Chuyện chưa kể về người nữ hiệu trưởng truyền cảm hứng và lan toả yêu thương

Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Đó là những chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) – Người “thuyền trưởng” tận tụy lan toả những giá trị yêu thương.

Dành cả tuổi thanh xuân với phấn trắng, bảng đen

Nói đến sự phát triển của ngôi trường nằm ở phía Đông Nam của huyện Hoài Đức vài năm trở lại đây, người ta không thể không nhắc đến những sự đóng góp to lớn của cô Nguyễn Thị Huyền – Người “thuyền trưởng” bản lĩnh đang chèo lái “con thuyền” mang tên Trường THCS An Khánh.

Với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyễn Thị Huyền đang từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Trường THCS An Khánh trở thành ngôi trường giàu tình yêu thương.

Cô Nguyễn Thị Huyền sinh ra và lớn lên tại xã Lại Yên (Hoài Đức) - một vùng quê giàu truyền thống hiếu học của tỉnh Hà Tây cũ. Ngay từ khi còn nhỏ, hình ảnh những người cô, người thầy đứng trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen ngày đêm miệt mài truyền đạt kiến thức của các em học sinh đã để lại trong tâm trí của cô bé Huyền ngày đó những ấn tượng sâu sắc.

Cũng chính những hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng của người giáo viên đã “gieo” cho Huyền ước mơ trở thành một cô giáo. Ước mơ thôi thúc cho nên sau khi hoàn thành chương trình THPT cô Nguyễn Thị Huyền đã theo học ngành Sư phạm và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây.

Có ai đó đã từng nói “tuyệt vời nhất là được thực hiện những điều mà ngày nhỏ ta mơ ước. Và còn tuyệt vời hơn nữa nếu như được sống với nó cả cuộc đời”. Điều đó, có lẽ đúng với cô Nguyễn Thị Huyền. Rời ghế giảng đường, cô Huyền về làm giáo viên dạy môn Ngữ văn, đảm nhiệm công tác chủ nhiệm rồi làm Phó tổng phụ trách Đội tại Trường THCS Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội).

Cô Nguyễn Thị Huyền (hình bên phải) thời điểm công tác tại trường THCS Vân Côn.
Cô Nguyễn Thị Huyền (hình bên phải) thời điểm công tác tại trường THCS Vân Côn.

Sau 6 năm công tác tại Trường THCS Vân Côn, đến năm 2003, cô Nguyễn Thị Huyền chuyển công tác về Trường THCS An Khánh và công tác tại ngôi trường này cho đến thời điểm hiện tại.

Với tình yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần không ngừng học hỏi, cô Huyền đã dần khẳng định mình ngày càng rõ nét trong công tác chủ nhiệm cũng như giảng dạy. Nhiều năm liền cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi huyện Hoài Đức và là người ôn luyện “mát tay” cho các lứa học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện, học sinh chuyển cấp đạt thành tích cao.

Với những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, cô Nguyễn Thị Huyền được tin tưởng bầu là Tổ phó tổ Khoa học Xã hội rồi Tổng phụ trách Đội tại trường THCS An Khánh. Trên cương vị và nhiệm vụ mới “cô tổng” liên tục gặt hái được nhiều thành công.

Dưới sự “chỉ huy” của cô Huyền, phong trào công tác đội Trường THCS An Khánh ngày càng khởi sắc với những thành tích nổi bật như: Đơn vị dẫn đầu công tác đội và phong trào thiếu nhi khối các Trường THCS năm học 2004 -2005 rồi trở thành Đơn vị 3 năm liền dẫn đầu phong trào thi đua cấp tỉnh khối THCS giai đoạn 2004 – 2007. Cùng với sự nỗ lực, cô Huyền đã góp công không nhỏ mang về cho Trường THCS An Khánh lá cờ mang chân dung Bác Hồ.

Năm 2014 đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp “trồng người” của cô Nguyễn Thị Huyền khi bản thân cô được đồng nghiệp, cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường THCS An Khánh. Đến năm 2017, cô tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh.

Hành trình lan tỏa những giá trị yêu thương của người nữ hiệu trưởng

Gần 5 năm “chèo lái”, người “thuyền trưởng” Nguyễn Thị Huyền đã đưa con thuyền Trường THCS An Khánh tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp trở thành đơn vị giáo dục mạnh của Thủ đô Hà Nội nói chung và của huyện Hoài Đức nói riêng.

