Nữ Phó Giáo sư với tâm tư giúp cuộc sống người Việt tốt hơn

GD&TĐ - Nữ Phó Giáo sư chuyên ngành hóa học phân tích quyết chí sang Thụy Sĩ du học rồi về nước truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò...

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường và học trò trong phòng thí nghiệm.
PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường và học trò trong phòng thí nghiệm.

Mong muốn người dân được ăn thực phẩm an toàn, uống nước tinh khiết, giải quyết nước thải từ sản xuất, nữ Phó Giáo sư chuyên ngành hóa học phân tích quyết chí sang Thụy Sĩ du học rồi về nước truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò.

Khám phá những điều diệu kỳ của Hóa học

Giáp Tết Nguyên đán, đêm về khuya, phòng lab (phòng thí nghiệm) nhỏ trong tòa nhà Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn sáng đèn. Trên bàn thí nghiệm, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường, chuyên ngành hóa học phân tích, hồ hởi kể về cơ duyên đến với ngành hóa và đam mê với khoa học để cuộc sống người Việt tốt hơn.

Sinh ra trong gia đình có bố là công nhân Nhà máy Giầy da Hà Nội, mẹ làm Y sĩ, từ bé cô Hường cũng như bạn bè cùng trang lứa ở thời bao cấp đã quen với cảnh lúc nào cũng thiếu ăn.
“Đến khi học cao học, một bên là bát cơm, một bên là quyển sách, ở giữa là phác thảo mẫu giày. Với lời chỉ dạy của bố: Cho các con nghề làm giày, ai học tốt thì cố gắng mà theo để có cuộc sống tốt hơn. Ai không theo học được hoặc khi sa cơ lỡ vận thì đây sẽ là nghề kiếm sống, các con cố gắng mà học cho tốt…”, cô Hường nhớ lời cha căn dặn nên cố gắng học thành tài.

Trở về những năm 2000, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường học xong đại học, rồi bảo vệ luận văn thạc sĩ, sau đó theo đuổi nghề giáo kiêm nhà nghiên cứu tới ngày nay. Tuy vậy, đam mê nghiên cứu hóa học chỉ thực sự lớn dần khi cô nghiên cứu giải pháp xử lý chì (Pb) trong nước thải của Công ty Pin, ắc quy Vĩnh Phú.

Khi đó, nhà nghiên cứu này chỉ có mong ước môi trường được bảo vệ, không có chất thải độc hại ảnh hưởng đến bà con. Đến khi theo nghiệp hóa học, cô càng phát hiện nhiều điều lý thú như có thể tạo ra cách làm sạch nước, thực phẩm có an toàn không, uống thuốc với liều lượng như nào cho hiệu quả.

“Phụ nữ làm nghiên cứu có ưu thế là khéo tay, chăm chỉ, kiên nhẫn, tỉ mỉ, nhưng đó cũng là nhược điểm vì nhiều lúc chưa đủ mạnh mẽ quyết định, phải học sửa chữa máy móc, tự tay bê vác vật nặng. Từ cái máy, bóng đèn cho đến bếp điện, giờ mình phải cố gắng sửa được hết”, cô Hường kể.

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường (áo sẫm) bên đồng nghiệp và học trò.

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường (áo sẫm) bên đồng nghiệp và học trò.

Du học để có thêm kiến thức

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường kể quãng thời gian thi học bổng nghiên cứu sinh sang Thụy Sĩ là một trong những bước ngoặt của cuộc đời. Khi đó cô ở tuổi 28, vừa lập gia đình nên có nhiều người ngăn cản.

Sau đó, được thầy giáo khuyên nhủ, cô hạ quyết tâm phải đi du học để mở mang kiến thức, có cơ hội nghiên cứu sâu hơn với các phương pháp và trang thiết bị hiện đại nhất thế giới. “Khi đi thi, thầy còn động viên, khích lệ. Thầy đã liên hệ các giáo sư bên đó, phải cố gắng thi đỗ, nhưng thi rất khó, chưa chắc đã đỗ. May mà mình vượt qua phỏng vấn tại Đại sứ quán Thụy Sĩ để được học tại Trường Đại học Basel”, cô Hường bộc bạch.

Hai năm ở nước ngoài, cô chuyên tâm nghiên cứu, có khi dành cả ngày ở thư viện hoặc truy cập tra cứu tài liệu không chỉ ở Basel, mà còn có thể kết nối tài liệu khoa học tới thư viện ở các thành phố khác như Zurich, Bern.

Không phụ lòng, cô Hường đã học được phương pháp phân tích mới và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Nghiên cứu xác định các dạng asen vô cơ trong nước ngầm bằng phương pháp điện di mao quản sử dụng detector độ dẫn không tiếp xúc” năm 2010. Nghiên cứu này góp phần phân tích nhanh ngay tại hiện trường ô nhiễm asen (thạch tín) trong nước ngầm.

Từ đó đến nay, cô Hường đã phát triển phương pháp và ứng dụng cho các lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam như: Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, chất lượng dược phẩm, phân tích pháp y và y sinh.

