Cô hiệu trưởng giàu ý tưởng, sáng tạo
Tại Trường mầm non Giáp Bát, để thực hiện hiệu quả những định hướng đổi mới và tiếp cận các phương pháp tiên tiến vào chương trình giáo dục, nhà trường gặp không ít khó khăn.
Trường có khuôn viên nhỏ bé chỉ hơn 1000 m2, hệ thống sân vườn thiên nhiên hạn chế, thiếu các điều kiện cho học sinh trải nghiệm, khám phá. Đặc biệt, thiếu các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ giáo viên trong hoạt động dạy và học.
Từ thực tế này, là người đứng đầu của nhà trường Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cẩm Linh luôn trăn trở và thường xuyên lên mạng xã hội, vào các trang Intenet nghiên cứu, tìm tòi học hỏi để tìm ra hướng khắc phục hạn chế cho ngôi trường nhỏ bé của mình.
Năm học 2020-2021, bằng tất cả sự tâm huyết, say mê sáng tạo, cô đã phát hiện, thiết kế và ứng dụng thành công 2 thiết bị mang tên “Chiếc bàn ánh sáng” và “Máy chiếu sáng tạo” vào việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo tại trường mầm non Giáp Bát.
Sản phẩm đầu tiên là “Chiếc bàn ánh sáng”, với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, tổ bảo vệ và bạn bè, người thân, sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, cô đã hoàn thiện sản phẩm và đưa được đến với quá trình dạy học của trẻ.
Chiếc bàn ánh sáng thực sự cuốn hút, hấp dẫn đã khiến trẻ say sưa học và chơi với thiết bị, quên mất mình đang học. Các em bị cuốn hút bởi như được trực tiếp đến với thiên nhiên với khám phá thú vị từ một góc nhìn hoàn toàn mới lạ.
Sản phẩm thành công, hiệu trưởng nhà trường đã truyền được ngọn lửa sáng tạo đến với tất cả giáo viên nhà trường để từ đó cùng cùng nhau thi đua, sưu tầm thùng gỗ, các nguyên vật liệu để tự thiết kế chiếc bàn ánh sáng cho lớp học của mình.
Hiện tại, sản phẩm “Chiếc bàn ánh sáng” của cô Linh đã được nhân rộng tại một số trường quận Hoàng Mai như Mầm non 10/10, Mầm non Lĩnh Nam... để nâng cao hiệu quả dạy học trẻ mầm non.
Bên cạnh sự thành công khi lan tỏa, truyền lửa cho giáo viên thiết kế đồ dùng dạy học, cô Linh còn phát hiện, ứng dụng và lắp đặt thử nghiệm thành công hệ thống máy chiếu sáng tạo tại các lớp học.
Khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, lớp học sẽ giống như một rạp chiếu phim lớn. Những hình ảnh, video khi chiếu lên màn hình lớn là các bức tường của lớp học vô cùng hấp dẫn trẻ. Những hình ảnh chân thực, âm thanh sống động, đã mang cả thế giới đến với trẻ ngay trong lớp học, đưa các em được đến với thiên nhiên, trải nghiệm, cảm nhận hoàn toàn mới, chưa bao giờ có.
Không dừng lại ở đó, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Cẩm Linh tiếp tục nghiên cứu các điều kiện để đưa máy chiếu sáng tạo vào các phòng chức năng của nhà trường như: Phòng chiếu phim, góc du lịch qua màn ảnh, không gian văn học... để các con được đắm chìm trong những không gian sống động, hòa mình vào với thiên nhiên, được sống cùng với cảm xúc các nhân vật như chính mình đang đứng trong không gian ảo...
Nói về đổi mới sáng tạo, cô Nguyễn Thị Cẩm Linh chia sẻ “Mỗi nhà giáo đều có trong mình tâm huyết và sáng tạo nhất định, nhưng là cán bộ quản lý thì hơn thế phải trở thành người định hướng, mở lối và đi đầu trong quá trình đổi mới giáo dục.
Hiệu trưởng phải là người có tâm huyết và sáng tạo nhiều nhất để đem “ngọn lửa” ấy thổi vào đội ngũ giáo viên trong trường. Từ đó, mỗi nhà trường sẽ có nhiều nhà giáo tâm huyết sáng tạo, đóng góp cho ngành giáo dục nói chung, giáo dục Thủ đô nói riêng…”.
Tấm lòng thiện nguyện
Có thể nói, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực về chuyên môn và những đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý, cô Nguyễn Thị Cẩm Linh còn là một trong số những nhà giáo điển hình, gắn bó với dự án thiện nguyện.
Quá trình công tác, nhìn thấy nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bằng tình yêu với các con, bằng tâm huyết, sức lực của mình, cô luôn sắp xếp thời gian tham gia thiện nguyện. Hoạt động gây quỹ, huy động sự đóng góp của cộng đồng của cô Hiệu trưởng năng động đã lan tỏa yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường và người dân tại địa phương.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cô Nguyễn Cẩm Linh đã vận động đóng góp tặng 6 phần quà trị giá 4,8 triệu đồng cho 3 học sinh, 3 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn của trường với mục đích không để ai bị bỏ lại phía sau vì dịch bệnh.
Cô còn cùng 3 cán bộ, giáo viên khác của trường hàng tháng hỗ trợ đóng tiền học phí và sữa học đường cho 3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 600.000đồng/tháng.
Bản thân cô đã tìm hiểu trên mạng xã hội, xác minh những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ tại địa phương và giúp đỡ được 8 hoàn cảnh ngoại tỉnh bị mất việc, thuê trọ tại địa phương và trao quà hỗ trợ với tổng số tiền hơn 3 triệu đồng.
Bên cạnh những việc làm tại địa phương, nơi công tác, thời gian qua cô Nguyễn Cẩm Linh dành thời gian tham gia các dự án hỗ trợ học sinh nghèo vùng cao như: Tham gia Dự án “Đệm ấm vùng cao” cho học sinh Trường mầm non Trạm Tấu (Chợ Đồn, Bắc Cạn);
Dự án “Bình An cùng em đến trường - Trung thu bản cao” cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái); Dự án “Bình An cho em - Tri thức trong bàn tay” đến với các con học sinh Trung tâm Hy Vọng (Hữu Lũng, Lạng Sơn).
Cô cùng nhóm Bình An tham gia nhiều chương trình thiện nguyện: Tổ chức sinh nhật 2 tuần/1 lần cho các bệnh nhân tại Viện Huyết học và truyền máu Trung Ương trong đó có nhiều bệnh nhân nhi;
Tham gia nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo chiều Thứ bẩy hàng tuần tại 2 bệnh viện; Mở gian hàng “Tết không đồng”; Tổ chức tặng 300 xuất quà cho các bệnh nhân nhi nghèo tại Viện Nhi Trung ương dịp Tết 2020...
Đến nay, Hiệu trưởng Nguyễn Cẩm Linh đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có 8 năm trên cương vị quản lý tại ngôi trường Mầm non Giáp Bát. Cô là tâm gương nữ quản lý giáo dục thủ đô đổi mới, sáng tạo được đồng nghiệp và ngành giáo dục trân trọng, đánh giá cao.