Nữ sinh người Mông vượt qua hủ tục, học giỏi

GD&TĐ - Câu chuyện về em Giàng Thị Số - lớp 11A3, Trường THPT số 1 Mường Khương đã vượt lên khó khăn để trở thành học sinh giỏi.

Giàng Thị Số - lớp 11A3, Trường THPT số 1 Mường Khương.
Giàng Thị Số - lớp 11A3, Trường THPT số 1 Mường Khương.

Thầy, cô về tận nhà động viên, thuyết phục để bố, mẹ cho Giàng Thị Số đi học tiếp. Nhờ đó, em được đến trường, lớp và có thành tích cao trong học tập.

Vượt rào cản

Những ngày đầu xuân, chúng tôi đến huyện vùng cao biên giới Mường Khương (Lào Cai) và được nghe kể về câu chuyện cô học trò người Mông, em Giàng Thị Số - lớp 11A3, Trường THPT số 1 Mường Khương đã vượt lên khó khăn để trở thành học sinh giỏi.

Cảm nhận đầu tiên khi gặp Số là cô bé xinh xắn, đôi mắt thông minh, nhanh nhẹn, tự tin khi giao tiếp. Số là con út trong gia đình thuần nông thôn Sín Hồ, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương. Gia đình nghèo khó, con nên Số thấu hiểu những khó khăn và không ngừng cố gắng chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng mong mỏi của bố, mẹ. Với nhiều nỗ lực, 4 năm học THCS, Số đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, em là học sinh giỏi môn Địa lý các kỳ thi cấp huyện, hoặc tỉnh Lào Cai tổ chức.

Nói về khó khăn của gia đình cũng như nghị lực đến lớp, đôi mắt em đẫm lệ bởi hành trình đi tìm con chữ đầy gian truân. Sau khi tốt nghiệp THCS, Số nộp hồ sơ vào học tại Trường THPT số 1 Mường Khương, thị trấn Mường Khương. Đây là khoảng thời gian em phải “đấu tranh” tư tưởng với gia đình để tiếp tục được học tập.

Số kể: “Nhà có 6 anh, chị em, Số là con út trong gia đình. Thu nhập của gia đình phụ thuộc vào nương chè nên rất khó để bố mẹ nuôi 6 con ăn học. Bởi vậy, các anh, chị đều bỏ học để phụ giúp bố, mẹ. Anh trai học cao nhất hết lớp 9”. Năm cuối cấp THCS - sau khi Số thi tốt nghiệp, bố, mẹ bảo: “Con không đi học nữa vì gia đình nghèo, không có điều kiện nuôi ăn học”.

“Những hủ tục đồng bào Mông đã ăn sâu vào nhận thức của bố, mẹ em nên quan điểm “con gái không nên học cao vì sau này đằng nào cũng về nhà chồng” thể hiện rõ. Năm học hết lớp 9, em buồn lắm bởi sợ không được đi học như các bạn cùng trang lứa, phải nghỉ ở nhà để lấy chồng. Em luôn khát khao được học cao hơn, bởi có như vậy cuộc sống sau này mới tươi sáng. Có kiến thức mới giúp bản thân có nghề nghiệp ổn định, thoát cảnh đói nghèo…”, Số chia sẻ.

Hiểu được nguyện vọng của cô trò nhỏ, thầy, cô giáo ở trường nhiều lần về tận nhà động viên, thuyết phục để bố, mẹ cho Số đi học tiếp. Nhờ đó em mới được đến trường, lớp đến hôm nay.

Anh Giàng Seo Mìn (anh trai của Số) chia sẻ: “Khi Số học xong lớp 9, bố, mẹ đã can ngăn không cho em đi học tiếp vì điều kiện khó khăn. Được thầy cô nhiều lần đến vận động, mặt khác biết em quyết tâm theo đuổi con chữ, tôi đã động viên bố, mẹ và hứa chăm lo cho em học hành chu đáo nên Số mới được học tiếp”.

Giàng Thị Số (giữa) cùng các bạn tìm hiểu kiến thức đã học.

Giàng Thị Số (giữa) cùng các bạn tìm hiểu kiến thức đã học.

Ước mơ làm cô giáo

Cô Hoàng Thu Hiền - giáo viên chủ nhiệm lớp 11A3, Trường THPT số 1 Mường Khương cho biết: “Số là học sinh chăm ngoan, lễ phép với thầy, cô. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ tuổi cao, mọi việc do anh trai đảm nhận. Đặc biệt các chi phí để Số ăn, học cũng do anh chu cấp”.

Khó khăn là vậy, nhưng Số đã nỗ lực vượt qua để trở thành học sinh khá, giỏi. Nổi bật hơn cả, vừa qua Số vinh dự là 1 trong 23 học sinh dự thi học giỏi cấp tỉnh và đoạt giải Ba môn Địa lý.

“Số có tính tự giác cao trong học tập, tích cực tham gia hoạt động của lớp, trường, đặc biệt các phong trào Đoàn, hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao. Em còn tận tình giúp đỡ những bạn học lực yếu, kém để cùng vươn lên đạt kết quả cao”, cô Hoàng Thu Hiền chia sẻ.

Nói về ước mơ sau này, Số bộc bạch: “Em mong trở thành giáo viên trong tương lai để mang con chữ đến các bản vùng cao tỉnh Lào Cai, đặc biệt huyện Mường Khương. Dẫu biết chặng đường còn nhiều gian nan nhưng bản thân sẽ cố gắng học thật tốt để trước mắt thi đỗ tốt nghiệp THPT và sau này có cơ hội xét nguyện vọng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội”.

Chia sẻ về phương pháp học, Số nói: “Trong quá trình học tập em luôn chú ý nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ. Khi học bài em gạch các ý chính và học theo hệ thống sơ đồ để có thể nhớ kiến thức nhanh nhất. Ngoài giờ học trên lớp, em chủ động tham khảo thêm thông tin trên sách, báo, mạng Internet. Với môn Địa lý, em tìm đọc các bài viết thầy cô chia sẻ để có thêm kiến thức cũng như hiểu biết địa lý, bổ trợ cho việc học tập của bản thân”.

Năm học 2023 - 2024, Trường THPT số 1 Mường Khương có 21 lớp/hơn 950 học sinh. Trong đó, 230 học sinh bán trú ăn, ở sinh hoạt tại trường. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua, nhà trường có 23 em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong đó, có 5 giải Nhì, 8 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Em Giàng Thị Số đoạt giải Ba môn Địa lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.