Nhiều năm liền Trường THCS An Khánh đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến. Mới đây nhất, trong năm học 2020 – 2021, nhà trường đã vinh dự đạt được danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập; Công đoàn nhà trường được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội; Liên đội được tặng Bằng khen của Hội đồng đội Trung ương; Trường đạt danh hiệu Cơ quan đạt chuẩn văn hóa; Đơn vị tiến tiến về thể dục thể thao cấp thành phố… cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Diện mạo Trường THCS An Khánh dưới sự chỉ huy của cô Huyền cũng ngày càng khởi sắc, sáng - xanh - xạch đẹp và an toàn hơn. Điều kiện dạy và học của giáo viên và học sinh cũng được cải thiện, ngày một tốt hơn.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS An Khánh chụp ảnh kỉ niệm nhân dịp khai giảng năm học 2020-2021.
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS An Khánh chụp ảnh kỉ niệm nhân dịp khai giảng năm học 2020-2021.

Có được điều này là do nữ hiệu trưởng đã thực hiện rất hiệu quả phương châm “xã hội hóa” trong công tác giáo dục. Chỉ tính riêng từ hè năm 2019 đến nay, nhà trường đã kêu gọi xã hội hóa được gần 500 triệu đồng cùng một số hiện vật và sự ủng hộ công sức từ phụ huynh. Nguồn “xã hội hóa” giúp nhà trường xây dựng được nhiều công trình lớn, thay đổi diện mạo của Trường THCS An Khánh.

Không chỉ là một “cánh chim đầu đàn” giàu sáng kiến, cô Nguyễn Thị Huyền còn được giáo viên, học sinh và nhiều phụ huynh học sinh đánh giá là một người truyền cảm hứng và tận tụy lan toả những giá trị yêu thương. Vị nữ hiệu trưởng cũng thường được nhắc đến với những câu chuyện như “bỏ tiền túi” hoặc kêu gọi kinh phí để hỗ trợ những đồng nghiệp hay học trò có hoàn cảnh khó khăn trong trường.

Nhớ lại thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, học sinh các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội phải chuyển từ phương pháp học tập trực tiếp quen thuộc sang học trực tuyến với nhiều bỡ ngỡ. Việc học trực tuyến còn trở thành một vấn đề nan giải với những học sinh có gia cảnh khó khăn và cô là người nghĩ ra ý tưởng đầu tiên tặng thiết bị học tập cho học sinh.

Cô Huyền  đã họp GVCN của 40 lớp cho rà soát học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khi được nghe các thầy cô giáo trong trường báo cáo về tình trạng có nhiều học sinh không thể tham gia học tập. Lý do được đưa ra khiến người nữ hiệu trưởng cảm thấy rất “khổ tâm” vì nhiều học sinh có gia cảnh khó khăn không có điều kiện để sắm thiết bị học trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Huyền trao tặng phần quà cho một học sinh đang học tập tại trường THCS An Khánh sáng ngày 26/3.
Cô Nguyễn Thị Huyền trao tặng phần quà cho một học sinh đang học tập tại trường THCS An Khánh sáng ngày 26/3.

“Trường THCS An Khánh có tổng 56 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc có thiết bị để phục vụ việc học trực tuyến dường như là điều không thể. Hơn nữa, có những học sinh gia đình đông anh em khiến không đủ thiết bị để học dẫn đến tình trạng tiếp thu kiến thức của các em bị đứt đoạn, ngắt quãng.

Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của các em cũng như kéo theo thành tích của nhà trường cũng sẽ đi xuống. Là một người đứng đầu nhà trường, tôi thiết nghĩ phải làm điều gì đó để giúp đỡ các em thuận lợi hơn trong việc học tập theo phương pháp mới này”, cô Huyền chia sẻ.

Nghĩ là làm, cô Huyền đề xuất ý kiến của mình với các thầy cô giáo trong trường cùng ban thường trực hội cha mẹ học sinh. “Rất may mắn, mọi người đều nhiệt tình ủng hộ, đóng góp và mua tặng thiết bị học tập trực tuyến trao gửi đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chứng kiến niềm vui của học trò khi được cầm trên tay thiết bị phục vụ việc học tập, những người thầy cô như chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi”, cô Huyền hồ hởi kể lại.

