Đó là Chấu Thị Tảo - Học sinh lớp 10 trường THPT Chuyên Lào Cai.
Mới 2 tuổi, cô gái dân tộc Mông đã mồ côi mẹ, em út mới tròn 1 tháng tuổi. Ít lâu sau, bố Tảo lấy vợ khác.
“Thời gian em ở với mẹ kế là quãng thời gian em không thể quên được, vì vậy, ước mơ lớn nhất của em sau này là trở thành một cán bộ phụ nữ tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho chính những người dân ở quê em hiểu về tác hại của tảo hôn, của sinh con đông, của bạo hành và cả xâm hại tình dục”.
Năm lên 9 tuổi, bố của Tảo qua đời, ba chị em ở với bà và trở thành những đứa trẻ đáng thương mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 2007, Tảo và em trai được đưa vào Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai nuôi dưỡng, tính đến nay đã tròn chín năm. Chị gái của Tảo không được tiếp nhận vì đã quá tuổi (quá 12 tuổi – PV).
Tại đây, Tảo được đi học, tham gia mọi hoạt động của trường lớp và của Trung tâm, được nuôi dưỡng và chăm sóc.
Mỗi bạn trong Trung tâm là một hoàn cảnh khác nhau, ai nấy đều có những “ẩn số buồn” trong đôi mắt nhưng bù lại, tất cả đều hiểu, thông cảm và sẻ chia cho nhau nên đó là mái ấm của các em, đặc biệt với cô bé chịu nhiều thiệt thòi như Tảo.
“Trung tâm chính là gia đình thứ hai mà em may mắn, hạnh phúc vì những gì mình có ở đây. Bố mẹ ở trong Trung tâm đã giúp đỡ, định hướng cho em rất nhiều điều để em có động lực tiếp tục phấn đấu” – Tảo chia sẻ.
Trong những năm qua Tảo luôn đạt học sinh khá giỏi, lớp 9 giải nhì học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh và cô gái nhỏ nhắn đã đỗ vào chuyên Văn trường THPT Chuyên Lào Cai với điểm số rất cao, thường xuyên được thầy cô và bạn bè tin tưởng giao trọng trách làm lớp trưởng.
Đặc biệt năm lớp 8, Tảo tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải nhì cấp tỉnh với đề tài Thực trạng và giải pháp vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tảo nói: Em là người dân tộc thiểu số nên biết rõ sự bất cập, thiếu hiểu biết về nạn xâm hại tình dục trẻ em ở vùng cao. Nhiều trẻ bị xâm hại, sau đó lại phải nhận sự kỳ thị của cộng đồng. Vì vậy, em muốn đưa ra giải pháp giúp các bạn tự bảo vệ mình như giáo dục giới tính, kỹ năng sống, giao lưu với công an, học cách xử lý khi ở với người lạ hoặc có nguy cơ bị xâm hại…
Mới học lớp 10, Tảo đã được Bộ GD&ĐT tuyên dương, tặng bằng khen. Cô gái xúc động và càng có thêm động lực để phấn đấu nhiều hơn. Lúc đó, hình ảnh chị gái, em trai và bà lam lũ, luôn khóc vì thương các cháu khiến cô gái dân tộc thiểu số khóe mắt cay cay.
Chia sẻ về phương pháp học tập, Tảo nói: Em luôn xác định mục tiêu rõ ràng và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó. Muốn vậy, em dành nhiều thời gian cho việc học của mình. Học trên lớp chăm chỉ, lắng nghe thầy cô giảng bài và học ở bạn bè sẽ đạt được hiệu quả cao.
Đồng thời, cần quan tâm nhiều hơn đến môn học yêu thích của mình, khi rảnh rỗi em thường đọc sách để tăng vốn hiểu biết của mình và luôn ghi chép vào sổ tay khi có điều gì thú vị.