thi "Cô giáo của tôi" viết về những tấm gương nữ nhà giáo tiêu biểu, với nhiều tác giả, tác phẩm tham gia và đoạt giải. 

Đây là điểm nhấn quan trọng nhằm khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ nữ nhà giáo cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người.

Thứ trưởng có nhận định như thế nào về sự phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong đội ngũ nữ nhà giáo, nữ cán bộ quản lý giáo dục và HSSV hiện nay?

- Chưa nói đến những vất vả, nhọc nhằn, những lần đi sớm về khuya đến từng nhà động viên học sinh, vận động cha mẹ học sinh cho con em tới trường; rất nhiều cô giáo chấp nhận xa chồng, xa con dạy học nơi rừng sâu, dốc thẳm, nhiều đêm nhớ con nước mắt nhòe giáo án vẫn hăng say dạy học; nhiều cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. 

Rất nhiều cô giáo cả ở nông thôn và thành phố, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn vẫn giang tay nhận đỡ đầu những học sinh nghèo, chia sẻ thu nhập còn ít ỏi, giúp các em tiếp tục được đến trường…

Không chỉ nhân hậu, vị tha, các nữ nhà giáo và cán bộ quản lý còn là những người đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, phát huy sáng kiến trong quản lý, tích cực nghiên cứu khoa học… Các chị là lực lượng vô cùng quan trọng cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Đội ngũ nữ học sinh, sinh viên ngày nay cũng không chỉ là con ngoan, trò giỏi mà vô cùng thông minh, năng động, sáng tạo. Các em có mặt trong những giải thi đấu đỉnh cao và gặt hái nhiều thành tích vinh quang. 

Rất nhiều em là nữ cán bộ Đoàn, hội năng động, giàu nhiệt huyết và cũng không ít có tố chất của những nhà khoa học, nhà quản lý trong tương lai…

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, Thứ trưởng có mong muốn, gửi gắm, chia sẻ gì đến các đồng nghiệp nữ cũng như những nữ học sinh, sinh viên trên cả nước?

- Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi xin gửi lời tri ân đến đội ngũ nữ nhà giáo và nữ cán bộ quản lý, đặc biệt là những nữ nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thầm lặng, tận tụy đóng góp to lớn cho sự nghiệp "trồng người" .

Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tôi xin chúc các nữ đồng nghiệp của tôi, những người chị, người mẹ, người em luôn dồi dào sức khỏe, giữ lửa hạnh phúc cho mỗi gia đình, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục đang trong tiến trình đổi mới và hội nhập.

Với các em học sinh, sinh viên, mong các em tiếp tục nỗ lực, cố gắng, chăm ngoan, học giỏi, tự tin, sáng tạo để đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Hy vọng rằng, nhiều em sẽ yêu và lựa chọn nghề giáo, giúp ngành Giáo dục có thêm những cô giáo giỏi, để tiếp tục đào tạo thế hệ tương lai.

Xin cảm ơn Thứ trưởng vì cuộc trò chuyện!

Các nữ nhà giáo đang hàng ngày, hàng giờ cống hiến tâm sức, trí tuệ cho sự nghiệp trồng người; có thể nói lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Giáo dục luôn có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ nữ nhà giáo, nữ cán bộ quản lý trong cả nước, đặc biệt là các nữ nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Hình ảnh luôn có sức lay động mãnh liệt là những cô giáo thầm lặng gieo chữ nơi vùng núi, vùng sâu, vùng xa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.