Nhận được phần quà là một điện thoại thông minh do cô Huyền đại diện trao tặng để phục vụ việc học trực tuyến, phụ huynh của em Nguyễn Thị Thanh Tâm (học sinh lớp 6A2, trường THCS An Khánh) chia sẻ gia đình chị cảm thấy rất vui và xúc động.

Vị phụ huynh này cho biết, bản thân chị phải một mình nuôi 2 người con. Khi dịch bệnh bùng phát, cháu Tâm (con gái lớn) phải chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Kinh tế gia đình khó khăn khiến chị không thể mua thiết bị để con gái học tập. Việc học tập của cháu Tâm có khả năng phải tạm dừng nhưng may mắn có được món quà ý nghĩa từ nhà trường khiến chị cảm rất xúc động và biết ơn.

Trong khi đó, gia đình chị Kiều Thị Tâm (trú tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) có 4 người con đang trong độ tuổi đến trường. Trong số này, 2 người con lớn sinh đôi năm nay cùng học lớp 7 và cùng phải học tập bằng phương pháp trực tuyến.

Dịch bệnh khiến thu nhập của gia đình chị trở về con số không. Để có thể học tập, 2 người con lớn của chị phải chia ca để sử dụng chiếc điện thoại duy nhất của gia đình khiến việc tiếp thu bài gặp nhiều khó khăn.

May mắn nhận được sự trợ giúp từ Trường THCS An Khánh là một chiếc điện thoại thông minh khiến chị Tâm rất hạnh phúc. Việc có thêm 1 chiếc điện thoại khiến 2 người con của chị có thể yên tâm học bài, không phải chia ca để duy trì việc học như trước đây.

Cô Nguyễn Thị Huyền cùng cán bộ, học sinh trường THCS An Khánh dâng hương tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An.
Cô Nguyễn Thị Huyền cùng cán bộ, học sinh trường THCS An Khánh dâng hương tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An.

Đối tượng của những hoạt động thiện nguyện do cô Huyền khởi xướng không chỉ dừng lại ở các em học sinh mà còn hướng đến những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại nhà trường. Cô Huyền chia sẻ rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không chỉ các em học sinh mà còn cả những giáo viên đang công tác tại trường.

“Giãn cách xã hội, nhiều thầy cô không thể làm việc, thu nhập giảm dẫn đến cuộc sống gia đình không được đảm bảo ảnh hưởng đến việc giảng dạy. Nhiều thầy cô giáo công tác tại trường gia cảnh cũng khó khăn, có thầy cô còn phải lo cho con mắc bệnh hiểm nghèo”, cô Huyền tâm sự.

Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, ngoài việc “bỏ tiền túi” ra, người nữ hiệu trưởng còn tích cực vận động các nhà hảo tâm để có thêm kinh phí giúp đỡ những người đồng nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.  

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, cô Nguyễn Thị Huyền cho biết bản thân rất may mắn khi vừa được nhận giải thưởng Gương phụ nữ tiêu biểu giai đoạn 2020 – 2022 và giải nhất do khán giả bình chọn cuộc thi Tôn vinh áo dài truyền thống Việt Nam và sẽ dành toàn bộ số tiền được trao giải trên cũng như bán đấu giá chiếc áo dài để lấy tiền làm phần thưởng trao tặng cho các em học sinh khuyết tật đang học tập tại trường.

“Trong cuộc sống, nhất là với những người công tác trong ngành giáo dục, điều đầu tiên cần là phải có là tình thương. Khi có tình thương rồi mới có thể yêu thương các con và hết lòng vì các con được”, cô Huyền bộc bạch.

“Cây sáng kiến” của ngôi trường hơn 60 năm tuổi

Hơn 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, nếm đủ gian khổ, vinh quang của nghề, giờ đây trên cương vị một người làm về công tác quản lý giáo dục, cô Huyền tâm sự rằng bản thân rất muốn mang những điều tốt đẹp nhất đến với các em học sinh đang học tập tại Trường THCS An Khánh.

Để làm được điều đó, người nữ hiệu trưởng cho rằng vai trò của mình là phải xây dựng được khối đoàn kết ở cả 3 khía cạnh gồm: phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo trong trường và liên kết với các em học sinh.

Với phụ huynh học sinh, cô Huyền cho rằng bản thân mình và những thầy cô giáo trong trường phải luôn cố gắng trong công tác, lối sống để trở thành một tấm gương sáng để phụ huynh tin tưởng, trao gửi con em.