Trước khi về nước, cũng như nhiều nhà khoa học khác, cô Hường được nhiều công ty, tập đoàn lớn của thế giới đóng ở Basel ngỏ lời về làm việc như Novartis, Roche với mức lương hậu hĩnh. “Nhưng mình luôn có mong muốn về nước. Mình muốn đi học để có kiến thức về góp phần nhỏ bé giúp người dân Việt Nam giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt nhiễm asen trong nước ngầm ở thời điểm đó…”, cô Hường bộc bạch.

Theo cô, asen có nhiều dạng từ vô cơ đến hữu cơ, trong đó ngoài khí asin (AsH3) thì hai dạng asen vô cơ (As(III) và As(V)), đặc biệt là As(III), có độc tính cao và nguy cơ gây ô nhiễm nước ngầm ở một số khu vực.

Ngoài ra, cô Hường cũng quan tâm tới mảng an toàn thực phẩm vì một số cơ sở sản xuất đã sử dụng chất bảo quản để bảo quản, tạo hương vị, tạo độ chua, ngọt, kết dính, hấp dẫn… ngoài danh mục cho phép hoặc trong danh mục nhưng liều lượng cao hơn mức cho phép, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường chia sẻ về những nghiên cứu, ứng dụng từ Hóa học.

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường chia sẻ về những nghiên cứu, ứng dụng từ Hóa học.

Khơi “lửa” đam mê hóa học cho học trò

“Mình càng học, càng nghiên cứu thì càng có cảm hứng, đam mê với hóa học. Mình cũng muốn khơi dậy động lực nghiên cứu cho các bạn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh…”, cô Hường bày tỏ.

Thông thường, cô sẽ hỏi học trò là tại sao chọn hóa học, mục tiêu là gì? Theo cô Hường, có mục tiêu sẽ có định hướng, làm việc thấy có ý nghĩa, lâu dần thành đam mê. Chẳng hạn, cô Hường rất nhớ trường hợp một nghiên cứu sinh tại Đại học Paris-Saclay.

Theo Phó Giáo sư, đó là trường hợp tài năng, học lực rất tốt, song việc lựa chọn theo ngành hóa từ mong muốn của gia đình chứ không phải của bản thân. Có lần, bạn đó chia sẻ “thưa cô, em không có đam mê làm việc trong phòng thí nghiệm” vì đam mê thực sự của em ở lĩnh vực khác. Tuy nhiên, khi có sự chia sẻ, thấu hiểu và hỗ trợ của từ cô giáo, bạn đã trở thành một trong những sinh viên có trình độ và kỹ năng thí nghiệm tốt nhất của nhóm.

“Một thời gian sau, bạn đó trở lại học thạc sĩ rồi thi nghiên cứu sinh, thậm chí đỗ cùng lúc cả nghiên cứu sinh trong nước và ở Pháp. Khi đó, mình khuyên bạn nên đi nước ngoài để mở mang kiến thức, tiếp thu tiến bộ của thế giới và biết bạn muốn có thêm kiến thức để phát triển đam mê riêng của bạn và đóng góp cho xã hội”, cô Hường tâm sự.

Nhưng có lẽ, trường hợp sinh viên R.A.H. Savindi Rupasinghe, người Sri Lanka, khiến Phó Giáo sư Hường nhớ mãi bởi cô học trò này đã rất nỗ lực mong muốn sang Việt Nam theo học ngành hóa học.

“Tôi cảm thấy rất ấn tượng với bạn ấy nên đã quyết định nhận vào nhóm nghiên cứu do tôi hướng dẫn. Khi tôi phản hồi qua email, 11 giờ đêm bạn ý cũng trả lời với những ngôn từ rất vui và hạnh phúc. Sau đó, bạn làm đề tài về phân tích đồng thời histamine và tyramine trong nước mắm vì mong muốn đi sâu vào mảng an toàn thực phẩm khi trở lại đất nước Sri Lanka”, cô Hường vui vẻ khi nói về học trò.

Mong có nhiều học bổng cho sinh viên

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường bày tỏ, rất nhiều sinh viên nước ngoài mong muốn có học bổng học tập tại Việt Nam, điều này chứng tỏ nền học thuật nước nhà có bước tiến. Tuy nhiên, do chưa có chính sách cấp kinh phí hoặc đề tài nghiên cứu lớn qua các nhóm nghiên cứu để các nhóm có thể nhận và trả lương cho sinh viên nước ngoài như ở nhiều quốc gia khác, cô phải từ chối một học viên Brazil có mong muốn sang Việt Nam học tập tại nhóm nghiên cứu của cô.

Nữ Phó Giáo sư bày tỏ mong muốn, Nhà nước nghiên cứu dành thêm nguồn lực để hỗ trợ du học sinh các nước trên thế giới có mong muốn tới Việt Nam du học. “Việc này sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của nền học thuật nước nhà cũng như gia tăng trao đổi quốc tế khi nhiều du học sinh tới đây theo học”, cô Hường bày tỏ.

Năm 2024 này, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường sẽ hướng tới các đề tài có lợi cho xã hội, chất cấm thêm trái phép trong thực phẩm, hỗ trợ hướng tới xu hướng của y học hiện đại như nghiên cứu xét nghiệm để cá thể hóa trong điều trị, nghiên cứu các chất ô nhiễm mới nổi… Năm 2022, cô Hường là một trong 75 nhà khoa học được tặng Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội với thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.