Nữ hiệu trưởng "đánh" Covid-19 bằng thơ

GD&TĐ - Cảm phục những “chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19”, cô Vũ Thu Hương đã viết nhiều bài thơ để tri ân nỗ lực không ngừng nghỉ và hy sinh thầm lặng của họ.

Cô Vũ Thu Hương hỗ trợ học sinh trong bữa ăn bán trú.
Cô Vũ Thu Hương hỗ trợ học sinh trong bữa ăn bán trú.

Lời thơ của cô đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng, chống dịch tại địa phương.

Quyết tâm thành cô giáo dạy văn từ sự yêu thơ

Cô Vũ Thu Hương (1977) là Hiệu trưởng Trường TH và THCS Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Cô sinh ra và lớn lên tại huyện Lục Yên. Từ khi học THPT, cô Hương đã nổi bật với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Cũng từ đó, cô bắt đầu tập làm thơ về tình bạn, tình yêu thầy cô, nhà trường. Cảm nhận về thơ cũng lớn dần theo năm tháng đối với cô học trò năng động nhưng cũng rất tình cảm, suy tư này. Vì yêu thơ và ước muốn trở thành cô giáo mà sau khi rời ghế phổ thông, cô Hương quyết định theo học ngành Sư phạm Văn.

Dưới mái trường sư phạm tại tỉnh nhà, cô có cơ hội tiếp xúc với nhiều thầy, cô. Họ đồng thời là những nhà thơ, nhà văn nên cô đã học hỏi được nhiều kĩ năng, kinh nghiệm. Năm 1999, tốt nghiệp trường sư phạm, cô xin về giảng dạy tại Trường THCS xã Yên Thắng, huyện Lục Yên.

“Có quãng thời gian bận bịu với công việc và cả gia đình nên tôi không còn thời gian làm thơ. Cứ tưởng chừng như “cái duyên” với thơ sẽ chấm dứt. Nhưng chỉ một lần tình cờ gặp lại các thầy, các bạn cùng chung đam mê nên nỗi nhớ thơ, yêu thơ lại trỗi dậy”, cô Hương tâm sự.

Kể từ lần đó, cô Hương lên kế hoạch, dành thời gian cho từng công việc để có thời gian riêng theo đuổi đam mê. Thế rồi, cô dành mỗi đêm để nghiên cứu những áng thơ. Đó là lúc mọi lo toan cho công việc, gia đình đã tạm gác lại. Khi cầm bút để “dệt” nên những áng thơ, thời gian gần như bị ai “đánh cắp”.

“Nhiều đêm mải miết nắn nót, khi tôi ngẩng lên nhìn đồng hồ thì trời đã gần sáng”, cô Hương tủm tỉm.

Năm 2007, cô Hương vinh dự trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Cô được tín nhiệm bầu vào làm thành viên của Ban quản trị trang thơ Facebook Yên Bái.

Đến nay, cô đã có trên 200 bài thơ được đăng trên các tạp chí, sách, báo cả địa phương lẫn Trung ương. Nhiều tác phẩm của cô được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Đà Lạt... lựa chọn in ấn. Không ít bài thơ đã được phổ nhạc như: Chợ Phiên, Tiếng gọi mùa xuân, Em là gì của anh… Đáng chú ý, năm 2018, cô Hương đã cho ra mắt tập “Lời thề mắc cạn” với 45 bài thơ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - từng nhận xét: “Tôi đã đọc khá nhiều tập thơ của bạn bè gửi tặng, mỗi tác giả đều có một lối đi trong sáng tác của riêng mình. Tôi cũng đã đọc nhiều bài thơ của Thu Hương trước khi “Lời thề mắc cạn” xuất bản. Cảm nhận của riêng mình là thích thú về những bài thơ chan chứa tình cảm yêu thương núi rừng Tây Bắc. Tôi thấy gần gũi với con sông gầy bên hàng lau trắng, vách đá xanh đón nắng trời chiều của quê hương xinh đẹp đã sinh ra nhà thơ đầy nữ tính này. Từng câu chữ đan xen một thứ tình cảm ngọt ngào với nơi chôn rau cắt rốn của mình”.

Lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở trường học.
Lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở trường học.

“Đánh” Covid-19...

Suốt nhiều năm gắn bó với nghề “trồng người”, cô Hương đã trải qua nhiều môi trường công tác. Dù ở đâu, ở cương vị nào thì cô vẫn luôn dành thời gian cho viết thơ bởi đó là đam mê.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhà thơ Thu Hương đã sáng tác nhiều bài khắc họa hình ảnh các lực lượng tham gia chống dịch đầy xúc động. Nổi bật là chùm thơ với ba bài: “Chút tâm tình của người trực chốt”, “Gửi người nơi xa” và “Mong ước ngày trở về”, được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái.

Trong những ngày miền Nam chìm trong “tâm bão”, rất nhiều thầy thuốc ưu tú của Yên Bái đã xung phong vào Nam dập dịch. Họ lên đường, bỏ lại sau lưng muôn vàn niềm thương, nỗi nhớ, có cả sự lo lắng phập phồng cho người ở lại:

“Đừng hỏi em có nhớ anh không?

Sau bao ngày xa nhà làm nhiệm vụ

Đôi mắt quầng thâm vì mất ngủ

Em lặng nhìn... nghe tim quặn... nhói đau...”.

Những cuộc tạm chia tay nặng trĩu nỗi niềm của người ra đi, dấn thân vào nơi nguy hiểm nhưng vẫn trong tâm thế lạc quan, tin tưởng cũng được cô ghi lại:

“Anh lên đường mang sắc áo màu cờ

Niềm tin yêu từ quê hương đất ngọc

Những con người lớn lên từ khó nhọc

Khao khát sẻ chia, được cống hiến hết mình”.

Nhiều độc giả nhận định, thơ Thu Hương mộc mạc, giản dị, chan chứa cảm xúc. Mỗi vần thơ đều không nói về những điều lớn lao hay cao siêu, mà là những tình cảm chân thực và nỗi lo toan rất đời thường của con người. Đơn cử như hình ảnh người cán bộ trực chốt, vì mong muốn góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào, để lại bao việc nhà cho người vợ gánh vác:

“Vì dịch bệnh anh phải xa nhà

Mẹ cha em lo, ruộng đồng em gánh

Trời vào Thu, bắt đầu trở lạnh

Nhớ dáng em xuôi ngược vai gầy…”.

Không ít người đã nhận định rằng, những vần thơ của cô Hương đã góp phần cổ vũ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Họ là những con người vẫn ngày đêm miệt mài, không quản gian nan, hiểm nguy để từng bước đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Ghi nhận những nỗ lực của cá nhân cô, mới đây UBND huyện Lục Yên đã trao tặng Giấy khen cho cô vì đã có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.