Nữ sinh hai lần giành giải cao cấp quốc gia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nữ sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) tiếp cận với tiếng Anh bằng tâm thế khám phá, lĩnh hội...

Nguyễn Dương Bảo Lam (ngoài cùng bên trái, hàng thứ 2) cùng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Ảnh: NVCC
Nguyễn Dương Bảo Lam (ngoài cùng bên trái, hàng thứ 2) cùng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Ảnh: NVCC

Không coi ngoại ngữ là môn học “khó nhằn”, Nguyễn Dương Bảo Lam - học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) tiếp cận với tiếng Anh bằng tâm thế khám phá, lĩnh hội. Từ đây, em dần hình thành thói quen sử dụng song ngữ trong cuộc sống và học tập.

Biến khó khăn thành cơ hội

Cầm trên tay chứng nhận giải Nhất, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024, em Nguyễn Dương Bảo Lam không khỏi xúc động và tự hào. “Kết quả này một lần nữa khẳng định nỗ lực, cố gắng của em trong những năm học phổ thông cũng như sự đồng hành, hỗ trợ của thầy cô, gia đình bạn bè giúp em vượt qua áp lực, thách thức trong học tập”, Bảo Lam nói.

Bảo Lam bắt đầu tiếp xúc với ngôn ngữ này từ năm lớp 3 qua các giờ học trên lớp. Em chia sẻ, những ngày đầu học tiếng Anh, bài giảng của thầy cô, cách phát âm, câu chuyện văn hóa các nước khiến em hứng thú, say mê và quyết tâm chinh phục.

Sinh ra ở tỉnh miền núi Lạng Sơn, thời điểm năm 2012, 2013, dù tiếng Anh được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông nhưng cha mẹ, bạn bè chưa quan tâm, chú trọng nhiều với việc học. Thế nhưng, không vì môi trường học tập còn hạn chế mà Bảo Lam coi đó là bất lợi trong học tập so với các bạn ở thành phố lớn. Em vẫn yêu thích và quyết tâm học tốt theo cách của mình.

Xác định học ngoại ngữ quan trọng nhất phải có môi trường giao tiếp, học liệu, Bảo Lam đã chủ động nhờ bố mẹ, thầy cô hướng dẫn sử dụng Internet, từ đó em mày mò tìm kiếm các bài giảng trên mạng để cập nhật kiến thức mới. Khó khăn, vất vả… không làm Lam nản lòng, bỏ cuộc. Thậm chí, em coi đây là động lực để cố gắng tiếp thu kiến thức, luyện tập mỗi ngày để tăng vốn từ, rèn luyện tự tin.

“Học ngoại ngữ đòi hỏi phải giao tiếp thường xuyên để rèn luyện, trau dồi các kỹ năng nhưng em không có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài để hoàn thiện việc học. Khắc phục hạn chế này, bản thân tăng cường xem phim, nghe nhạc tiếng Anh, sử dụng mạng xã hội để tăng cường kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Với cách học này, em dần vững vàng và có thể giao tiếp tiếng Anh một cách tự nhiên nhất”, Bảo Lam chia sẻ.

Cũng theo Bảo Lam, một trong những rào cản lớn đối với học sinh miền núi khi học ngoại ngữ là thiếu môi trường giao tiếp, phát âm mang tính địa phương. Điều này khiến nhiều bạn mang tâm lý tự ti, mặc cảm nên việc học khó đạt hiệu quả hoặc dễ bỏ cuộc trong quá trình học.

Nguyễn Dương Bảo Lam và mẹ. Ảnh: NVCC

Nguyễn Dương Bảo Lam và mẹ. Ảnh: NVCC

Cơ duyên với đấu trường quốc gia

Nguyễn Dương Bảo Lam là một trong số ít học sinh của Lạng Sơn 2 năm liên tiếp tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đạt kết quả cao. Năm 2023, tại kỳ thi chọn học sinh quốc gia môn Tiếng Anh, em đoạt giải Nhì; năm 2024, cũng tại kỳ thi này, Lam vượt lên chính mình để giành giải Nhất.

Chia sẻ hành trình đến với kỳ thi lớn, Lam khiêm tốn kể, ngoài cố gắng, chăm chỉ, em còn có phần may mắn. “Điểm đầu vào lớp 10 của em cao hơn các bạn một chút có lẽ tạo được ấn tượng với thầy, cô giáo ngay ngày đầu của cấp học mới. Bởi vậy, thầy cô đã gọi em tham gia ôn luyện chọn học sinh giỏi quốc gia. Từ đó, em tích luỹ được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Lên lớp 11 sau thời gian học vòng loại, em lọt vào đội tuyển chính thức của tỉnh tham dự kỳ thi này”, nữ sinh cho biết.

Đam mê tiếng Anh lại có môi trường để thể hiện năng lực, Lam như “cá gặp nước”. Em nỗ lực học tập không kể ngày đêm. Để có thời gian rèn luyện các kỹ năng, em đã đưa tiếng Anh vào cuộc sống hằng ngày qua hoạt động như: Giao tiếp bằng tiếng Anh cùng bạn bè, nghe radio, đọc sách báo, tin tức nước ngoài…

Mỗi ngày tại đội tuyển, ngoài giờ học, Lam và các bạn ở lại nói chuyện, chia sẻ… để vừa ôn bài vừa giảm bớt áp lực học tập. “Quá trình học, chúng em có thầy giáo trợ giảng người nước ngoài. Thầy luôn khiến giờ học trở nên vui vẻ, giải trí mà vẫn bổ ích, thú vị. Điều này khiến việc học hiệu quả mà cuốn hút”, Lam chia sẻ.

Một trong những yếu tố giúp Lam học tiếng Anh tốt bởi từ các cấp học trước em đã ý thức việc học. Theo đó, khi học bất kỳ môn nào, em đều xác định rõ mục đích, từ đó xây dựng kế hoạch học tập cụ thể. Đồng thời, việc học ngôn ngữ có nhiều cách nên Lam thử nghiệm để tìm ra cách học đúng, hiệu quả nhất cho mình. Với Lam, học tiếng Anh đạt kết quả tốt có thể qua văn học, phim ảnh, âm nhạc kết hợp sách vở.

Nhắc đến cô học trò giỏi giang, cô Nguyễn Phương Thúy - Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) khẳng định, Nguyễn Dương Bảo Lam thông minh, bộc lộ năng khiếu ngoại ngữ ngay từ năm lớp 10. Quá trình học, em luôn có chiến lược, ý chí quyết tâm cao. Đối với những học sinh như Bảo Lam, thầy cô chỉ cần động viên, cổ vũ tinh thần và có định hướng sát sao thì sẽ đạt kết quả tốt.

Dù kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đã kết thúc hơn 2 tháng, nhưng tôi chưa thể quên những ngày mưa rét mùa Đông, có thời điểm chỉ 7 - 8 độ nhưng Lam và cả đội tuyển vẫn miệt mài ôn luyện đến 22 giờ. Nhiều hôm, về tới nhà cô trò lại tiếp tục thảo luận với nhau qua nhóm Zalo để giải đáp những kiến thức mà các em còn thắc mắc. Khi gặp áp lực, cô trò động viên nhau cố gắng, tìm cách gỡ rối vượt qua. - Cô Nguyễn Phương Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