Đối với giáo viên trong nhà trường, cô Huyền cho biết người lãnh đạo phải biến mình thành “chất kết dính”, từ đó xây dựng được khối đại đoàn kết trong nhà trường. “Tại những buổi gặp mặt, tôi thường nói với các thầy cô trong trường làm sao phải biến nhà trường thành một ngôi nhà thứ 2, ở đó có đầy đủ sự yêu thương, là nơi mà bất cứ thầy cô giáo nào không đến là sẽ thấy nhớ”, cô Huyền tâm sự.

Vị Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh cũng chia sẻ rằng, ngoài tình yêu thương, việc thường xuyên nâng cao bồi dưỡng nghiệp vụ cũng là việc tối quan trọng và phải được thực hiện song song, đồng thời. Cô Huyền cho rằng: “Chuyên môn vững, nhân cách tốt, tình yêu thương dạt dào sẽ là những điều các thầy cô giáo cần có và nhất thiết phải có”.

Cô Nguyễn Thị Huyền cũng là người đưa ra nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng dạy và học tại trường THCS An Khánh.
Cô Nguyễn Thị Huyền cũng là người đưa ra nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng dạy và học tại trường THCS An Khánh.

Để nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên trong trường, cô Huyền chính là người đã đưa ra sáng kiến để các thầy cô ngoài tổ nhóm tham gia dự giờ tại các tiết dạy chuyên đề. Điều này có thể lý giải như việc các thầy cô dạy Toán, Tiếng Anh…có thể tham gia dự giờ các tiết dạy chuyên đề về môn Ngữ Văn, Lịch sử…và ngược lại. Cô Huyền cho rằng, với cách làm này, các thầy cô có thể đưa ra những ý kiến góp ý cho nhau. Nếu không góp ý được về chuyên môn thì sẽ góp ý được về mặt phương pháp dạy.

Có một điều đặc biệt tại Trường THCS An Khánh là việc tổ nhóm nào cũng sẽ phải có một nhóm riêng được xây dựng trên mạng internet. Đây là nơi các thầy cô trong tổ nhóm sẽ trao đổi, góp ý về chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp dạy. Những tài liệu hay cũng sẽ đều được chia sẻ lên nhóm để các giáo viên trong tổ cùng tham khảo, góp ý với mục đích nâng cao chuyên môn.

Có lẽ sẽ khác với cách quản lý của những người hiệu trưởng khác, bên cạnh sự quan tâm dành cho tất cả các học sinh, cô Nguyễn Thị Huyền đặc biệt quan tâm đến những học sinh thuộc diện cá biệt, những em học sinh chưa đánh giá đúng, đủ về việc học tập. Thay vì xử phạt, đòn roi hay mời phụ huynh lên nói chuyện, cô Huyền lại dùng chính tình thương thương của mình để “cảm hoá” những em học sinh này.

Cô Huyền chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ, mình nên cho đi những thứ gì mà học trò của mình đang thiếu. Với một học sinh thuộc diện cá biệt, tôi nghĩ tình thương sẽ dễ dàng khiến các em thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn thay vì áp dụng những hình phạt”.

Nhiều năm qua, cánh cửa phòng làm việc của cô Huyền luôn rộng mở để chào đón những em học sinh có tâm tư, tình cảm hay những lúc “chệch nhịp” trong cuộc sống cần một lời khuyên. Người nữ hiệu trưởng tin rằng “tình yêu thương sẽ là phương pháp giáo dục tốt nhất các em học sinh cần”.

Sau hơn 20 năm gắn bó với ngành Giáo dục, cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý như:

Huy hiệu phụ trách giỏi; Giải nhì Tổng phụ trách Đội giỏi Tỉnh Hà Tây;  Giải Nhì Giáo viên chủ nhiệm giỏi Thành phố Hà Nội cấp THCS; Giáo viên giỏi cấp Thành phố; Danh hiệu “Người tốt – việc tốt”; Danh hiệu Giỏi việc nước – Đảm việc nhà;  SKKN cấp thành phố, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua,…

Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường nhân dịp 60 năm thành lập; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo; Giấy công nhận Gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu huyện Hoài Đức;  Giải nhất - khán giả bình chọn Cuộc thi Tôn vinh áo dài truyền thống Việt Nam qua ảnh; Giấy khen và cup gương phụ nữ tiêu biểu giai đoạn 2020-2022, …

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.